Những người biểu tình với các khẩu hiệu phản đối bạo lực - Ảnh: Al Jazeera

Tiêu điểm:

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về viễn cảnh kinh doanh ở Myanmar

Mạng lưới viễn thông đã được khôi phục lại, nhưng hoạt động chập chờn. Grab cho hay các dịch vụ của họ ở Myanmar có lúc ngưng trệ tạm thời do tín hiệu mạng di động yếu đột ngột. Các doanh nghiệp nước ngoài đã yêu cầu nhân viên sở tại làm việc ở nhà, không phải đến văn phòng và tránh ra ngoài. Các hoạt động kinh tế và xã hội ở Yangon và các nơi khác ở Myanmar đang chậm lại sau biến cố bà Aung San Suu Kyi, cùng các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị bắt giữ sáng 1/2.

Năm 2015, các công ty nước ngoài đã từng hy vọng vào chân trời hy vọng kinh doanh mới sau khi Myanmar có cuộc bầu cửa tự do, chấm dứt sự tồn tại của nhà cầm quyền quân sự sau 50 năm. Nay, với lệnh khẩn cấp kéo dài trong một năm do các tướng lĩnh cầm đầu đảo chính tuyên bố, họ sẽ đương đầu với câu hỏi: Sẽ thỏa hiệp với nhà cầm quyền hay rời bỏ mảnh đất đầu tư đầy hứa hẹn nhưng cũng rất rủi ro này.

Nhật Bản xếp hàng thứ ba trong số vốn đầu tư mới trong chín tháng đầu năm 2020, xếp sau Singapore và Hong Kong. Hãng xe Toyota nói vẫn chuẩn bị cho kế hoạch khai trương nhà máy mới trong tháng này ở Đặc khu kinh tế Thilawa, ngoại ô Yangon. Bắt đầu nhập khẩu và bán xe từ năm 2014, Toyota đã có được cơ hội kiếm lời lớn khi doanh số ở thị trường mới luôn tăng vọt. Vì thế, hãng quyết định mở nhà máy lắp ráp xe bán tải Hilux tại đây.

Hãng Suzuki có mặt tại Myanmar sớm hơn, từ năm 2013. Hãng này cũng dự định xây dựng nhà máy lắp ráp mới ở đặc khu Thilawa từ tháng 9 sắp tới.

Các tập đoàn lớn khác của Nhật Bản đều đang có dự án lớn ở Myanmar. Mitsubishi thắng gói thầu 600 triệu USD để cung cấp 246 toa tàu cho Công ty Đường sắt Myanmar. Tập đoàn cũng đang quản lý sân bay Mandalay và tham gia dự án phát triển đô thị trung tâm Yoma ở Myanmar. Tập đoàn thương mại Mitsui chuyên bán máy móc nông nghiệp và phân bón. Hãng bia Kirin đang có hai nhà máy bia tại Myanmar…

Sẽ khó có trường hợp các tập đoàn rời bỏ Myanmar, mà họ sẽ cố bám trụ và nhiều nhất là tạm đình hoãn các hoạt đông. Chiều ngày 2/2, Suziki và hãng hàng không All Nippon Airways tuyên bố đình hoãn các hoạt động ở Myanmar.

Cũng chiều 2/2, theo Nikkei Asia, tập đoàn Amata của Thái Lan tuyên bố tạm dừng dự án phát triển khu công nghiệp 1 tỷ USD ở ngoại ô Yangon. Trước ngày đảo chính, tập đoàn Kasikorn, ngân hàng lớn thứ tư ở Thái Lan, cũng gọi nhân viên người Thái Lan về Bangkok làm việc để tránh dịch. Nhân viên bản xứ cũng được phép chọn làm việc tại nhà hay văn phòng.

Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài lẫn Myanmar đang lo ngại về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà cộng đồng quốc tế sẽ sớm đưa ra. Các lệnh trừng phạt của Mỹ trước năm 2015 với các công ty nước ngoài giao dịch và làm ăn với các công ty Myanmar có mối quan hệ gần gũi với quân đội vẫn còn là ám ảnh.

Các lệnh trừng phạt mới, nếu có, sẽ là lực cản lớn nhất cho các tập đoàn đa quốc gia muốn làm ăn tại Myanmar trong năm 2021 và giai đoạn sau đó.

Hơn 200 tập đoàn, công ty quốc doanh lẫn tư nhân của Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar. Trong đó, có các tên tuổi lớn như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hãng hàng không Vietnam Airlines, tập đoàn viễn thông Viettel, ngân hàng BIDV, ngân hàng SHB, hãng xe Thaco Trường Hải, hãng gọi xe công nghệ FastGo…

Trước các diễn biến mới ở Mynamar, chiều 2/2 Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Bản tin thị trường – ngày 2/2/2021

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,55- 57,05 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1854,3 USD/ounce, tăng 6,2 USD, tương đương 0,34% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, mặc dù nhóm các nhà lập pháp ôn hòa của Đảng Cộng hòa đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden giảm giá trị gói kích thích 1.900 tỷ USD nhưng kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi nhờ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới.

2/ Trong nửa đầu tháng 1 vừa rồi, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị sụt giảm mạnh. Sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong nửa đầu tháng 1 chủ yếu vẫn do tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng. Những lô hàng nông sản đã xuất đi được trong tháng 1, phải chịu phí vận chuyển rất cao. Theo VASEP, trong tháng 1 vừa rồi, cước tàu biển đi châu Âu tiếp tục tăng rất mạnh, với mức tăng từ 145-276% (tùy theo cảng). Giá cước tàu biển đi Mỹ trong tháng 1 cũng tiếp tục tăng, dù mức tăng không lớn như cước tàu đi EU. Đây không chỉ là thực trạng riêng ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước xuất khẩu khác. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Thái Lan cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thiếu container.

Theo VASEP, trong tháng 1 vừa rồi, cước tàu biển đi châu Âu tiếp tục tăng rất mạnh, với mức tăng từ 145-276%

3/ Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Cụ thể, cả nước có gần 10,1 ngàn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 ngàn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

4/ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với khoản lỗ cao hơn năm trước. Theo đó, 3 tháng cuối năm, HAG lỗ trước thuế hơn 1.520 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh dưới giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Theo đó, doanh thu quý cuối năm của HAG đạt hơn 920 tỷ đồng, tăng hơn 50%. Trong đó, trái cây chiếm tỷ trọng cao nhất với 538 tỷ đồng (tăng 66%), doanh thu mảng chăn nuôi hơn 120 tỷ đồng, doanh thu bán mủ cao su đạt 105 tỷ đồng (giảm 32%), doanh thu từ các mảng kinh doanh khác khoảng 150 tỷ đồng. Trái cây chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu của HAG ở quý 4 nhưng giá vốn hàng bán cao hơn gần 200 tỷ đồng.

5/ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông báo rằng họ sẽ phân bổ 25 triệu USD để giúp Chính phủ Philippines mua vaccine ngừa dịch Covid-19. ADB cho biết khoản tài trợ mới được phân bổ cho việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 sẽ tuân thủ theo các yêu cầu về khả năng tiếp cận và phù hợp theo khuôn khổ Cơ sở tiếp cận vaccine châu Á – Thái Bình Dương (APVAX) của ngân hàng này, ra mắt vào ngày 11/12/2020 với cam kết tài trợ 9 tỷ USD cho khu vực. Phillippines đã đưa ra lộ trình sử dụng vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho 60-75% người dân nước này. Chính phủ Philippines hiện đang tiến hành đàm phán về việc cung cấp vaccine với một số nhà sản xuất. Ngoài ra, ADB cho biết thêm việc tài trợ sẽ tuân theo các thông lệ toàn cầu tốt nhất đối với các biện pháp bảo vệ, bao gồm quản lý chất thải đối với nguồn cung cấp y tế.

6/ Theo Reuters, người sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma đã bị truyền thông quốc gia Trung Quốc loại khỏi danh sách các lãnh đạo doanh nghiệp. Việc này cho thấy Jack Ma không còn được Bắc Kinh ưa chuộng. Doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc đã không được nhắc tới trong bài báo đăng trên trang nhất của tờ Tin tức chứng khoán Thượng Hải. Thay vào đó, ông Ren Zhengfei thuộc tập đoàn công nghệ Huawei và Lei Jun thuộc Tập đoàn Xiaomi và Wang Chuanfu thuộc BYD được ca ngợi vì những đóng góp của họ. Jack Ma gặp rắc rối sau một bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó ông chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc 37 tỷ USD IPO của tập đoàn Ant Group thuộc sở hữu của Jack Ma bị hoãn trước khi nó được niêm yết. Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về chống độc quyền nhằm vào ngành công nghệ với Alibaba trở thành tâm điểm cũng như chấn chỉnh hoạt động của Ant Group.

7/ Amazon đã khai trương Amazon Pharmacy, hiệu thuốc trực tuyến tại thị trường Hoa Kỳ, theo đó người tiêu dùng có thể đặt mua thuốc theo đơn trực tiếp từ trang web hoặc ứng dụng di động của mình. Dịch vụ này cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch mua thuốc thông qua Amazon và nhận hàng không giới hạn, miễn phí ship trong hai ngày nếu họ là thành viên của Amazon Prime. Amazon đang thực sự nghiêm túc bước vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – họ không chỉ mở rộng mạng lưới bán lẻ vốn đã rộng lớn của mình. Amazon đã đăng tuyển dụng các bác sĩ cho cả Amazon Pharmacy và các lĩnh vực kinh doanh khác của mình. Điều này cho thấy rằng, cuối cùng họ cũng sẽ có thể cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa giống như các hiệu thuốc hiện có.

8/ Apple đã thông báo những con số thành công vang dội của hãng trong quý tài chính cuối cùng của năm 2020. Theo đó, 1 tỷ iPhone đang hoạt động là cột mốc quan trọng đối với Apple, nói lên sự thành công và tuổi thọ lâu dài của hãng điện thoại “Quả táo” này. Hiện có 1,65 tỷ thiết bị Apple đang được nhân loại trên toàn cầu sử dụng. Quý 4/2020 được Apple tính là quý tài chính đầu tiên của năm 2021 bao gồm những tháng cuối 2020 và dịp mua sắm cuối năm. Đây là lần đầu tiên doanh thu của Apple trong một quý vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Cụ thể, hãng đạt doanh thu 111,4 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ iPhone mà các sản phẩm, dịch vụ khác của Apple đều thắng lớn. Mac và iPad có tăng trưởng, trong khi các thiết bị đeo như AirPods hay Apple Watch vẫn bán ra rất tốt và giúp thúc đẩy thị trường này tăng trưởng ở mức 30% qua từng năm.

1 tỷ iPhone đang hoạt động là cột mốc quan trọng đối với Apple – Ảnh: Macworld

9/ Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) vừa chính thức khai trương Ngân hàng Syariah Indonesia (BSI) thuộc sở hữu của nhà nước với tổng giá trị tài sản 240.000 tỷ rupiah (17 tỷ USD), đứng thứ bảy trong số các ngân hàng Indonesia về tổng giá trị tài sản. Chính phủ Indonesia từ lâu đã theo đuổi ý tưởng hợp nhất các ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước với mục đích tạo ra một ngân hàng Hồi giáo mạnh hơn. Với hơn 1.200 chi nhánh và hơn 20.000 nhân viên, BSI hiện là ngân hàng Hồi giáo lớn nhất của Indonesia và được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba ngân hàng Hồi giáo của ba ngân hàng quốc doanh gồm PT Bank BRIsyariah (BRIS), PT Bank Syariah Mandiri (BSM) và PT Bank BNI Syariah (BNIS).

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Hội DN HVNCLC tặng 3000 suất quà quà Tết cho công nhân – lao động nghèo