“Mấu chốt của trần khuyến mại 20% với trả trước là làm cho các nhà mạng khó kích thích người dùng nạp thẻ hơn, khó bán hàng hơn”…

Không đơn thuần bị sụt giảm doanh thu mà chính sách trần khuyến mại 20% đối với thuê bao trả trước đang khiến người dùng không còn háo hức, mặn mà với nạp thẻ, làm hành vi tiêu dùng bị thay đổi và đây mới được xem là nỗi lo của nhà mạng.

Không còn mặn mà với nạp thẻ

Đại diện một nhà mạng lớn cho biết, sau khi Thông tư số 47 quy định doanh nghiệp viễn thông chỉ được khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao trả trước được áp dụng từ ngày 1/3/2018, doanh số nạp thẻ của nhà mạng sụt giảm hẳn. Không đưa ra con số tuyệt đối nhưng vị này cho biết, mức sụt giảm cũng phải dưới 10%.

Nếu tính toán doanh thu từ dịch vụ di động (trong đó chủ yếu là nạp thẻ) từ nhà mạng lớn này với 2.000 tỷ đồng/tháng, mức sụt giảm chỉ 5% thì một tháng doanh nghiệp cũng mất đứt… 100 tỷ đồng.

“Nếu tính cả ba nhà mạng lớn (Viettel, VinaPhone, MobiFone – PV), doanh số thẻ cào bị sụt giảm sẽ phải lên tới 500- 600 tỷ đồng/tháng”, vị đại diện trên ước chừng.

Theo tính toán từ một số nhà mạng, cho biết, trước đây người dùng gọi rất nhiều, doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) là 80 nghìn đồng/tháng nhưng sau khi bị siết khuyến mại, ARPU tụt xuống còn khoảng 60 nghìn đồng/tháng.

Sự sụt giảm về doanh thu nạp thẻ, “nguy hiểm” hơn còn kéo theo sự thay đổi về hành vi tiêu dùng. Người dùng tiết kiệm hơn trong chi tiêu cho dịch vụ viễn thông, không còn hào hứng, mặn mà với việc nạp thẻ, và nếu điều này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đến doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng.

“Mấu chốt của trần khuyến mại 20% với trả trước là làm cho các nhà mạng khó kích thích người dùng nạp thẻ hơn, khó bán hàng hơn”, vị đại diện nhà mạng trên cho biết.

Thông thường tâm lý thuê bao nếu rẻ hơn sẽ gọi nhiều hơn. Trước đây khuyến mại 50%, nếu nạp thẻ 100 nghìn người dùng sẽ nhận được 150 nghìn, nhưng với quy định 20% thì chỉ còn được 120 nghìn (gồm tài khoản gốc và khuyến mại). Theo phân tích của một số nhà mạng, tài khoản 120 nghìn người dùng sẽ gọi khác với tài khoản 150 nghìn. Hơn nữa khi tài khoản ít đi người ta cũng sẽ gọi ít hơn.

Sẽ sớm quay lại khuyến mại 50%?

Những sở cứ trên cho thấy chính sách khuyến mại đang chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh bán hàng và doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông.

Trước đây, chính sách khuyến mại ngày vàng, giờ vàng được xem phổ biến nhất là ở thị trường điện máy (dù những năm gần đây đã giảm hẳn), thì với các doanh nghiệp viễn thông, khuyến mại ngày vàng vẫn được xem là “cứu cánh” và diễn ra với tần suất khá cao, trải dài trong tháng và cả năm.

Đại diện một nhà mạng lớn cho biết, trung bình một tháng nhà mạng sẽ có 3 đợt ngày vàng khuyến mại. Mỗi ngày vàng khuyến mại (thường là 50%), doanh thu nạp thẻ sẽ gấp khoảng 10 lần so với ngày thường (không khuyến mại).

“Điều đó đủ để thấy quy định giới hạn khuyến mại 20% đối với thuê bao trả trước (đang chiếm khoảng trên 90% tổng số thuê bao di động) tác động như thế nào đến doanh số nạp thẻ của mỗi nhà mạng”, vị đại diện này thẳng thắn nhìn nhận về giá trị của chính sách khuyến mại.

Chính vì có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông nên trong hầu hết các cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi Thông tư 47 có hiệu lực, lãnh đạo các nhà mạng đều “than thở” về việc giảm doanh thu cũng như trực tiếp kiến nghị Bộ bỏ quy định trần khuyến mại 20%.

Hiện các nhà mạng cũng có văn bản gửi lên Bộ quản lý đề xuất được áp dụng khuyến mại 50% trở lại với thuê bao trả trước.

Tín hiệu mới nhất là tại hội nghị giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Cục Viễn thông cho biết Cục đang làm việc với Bộ Tài chính đề xuất ban hành giá cước trung bình theo Nghị định 25 và đang nghiên cứu đề xuất của các nhà mạng điều chỉnh mức trần khuyến mại cho thuê bao trả trước từ 20% hiện nay lên 50%.

Theo Vneconomy