Khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định áp dụng hai loại thị thực mới, ông muốn xoa dịu các công ty Nhật Bản trước tình trạng thiếu lao động và không thể thuê thêm nhân viên nước ngoài.
Tuy nhiên, quyết định gây tranh cãi của Thủ tướng chính là ngòi nổ cho một cuộc tranh luận mà Nhật Bản đã tránh được trong nhiều thập kỷ qua: liệu quốc gia có tỷ lệ dân số già hoá nhanh nhất thế giới, và là một trong những quốc gia đồng nhất về mặt dân tộc, có chấp nhận người nhập cư để ổn định dân số và nền kinh tế của mình?
Trung tâm của cuộc tranh cãi là hai yếu tố trong kế hoạch của ông Abe vốn là điều cấm kỵ ở Nhật Bản. Thứ nhất, con đường để những người lao động nhập cư trở thành thường trú nhân rất lâu và vô cùng khó khăn. Thứ hai, quy định mới cũng sẽ cho phép một số người lao động nước ngoài mang theo gia đình của mình.
Tại cuộc họp của quốc hội tuần trước, ông Abe nhấn mạnh rằng ông không áp dụng cái gọi là “chính sách nhập cư”. Ông cho biết các yêu cầu để được thường trú tại Nhật Bản là cao và ông không có ý định hạ thấp chúng.
Số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng vọt trong những năm gần đây – tăng 18% trong năm 2017 lên 1,28 triệu người – nhưng phần lớn là sinh viên hoặc “học viên” có thị thực nhưng không thể ở lại lâu dài. Cải cách được đề xuất của ông Abe sẽ cấp thị thực làm việc đầy đủ ở những ngành nghề thiếu lao động, chẳng hạn như xây dựng, và hỗ trợ thủ tục thường trú cho những người vượt qua kỳ thi tiếng Nhật đầy khó khăn.
Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita nói: “Cho đến nay chúng tôi chỉ chấp nhận lao động nước ngoài có tay nghề cao, nhưng hiện giờ chúng tôi đang tiến hành các chuyển đổi cần thiết để tạo điều kiện cư trú mới cho người lao động cơ bản”.
Kế hoạch này đã nhận được những phản ứng dữ dội từ các đảng đối lập. Yuichiro Tamaki, lãnh đạo của đảng Dân chủ cho biết đảng của ông ủng hộ “một chính sách nhập cư theo phong cách châu Âu hoặc Mỹ”.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 54% dân chúng ủng hộ kế hoạch của ông Abe, trong khi 34% phản đối. Với tỷ lệ ủng hộ cao từ giới trẻ phản ánh sự biến chuyển trong xã hội Nhật Bản, với thực trạng số lượng khách du lịch và người lao động nước ngoài đang bùng nổ trên khắp đất nước.
Ngô Văn Tùng, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành kỹ sư kết cấu từ Việt Nam, là ví dụ điển hình về mẫu lao động nước ngoài mà ông Abe muốn thu hút. Một nhà thầu Nhật Bản đã đến Việt Nam để phỏng vấn anh và hỗ trợ xin thị thực 5 năm theo chương trình hiện tại cho những công nhân có tay nghề cao. Tùng được ký hợp đồng dài hạn và có mức lương bằng với người bản xứ tốt nghiệp cùng ngành nghề. Anh hiện đang giám sát một công trường xây dựng ở Tokyo.
Nhìn chung, anh thấy cuộc sống ở Nhật rất tốt. Anh Tùng chơi bóng đá vào cuối tuần và có điều kiện đi khắp đất nước để làm việc. Theo anh môi trường và giao thông vận tải ở Việt Nam vẫn còn hạn chế vì vậy anh đã thực sự ấn tượng khi được sống ở Nhật Bản. Tuy nhiên, văn hóa làm việc nhiều ở Nhật đã gây sốc cho anh. Anh nói: “Mọi người ở đây rất tận tụy và làm việc chăm chỉ”, và anh còn thể hiện sự ngưỡng mộ với văn hoá từ chức ở đây.
Anh Tùng đã kết hôn ở Việt Nam vào mùa hè này và hy vọng vợ anh sẽ có thể qua Nhật sống cùng anh. Điều này có thể trở nên dễ dàng hơn với những cải cách của ông Abe. Anh Tùng không chắc chắn về tương lai liệu công ty của anh sẽ mở văn phòng tại Việt Nam, hay anh sẽ ở lại Nhật Bản thêm khoảng 10 năm nữa. Tuy nhiên, anh không có ý định nghiêm túc về việc trở thành công dân Nhật Bản.
Một nhóm dân số nước ngoài khác cũng chiếm tỷ lệ lớn ở Nhật Bản chính là sinh viên, những người được phép làm việc hợp pháp tối đa 28 giờ một tuần. Krizzialyn Judrana, một sinh viên tốt nghiệp đại học từ Philippines, đang nhận học bổng để học tiếng Nhật. Ngoài lương của mình, công ty trả tiền ở và học phí cho cô. Đổi lại, cô phải đi giao báo từ 12.30 sáng đến 4 giờ sáng. Chương trình học diễn ra trong hai năm, và cô Judrana rất thích cuộc sống ở Nhật Bản và muốn ở lại. Cô nói: “Nếu có cơ hội, tôi muốn ở lại đây và sẽ làm việc chăm chỉ”.
Những người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất ở Nhật Bản là người Việt Nam và người Nepal. Bahadur, một đầu bếp 43 tuổi ở một ngôi làng gần Kathmandu, là người dễ dàng có cơ hội đến Nhật Bản với những cải cách của ông Abe. Hiện tại, anh có thị thực lao động có tay nghề cao, do anh có hơn 10 năm kinh nghiệm là bếp trưởng.
Bahadur đã kết hôn và có hai con ở Nepal. Sẽ rất tốn kém để các con anh được đoàn tụ tại Nhật Bản, ngay cả khi anh đã có sẵn thị thực, và anh dự định trở về quê hương khi hết thị thực. “Học tiếng Nhật không dễ dàng gì” anh nói, “nhưng tôi vẫn rất thích ngôn ngữ này.”
Ngay cả khi kế hoạch của ông Abe được quốc hội thông qua vào mùa xuân tới, Nhật Bản đã xác định sẽ rút kinh nghiệm từ những người đi trước là châu Âu và Mỹ, bằng cách đảm bảo rằng bất kỳ thường trú nhân nào đều phải có công ăn việc làm và nói tiếng Nhật lưu loát. Nhưng cuộc tranh luận mà ông Abe đã khơi mào cùng với những thay đổi trong suy nghĩ của người dân đã cho thấy một đất nước vốn khép kín trong thời gian dài cuối cùng đã sẵn lòng mở cửa.
Ngân Giang (theo FT)