Một chùm nho mẫu đơn như trong ảnh được bán với giá 60 USD tại các siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Tiêu điểm

Nhật Bản đau đầu vì nạn “trái cây giả” từ trang trại Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngọt và thơm, nho mẫu đơn Shine Muscat thượng hạng có giá tới 60 USD một nhánh ở các siêu thị Nhật Bản. Nhưng các trang trại nho ở Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang hưởng lợi vì “ăn cắp” giống loại nho thượng hạng của Nhật Bản.

Giá trị xuất khẩu nho mẫu đơn của Hàn Quốc gấp 5 lần so với Nhật Bản, trong khi đó các trang trại trồng loại nho này ở Trung Quốc có diện tích hơn 40 lần so với đất trồng nho Shine Muscat ở xứ hoa anh đào.

Các quy định mới về bảo vệ nguồn gien quý cây trồng bắt đầu có hiệu lực tại Nhật Bản từ tháng 4 vừa rồi. Luật cấm đưa hạt giống hay cây con của bất cứ loại cây trồng hay trái cây nào đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng thực thi luật để bảo vệ lợi ích của ngành nông nghiệp Nhật Bản vẫn còn là thách thức.

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp nhận ra rằng cây con của giống nho Shine Muscat đã bị lén “xuất khẩu” và trồng ở bên ngoài Nhật Bản. Việc thiếu cơ sở pháp lý để ngăn chận các hành động như vậy đã khiến quyền lợi của Nhật Bản bị thiệt hại, trong khi đó sản xuất và xuất khẩu của các đối thủ vẫn gia tăng.

Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản về sản lượng xuất khẩu trong năm 2019. Trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nho của Hàn Quốc đạt 800 triệu yen – khoảng 7,27 triệu USD,  tăng 50% so với cùng kỳ, với giống nho mẫu đơn chiếm đến 90% giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu nho mẫu đơn của Nhật Bản chỉ đạt 147 triệu yen.

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai điểm đến chính của nạn buôn lậu hạt giống và cây con từ Nhật Bản – theo Hiệp hội Sáng tạo công nghệ nông, lâm và ngư nghiệp Nhật Bản (JATAFF).

Diện tích trồng nho Shine Muscat ở Nhật Bản chỉ 1.200 hectare, so với con số 1.800 ha của Hàn Quốc và 53.000 ha ở Trung Quốc. Một cuộc điều tra năm 2020 của JATAFF cho thấy nông sản của trên 30 trang trại Nhật Bản đã bị “ăn cắp” giống và trồng rộng rãi ở nước ngoài, trong đó có cả giống dâu và các giống cam chanh thượng hạng của vùng Shizuoka.

Luật mới vào tháng 4 vừa rồi phạt tiền và tù giam với những ai vi phạm luật chống buôn lậu cây giống, nhưng tình trạng vi phạm không thuyên giảm. Một khi hạt giống và cây con được đưa lậu ra khỏi Nhật Bản, mọi thứ xem như mất vết.

Nhật Bản đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 2.000 tỉ yen vào năm 2025 và tăng lên 5.000 tỉ yen trong năm 2030. Nhưng hiện mục tiêu đạt 1.000 tỉ yen trong năm 2019 đã không thể thực hiện khi nạn ăn cắp ở hai nước láng giềng vẫn tái diễn.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,55 – 57,25 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước, mức chênh lệch hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.779,9 USD/ounce, tăng nhẹ 0,2 USD, tương đương 0,01% so với chốt phiên trước.

2/ Infographic: Các ngành nghề và xu hướng phát triển qua thời dịch

Dựa trên số liệu từ các nền kinh tế với thị trường lao động đa dạng, hãng tư vấn McKinsey nói dịch Covid-19 đã tác động đến sự phát triển của nhiều ngành nghề bằng cách thúc đẩy các xu hướng số hóa dịch vụ, làm việc từ xa và tự động hóa.

3/ Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu với giá trị khoảng 476,98 triệu USD, tăng 50,4% so với tháng 7/2020. Tính hết 7 tháng, Việt Nam chi khoảng trên 2,93 tỷ USD, (tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2020) để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Argentina là thị trường Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lớn nhất. Được biết, thời gian qua ngành chăn nuôi trong nước tăng trưởng mạnh đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng số 1 khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, với mức tăng trưởng bình quân 13-15%/năm. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài (nhập 70-85% nguyên liệu). Đây chính là nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao mỗi khi giá thức ăn chăn nuôi thế giới biến động mạnh.

4/ Theo Nikkei Asia, công ty giao nhận hàng hóa Loship đã đặt mục tiêu trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ trong hơn 1 thập kỷ. Tham vọng của Loship diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm ngày một nhiều hơn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đông Nam Á. Theo đó, Loship vừa mới nhận được khoản đầu tư 12 triệu USD từ đợt gọi vốn được bảo đảm bởi quỹ BAce Capital với sự đảm bảo của tập đoàn tài chính Ant, Loship cho biết hy vọng sẽ IPO trên sàn chứng khoán New York trước năm 2024 sau khi có lãi trong vòng từ 18 đến 24 tháng. Loship hiện có 2 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam vốn đang tăng trưởng nhanh nhưng mức độ cạnh tranh cũng vô cùng gắt gao.

5/ 34 doanh nghiệp than của Indonesia, vì vi phạm quy định về tỷ lệ bán than tại nội địa theo hợp đồng cho công ty nhà nước, nên đã bị cấm xuất khẩu. Lệnh cấm kinh doanh than này được Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Indonesia đưa ra có hiệu lực từ ngày 7/8 cho tới khi các doanh nghiệp hoàn thành xong nghĩa vụ cung cấp than cho thị trường nội địa.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo: Doanh nghiệp nhập khẩu than Việt Nam trong quá trình giao dịch mua bán than từ Indonesia không nên ký kết các thỏa thuận giao dịch mới với các doanh nghiệp bị cấm nêu trên tới khi có thông báo dỡ bỏ lệnh cấm từ Indonesia. Theo thống kê của hải quan, 7 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu từ Indonesia của Việt Nam đạt 9,66 triệu tấn, trị giá  732,84 triệu USD, tăng 42,6%. Giá trị nhập khẩu than từ Indonesia trong 7 tháng đầu 2021 tăng mạnh có nguyên nhân từ giá than quốc tế tăng cao do nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và một số nước Bắc Á.

6/ Theo khảo sát mới đây của Finder, các nước châu Á như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ đang dẫn đầu xu thế chuyển đổi sang sử dụng tiền ảo, tiền mã hóa và các loại tiền điện tử khác. Theo đó, 41% người Việt Nam được hỏi trả lời từng mua tiền ảo. Tỷ lệ này là cao nhất trong số 42.000 người đến từ 27 quốc gia tham gia khảo sát.  Trong số này, 20% người Việt Nam cho biết từng mua Bitcoin, cũng là tỷ lệ cao nhất so với các nước khác. Trước đó, một báo cáo cũng đã từng chỉ ra rằng, trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ đầu tư vào Bitcoin với số lời kiếm được là 351 triệu USD. Ngoài Việt Nam, tỷ lệ chấp nhận tiền ảo ở châu Á cũng là tương đối cao, với 30% người Ấn Độ và Indonesia tuyên bố từng mua tiền ảo. Con số này ở Malaysia và Philippines tương ứng là 29% và 28%.

Ảnh minh họa: Internet

7/ Nối tiếp đà phục hồi từ tuần trước, hàng loạt đồng tiền điện tử tiếp tục tăng mạnh trong đầu tuần này, kéo theo tổng giá trị vốn hóa trở lại mốc hơn 2.000 tỷ USD. Ngày 16/8, giá Bitcoin, theo ghi nhận của CoinMarketCap, đang giao dịch ở mức 47.453 USD, tăng 1,52% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và 8,93% so với 7 ngày trước. Đà tăng của Bitcoin đã đưa giá trị vốn hóa của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới vượt mốc 893 tỷ USD. Trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi khi chứng kiến loạt biến động mạnh gần đây của các loại tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin, thì nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào loại tiền này. Công ty phân tích kinh doanh MicroStrategy, mới đây đã đưa ra nhận định khá táo bạo khi cho rằng sẽ không có gì ngăn cản đà tăng giá của Bitcoin trong 10 năm tới.

8/ Theo WSJ, Mỹ và Trung Quốc hiện đang hoán đổi vị trí trên cuộc đua tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, trong quý 2/2021, GDP của Mỹ tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 7,9%. Được biết, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ vẫn cao hơn Trung Quốc trong vài quý tới và đây sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao dài nhất ít nhất tính từ năm 1990 khi mà kinh tế Mỹ ở thời điểm đó tăng trưởng mạnh hơn Trung Quốc. Trong ngắn hạn, sự đảo ngược vị thế này phản ánh cho những khác biệt từ cách mà hai nước ứng phó với đại dịch Covid-19. Kinh tế Mỹ đã bật lại nhanh chóng nhờ vào chiến lược chống dịch Covid-19 khác biệt, với việc triển khai chương trình tiêm vaccine lớn, kích thích tài khóa quy mô lớn và chính sách lãi suất gần 0% nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Moody dự báo tăng trưởng GDP Mỹ sẽ vượt Trung Quốc trong vòng 5 quý liên tiếp, tính từ quý 2/2021.

9/ Ngày 16/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thông báo rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đã bất ngờ tăng trưởng trở lại trong quý 2/2021, bất chấp số ca mắc mới Covid-19 gia tăng. Theo dữ liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý 2/2020 tăng 1,3% so cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so quý trước đó. Đây là mức tăng GDP thực tế đầu tiên của nước này trong 2 quý đầu năm 2021.Trong khi đó, GDP danh nghĩa chỉ tăng 0,2% so cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so quý trước đó. Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại là do sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Theo đó, trong quý 2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng tới 2,9%, trong khi chi tiêu dùng cá nhân cũng tăng 0,8%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu của nước này tăng, nhưng là quý đầu tiên chi tiêu dùng cá nhân phục hồi trở lại.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA