Các trường đại học Nhật Bản cần xin phép của chính phủ khi tiếp nhận sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia
Các trường đại học cần phải được phép của chính phủ Nhật Bản khi giảng dạy về công nghệ chủ chốt cho sinh viên nước ngoài trong các khóa học dài hơn sáu tháng. Theo Nikkei Asia, biện pháp mới nhằm ngăn ngừa việc chuyển giao các công nghệ chủ chốt ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản đến một quốc gia khác, như Trung Quốc chẳng hạn.
Bộ Công thương đang xem xét lại các quy định liên quan đến Đạo luật ngoại thương và trao đổi ngoại hối và sẽ áp dụng các sửa đổi trong năm tới.
Hiện các đại học đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa ít nghiêm ngặt hơn so với các công ty, với 40% trường không kiểm tra lý lịch sinh viên và tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Thời gian tới, các trường cần xin phép Bộ Công thương trong việc nhận sinh viên nước ngoài theo học các khóa công nghệ chủ chốt từ sáu tháng trở lên. Quy định này sẽ áp dụng đối với sinh viên đang chịu ảnh hưởng của các nước khác, chẳng hạn như những sinh viên có hơn 25% thu nhập từ chính phủ nước ngoài.
Theo Đạo luật ngoại thương và ngoại hối, các trường cần phải xem xét các khía cạnh an ninh trước khi nhận sinh viên nước ngoài và nhà nghiên cứu nước ngoài. Các yếu tố này bao gồm quan hệ với các tổ chức có liên quan đến phát triển vũ khí có sức hủy diệt lớn hoặc tài trợ của chính phủ nước ngoài.
Tuy nhiên, việc rà soát lý lịch an ninh của trường đại học thường chậm chạp. Theo các nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Bộ Công thương đối với 320 đại học ở Nhật Bản hồi tháng 4, chỉ có 62,5% thực hiện việc rà soát và phối kiểm các quy định của chính phủ. Các đại học quốc gia có tỷ lệ rất cao đến 97,7%, trong khi đó các đại học công là 59% và các đại học tư là 47,7%. Có đến 39,4% các trường chỉ đơn giản là khuyến cao sinh viên nước ngoài không được mang về nước các công nghệ có thể sử dụng vào mục đích quân sự.
Năm 2017, một sinh viên Trung Quốc học ở một đại học Tokyo đã vi phạm đạo luật trên bằng cách xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua cửa ngõ Hong Kong loại camera tia hồng ngoại sử dụng trên máy bay.
Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, mật mã lượng tử và công nghệ drone đều có thể sử dụng trong quân đội và các mục đích riêng tư khác. Nhiều đại học Nhật Bản đang nghiên cứu các lĩnh vực đã nhận sinh viên Trung Quốc theo học.
Toshifumi Kokubun, giáo sư thỉnh giảng đặc biệt tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ cao cấp của Đại học Tokyo, đã nhìn nhận với Nikkei Asia rằng “tình trạng các công nghệ nhạy cảm bị lọt ra bên ngoài diễn ra hàng ngày”.
Có nhiều thách thức đang tồn tại bởi Nhật Bản vẫn chưa quy định rõ là loại công nghệ nào sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự. Các trường đại học cũng không rõ là khi nào thì cần xin giấy phép của nhà chức trách. Tại Mỹ, một đạo luật ban hành năm 2018 đã giới hạn xuất khẩu công nghệ ở 14 lĩnh vực bao gồm AI và công nghệ lượng tử. Mỹ cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải cung cấp các thông tin họ có nhận được tài trợ của chính phủ nước ngoài hay không, nếu nhà nghiên cứu cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ ở Mỹ.
Nhật Bản dự định sẽ sửa đổi các quy định về thông tin mà nhà nghiên cứu phải công khai trong năm tài khóa 2022. Luật sửa đổi sẽ yêu cầu nhà nghiên cứu cung cấp thông tin về các đại học hay công ty mà họ nhận tài trợ.
“Điều quan trọng cần phải làm rõ là chuyển giao công nghệ đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của chính phủ”, giáo sư Kokubun nói.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh trong ngày 26-10. Giá vàng SJC tại TP.HCM giao dịch mua – bán quanh mức 57,8 – 58,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua – bán trong khoảng 57,7 – 58,42 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 250.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá hai đồng vẫn 700.000 đồng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.805 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
2/ Giá heo hơi đang tăng mạnh trở lại trong hai ngày 25 và 26-10. Giá tăng mạnh nhất tại các tỉnh phía Bắc vốn có giá rất thấp: từ khoảng 30-35.000 đồng/kg, nay tăng lên 47-52.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và miền Nam, giá mặt hàng này cũng tăng lên 45-47.000 đồng/kg. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết, sau một vài tuần giảm mạnh, hiện giá heo hơi đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tăng.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn heo quá lứa còn ứ đọng lại chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con). Song, thời điểm hiện tại, giá heo hơi đã tiệm cận mức 50.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng.
3/ Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9-2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.093 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 8 vừa rồi và tăng 11% so với tháng 9 năm ngoái. Như vậy, cà phê Việt Nam đạt mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong gần bốn năm qua, kể từ tháng 12-2017.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.884 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 9, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 10,2% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 8-2021, so với tháng 9-2020 tăng 0,6% về lượng và tăng 11,7% về trị giá, đạt 100.340 tấn, trị giá 210 triệu USD.
4/ Từ chiều 26-10, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 1.459 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.110 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.330 đồng/lít.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ tư liên tiếp. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 2.530 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.810 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
5/ Một số chuỗi cửa hàng, nhà hàng ở Nhật đang ngừng bán hoặc giảm khẩu phần thịt gà do nguồn cung từ Đông Nam Á tắc nghẽn. Chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản là 7-Eleven đã ngừng bán món gà nướng xiên que, món ăn vặt phổ biến của chuỗi ở một số nơi. Trong khi đó, một số nhà hàng hạn chế lượng thịt gà cung cấp cho mỗi khách hàng.
Thịt gà đã trở thành ví dụ rõ ràng nhất về tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở Nhật Bản do đứt gãy chuỗi cung ứng ở Đông Nam, đặc biệt là các nhà máy chế biến gia cầm tại Thái Lan. Tuy nhiên, rượu vang, tôm và các mặt hàng khác cũng trở nên khan hiếm hơn hoặc đắt hơn.
6/ GDP của 15 nền kinh tế ở châu Á trong năm 2020 thiệt hại gần 1.700 tỷ USD do ảnh hưởng của Covid, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER). Các nhà kinh tế Nhật Bản nói nếu đại dịch không bùng phát, tổng GDP của các nền kinh tế trên có thể đạt khoảng 29.840 tỷ USD. Tuy vậy, con số thực tế thấp hơn khoảng 1.680 tỷ USD. Với quy mô lớn nhất châu lục, Trung Quốc là nền kinh tế chịu thiệt hại nhiều nhất (638 tỷ USD) dù vẫn tăng trưởng 2,3% trong năm 2020. Ấn Độ chịu thiệt hại nhiều thứ hai (480 tỷ USD), theo sau là Nhật Bản (162 tỷ USD).
Trong khi hầu hết nền kinh tế lớn ở châu Á chịu thiệt hại do đại dịch, Đài Loan là nền kinh tế duy nhất hưởng lợi. So với dự báo năm 2019, GDP của Đài Loan năm 2020 tăng thêm 44 tỷ USD. Thành công này đến từ sự gia tăng trong nhu cầu sản phẩm công nghệ khi nhiều người phải học tập, làm việc tại nhà.
7/ Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã công bố phát hành đồng tiền kỹ thuật số của nước này hôm 25-10. Đồng tiền eNaira ra đời trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Phi nỗ lực để tiến vào thị trường tiền ảo và tiền điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến. Nigeria là quốc gia đầu tiên tại châu Phi và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành và sử dụng thí điểm đồng tiền kỹ thuật số.
8/ Trong một bước đi táo bạo, Hertz đã công bố bổ sung 100.000 chiếc Tesla Model 3 vào đội xe của mình vào cuối năm 2022, với tổng chi phí của thương vụ ước tính khoảng 4,2 tỷ USD. Sau năm 2020 khá khó khăn, công ty đã thoát khỏi phá sản chỉ bốn tháng trước dưới quyền sở hữu mới và hiện đang trên đường trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực cho thuê xe điện. Với đơn hàng này, Hertz sẽ có “đội xe điện cho thuê lớn nhất ở Bắc Mỹ và là một trong những đội lớn nhất trên thế giới”. Những khách hàng thuê Model 3 sẽ có quyền truy cập vào hệ thống Tesla Supercharger, trong khi Hertz đang có kế hoạch bổ sung hàng nghìn bộ sạc vào mạng lưới toàn cầu của mình.

https://bsaonline.vn/chenh-lech-gia-heo-hoi-va-gia-thit-heo-3-10-lan/