Do các cơn bùng phát dịch mới, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ dự báo tỷ lệ phát triển năm 2021 còn 1,8% và và năm 2022 còn 3,9%, so với con số 3% và 4,7% mà ngân hàng này đưa ra vào tháng 4. Ảnh: Reuters

Tiêu điểm

Người dân Thái Lan cố ý nhiễm Covid để “ăn vạ” bảo hiểm

Các yêu cầu đòi bồi thường của khách mua các sản phẩm bảo hiểm Covid-19 đã tăng gấp 10 lần trong năm qua, khiến Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm Thái Lan (OIC) tiến hành các cuộc điều tra gian lận.

Tính đến cuối tháng 4/2021 khi Thái Lan bắt đầu làn sóng bùng dịch thứ ba, số người mua bảo hiểm Covid-19 đã lên đến 13,8 triệu với số tiền đóng lên đến 5,9 tỷ baht, khoảng 184 triệu USD – theo các số liệu của OIC. Tuy nhiên, các yêu cầu đòi bồi thường trong tháng 4 năm nay đã đạt đến 1,7 tỷ baht, tăng 10 lần so với con số 170 triệu baht của cùng kỳ năm ngoái – theo Nikkei Asia.

Các nhà phân tích cho rằng số lượng đòi bồi thường tăng vọt bởi dịch bệnh đã làm nền kinh tế suy yếu, người dân kiệt quệ và họ đã không ngần ngại để bản thân nhiễm bệnh và lãnh bồi thường của bảo hiểm.

Với số vụ đòi bồi thường tăng một cách đáng ngờ, một số các hãng bảo hiểm phi nhân thọ đã dừng bán sản phẩm bảo hiểm Covid-19. Bangkok Insurance thông báo trên trang mạng rằng đã dừng bán sản phẩm này từ ngày 29/6, còn hãng Viriyah Insurance dừng từ ngày 30/6.

Hiệp hội Bảo hiểm Thái Lan – gồm 56 hãng bảo hiểm phi nhân thọ – đã khuyến cáo người mua không nên cố tình bị nhiễm Covid-19 để đòi bồi thường bởi có thể bị truy tố.

Khuyến cáo này đưa ra sau khi các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều gia đình mừng rỡ nhận tiền bồi thường vì đã nhiễm bệnh.

“Thậm chí có một phụ nữ trẻ quảng cáo trên Facebook các ống hít có virus, hít vào sẽ nhiễm Covid ngay và có thể bắt bảo hiểm đền. Đó là lý do tại sao chúng tôi cảnh báo chuyện này bởi họ không chỉ có nguy cơ nhiễm bệnh mà còn phạm luật”, một quan chức cấp cao OIC phát biểu.

Khi dịch bắt đầu bùng phát tại Thái Lan, nhiều công ty bảo hiểm bắt đầu bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ với giá 500 baht mỗi năm, nhưng số tiền đền bù có thể lên đến 100.000 – 300.000 baht.

Nhưng giờ đây, các hãng bảo hiểm nhận ra rằng họ không chỉ phải chi trả cho những bệnh nhân thật sự nhiễm Covid mà còn phải mất tiền cho những người cùng khổ. Những người này muốn có tiền trang trải trong đại dịch, nên không ngần ngại cố tình làm mình nhiễm Covid-19 dù rằng họ biết rằng đang làm chuyện phạm pháp.

Trong khi đó, theo Bangkok Post, số ca nhiễm mới ở Thái Lan hôm qua đã đạt 6.519 ca và đã vượt qua 7.000 ca trong ngày hôm nay. Các chuyên gia dịch tễ dự báo số ca mới sẽ vượt 10.000 trong tuần tới và sẽ có thể đạt 20.000 trong một hai tháng nữa. Chính quyền Bangkok đã chuẩn bị cho tình trạng dịch bùng phát ở thủ đô khi cải biến terminal mới của sân bay quốc tế Suvarnabhumi thành bệnh viện dã chiến 5.000 giường. Bệnh viện này dự kiến sẽ mở cửa từ đầu tháng 8.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức  56,85 – 56,45 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá hai đầu vẫn là 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.798,5 USD/ounce, tăng 2 USD tương đương 0,11% so với chốt phiên trước.

2/ Infographic: Hoạt động vận tải và Du lịch 6 tháng đầu năm 2021

Nguồn: GSO

3/ Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp về việc áp thuế với Việt Nam về các hành vi tiền tệ từng được chính quyền Trump xem là không hợp lý và bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ. Nếu Mỹ quyết định chính thức đề xuất áp thuế với hàng hoá từ Việt Nam, Washington cần thời gian để lấy ý kiến và tổ chức các buổi điều trần. Theo các chuyên gia thương mại, điều này đồng nghĩa với việc bước đi đầu tiên là công bố danh sách sản phẩm đề xuất áp thuế cần phải thực hiện trong vài tuần tới. Được biết, chính quyền Biden đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với các vấn đề tiền tệ so với người tiền nhiệm. Cuối năm ngoái, Bộ Tài chính dưới thời Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam và Thụy Sỹ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ đã gỡ bỏ Việt Nam, Thụy Sỹ, Đài Loan khỏi danh sách hồi tháng 4.

4/ Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam tiếp tục bị áp dụng hạn ngạch thuế quan TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2, 5, 9 và 24. Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Ngoài ra, trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm.

5/ Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Campuchia và Myanmar sẽ được hưởng lợi khi thị phần của các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ giảm trong 10 năm tới. Theo đó, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu hoạt động thương mại gạo toàn cầu, tuy nhiên Campuchia và Myanmar được đánh giá ​​sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo toàn cầu. Thương mại gạo quốc tế trong 10 năm qua đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 1,5% mỗi năm. Và dự kiến, tăng trưởng thương mại gạo ​​sẽ tăng lên khoảng 2,6% hàng năm trong thập kỷ tới, tương đương 16 triệu tấn và đạt con số 62 triệu tấn vào năm 2030.

6/ Theo Bloomberg, , giới chức Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thắt chặt hoạt động giám sát bảo mật dữ liệu và IPO ở nước ngoài của các công ty công nghệ, bao gồm Tencent, Alibaba, JD, Baidu và Meituan. Động thái này đã diễn ra sau sự kiện hãng gọi xe công nghệ Didi Global huy động IPO 4,4 tỷ USD ở Mỹ. Theo đó, sức ép của cơ quan quản lý Trung Quốc đã khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn tại nước này tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số Hang Seng Tech Index, nơi niêm yết các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 1,9% và sẵn sàng cho ngày giảm thứ 6 liên tiếp. Tương tự, cổ phiếu của Tencent và Meituan cũng giảm 3,7%, nằm trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Hang Seng Index. Gã khổng lồ Alibaba cũng giảm 2,1%.

7/ Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, câu lạc bộ tỷ phú tài sản từ 100 tỷ USD trở lên vừa có thêm thành viên mới, đó là ông Steve Ballmer, cựu giám đốc điều hành của Microsoft. Theo đó, tài sản của tỷ phú Steve Ballmer vừa vượt mốc 100 tỷ USD, giúp ông trở thành người thứ 9 gia nhập một trong những câu lạc bộ độc quyền nhất thế giới. Sự tăng giá của cổ phiếu ngành công nghệ đã giúp tài sản của nhiều tỷ phú tăng vọt trong năm qua. 7 trong số các tỷ phú có tài sản từ 100 tỷ USD trở lên đều nhờ vận may từ các công ty công nghệ. Trong đó, tỷ phú Jeff Bezos của Amazon, người giàu nhất thế giới, kiếm được nhiều nhất nhờ cuộc bùng nổ này và hiện đang có giá trị tài sản ròng cao mức kỷ lục là 212,1 tỷ USD. Đáng chú ý, thành viên câu lạc bộ chủ yếu là các giám đốc của các tập đoàn công nghệ và đều là người Mỹ, ngoại trừ ông trùm hàng hiệu Pháp Bernard Arnault.

8/ Nông dân Trung Quốc hiện đang tăng mạnh trồng ngô trong năm nay vì thu lợi nhuận kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Theo đó, việc mở rộng trồng ngô, khiến thu hẹp trồng đậu tương và các cây trồng khác bao gồm cao lương và các loại đậu ăn được, sẽ thúc đẩy sản lượng ngô của Trung Quốc trong năm 2021/22 lên ít nhất 6%. Điều vày có thể giảm bớt việc lặp lại tình trạng của năm ngoái, khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ ngành chăn nuôi lợn thúc đẩy việc sử dụng ngô của Trung Quốc vượt quá sản lượng trong nước và gây ra làn sóng nhập khẩu 26 triệu tấn, biến nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới trở thành người mua ngô hàng đầu. Đây là xu hướng có khả năng hạ nhiệt nhu cầu nhập khẩu tràn lan gần đây của nước này vào năm 2022.

Một người nông dân thu hoạch ngô trên cánh đồng ở ngoại ô thị trấn Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

9/ Theo Reuters, Tổng thống Joe Biden vừa ban hành sắc lệnh hành pháp mới giúp nông dân Mỹ có nhiều quyền lực hơn trong đàm phán bán gia súc và quyền quyết định ai được sửa chữa máy kéo của họ. Theo đó, sắc lệnh này sẽ khuyến khích Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) hạn chế khả năng các hãng sản xuất thiết bị nông nghiệp ngăn chặn chủ sở hữu máy kéo sử dụng các cửa hàng sửa chữa độc lập hoặc tự sửa chữa. Một số nhà sản xuất máy kéo như Deere & Co, AGCO Corp và CNHI sử dụng các công cụ và phần mềm sửa chữa độc quyền để ngăn các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ sửa chữa. Ngay sau khi có tin tức về kế hoạch của Tổng thống Biden, cổ phiếu của các công ty này đã giảm.

10/ Ứng dụng video ngắn TikTok giới thiệu một chương trình thử nghiệm cho phép người dùng tải lên các hồ sơ cá nhân theo dạng video để nộp hồ sơ xin việc tại Mỹ. Theo đó, người dùng cũng có thể tìm việc, bao gồm cả những công việc đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm, thông qua các video có hashtag #TikTokResumes. Chương trình này được triển khai trong bối cảnh nước Mỹ đang trải qua giai đoạn thiếu nhân sự lao động khi nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại sau đại dịch Covid-19. Được biết, nhiều ứng dụng như Bumble và Facebook cũng đã cho phép người dùng kết nối và tìm kiếm việc làm, song LinkedIn của tập đoàn Microsoft hiện vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất được dùng để tuyển dụng.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA