Chủ tịch Mark Liu của TSMC nói nhu cầu smartphone và PC sẽ giảm trong thời gian tới, ảnh hưởng đến ngành chip. Ảnh: Reuters

Thị trường các mặt hàng điện tử gia dụng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và tivi sẽ suy giảm mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc – Chủ tịch Mark Liu của hãng chip TSMC ở Đài Loan nhấn mạnh.

Chip là thước đo nhu cầu hàng điện tử toàn cầu. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp lớn nhất của Apple. Chủ tịch Liu cảnh báo rằng chi phí linh kiện và vật liệu đang tăng mạnh, đẩy chi phí sản xuất của các công ty công nghệ và chip lên cao.

“Áp lực như vậy cuối cùng có thể được chuyển sang người tiêu dùng”, Liu phát biểu bên lề một sự kiện ngành chip ở Đài Bắc. Ông cũng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đài Loan. Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan là nền kinh tế chip lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu, chỉ sau Mỹ.

“Mọi người trong ngành đều lo lắng về việc chi phí tăng trên toàn bộ chuỗi cung ứng tổng thể … Ngành bán dẫn đã và đang trực tiếp trải qua sự gia tăng chi phí đó”, Liu nói và cho biết thêm rằng ngành cũng lo ngại về những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm nay.

TSMC, tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chi tiêu vốn trong năm nay, ông nói. Ông nói: “Bất chấp sự chậm lại ở một số lĩnh vực, chúng tôi vẫn nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong các ứng dụng xe hơi và máy tính hiệu suất cao cũng như Internet của các thiết bị liên quan. Với năng lực hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại và ưu tiên đơn hàng cho những khu vực vẫn thấy có nhu cầu tốt”.

TSMC, giống như các nhà sản xuất chip khác, đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu xuất hiện vào cuối năm 2020.

Phát biểu của Chủ tịch TSMC được đưa ra trong bối cảnh các tổ chức toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​cắt giảm dự báo toàn cầu cho năm 2022 vào tháng 4 do chiến tranh Ukraine và bất ổn kinh tế vĩ mô ở một số quốc gia. IMF trước đó ước tính tăng trưởng toàn cầu 4,4% trong năm. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, thấp nhất trong 30 năm.

Nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại. Nikkei Asia đưa tin Apple đã giảm đơn đặt hàng cho iPhone SE mới ra mắt gần đây của mình lên tới 3 triệu chiếc.

TSMC vào tháng 1 cho biết họ đặt mục tiêu tăng trưởng 25% hoặc cao hơn tính theo đô la Mỹ cho doanh thu trong năm nay và chi tiêu vốn đầu tư kỷ lục 44 tỷ USD cho cả năm 2022.

Trong khi đó, các thương hiệu máy tính toàn cầu đang cắt giảm dự báo tăng trưởng trong sáu tháng tới trong bối cảnh các lo ngại về lạm phát và chiến tranh ở Ukraine. Đây là dấu hiệu báo trước sự bùng nổ nhu cầu máy tính cá nhân (PC) bùng nổ trong hai năm Covid giờ bắt đầu hạ nhiệt.

Sự bùng nổ của dịch Covid đầu năm 2020 dẫn đến nhu cầu học tập và làm việc từ xa gia tăng, tạo cú hích cho nhu cầu máy tính cho đến quí 1-2022 này. Nhưng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào cuối tháng 2 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến kế hoạch của các hãng PC cho các quí sắp tới bị xáo trộn.

Tổng số lô PC có thể sẽ giảm trong quí 2 năm nay – ít nhất ở mức một con số so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự điều chỉnh từ mức tăng trưởng nhẹ được dự báo trong tháng 2 trước khi cuộc chiến nổ ra. Theo dữ liệu của IDC, thị trường PC đã tăng trưởng hơn 13-14% trong hai năm liên tiếp 2020-2021 – tỷ lệ đáng chú ý trong một thị trường trưởng thành hay đang bão hòa hiện nay.

Gokul Hariharan,  trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng JPMorgan, đưa ra dự báo rằng thị trường PC sẽ giảm 6% trong năm nay từ mức 340 triệu chiếc trong năm 2021.

Ricky Hồ – Nguyễn Nam / BSA tổng hợp

Bản tin thị trường (từ 25 đến 31-3-2022)

  1. Cơn sốt mua sắm hàng xa xỉ của người dân Trung Quốc

Mặc dù xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc duy trì ở mức thấp trong suốt đại dịch nhưng doanh số bán hàng lại tăng mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và tại các trung tâm mua sắm miễn thuế ở tỉnh Hải Nam. Báo cáo của Bain &Company cho biết, thị phần của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng xa xỉ toàn cầu tăng nhẹ lên 21% vào năm ngoái so với tỷ lệ 20% của năm 2020. Tuy nhiên, công ty này dự báo Trung Quốc có khả năng trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Nguồn: https://toquoc.vn/con-sot-mua-sam-hang-xa-xi-cua-nguoi-dan-trung-quoc-20220325115003214.htm

  1. Giá phân bón lên cao kỷ lục, thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực như năm 2008?

Giá các nguyên liệu thô để sản xuất phân bón, gồm amoniac, nitơ, nitrat, photpho, kali và sunfat, đều tăng 30% kể từ đầu năm 2022 đến nay và hiện vượt mức đỉnh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng năm 2008, theo công ty tư vấn hàng hoá CRU. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột Nga – Ukraine, cùng một loạt yếu tố tồn tại từ trước, khiến giá phân bón lên cao kỷ lục.

Nguồn: https://ndh.vn/quoc-te/gia-phan-bon-len-cao-ky-luc-the-gioi-se-roi-vao-khung-hoang-luong-thuc-nhu-nam-2008-1312372.html

  1. Thị trường sắt thép Châu Á mắc kẹt giữa Nga và Trung Quốc

Các thị trường thép và quặng sắt Châu Á đang như “sợi chỉ cố gắng luồn qua lỗ kim hẹp” giữa một bên là chính sách phong tỏa chống Covid-19 của Trung Quốc và một bên là khả năng xuất khẩu từ Nga và Ukraine bị đứt gãy.

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thi-truong-sat-thep-mac-ket-giua-nga-va-trung-quoc-42022253194441629.htm

  1. Nguồn cung dầu diesel ngày càng hạn hẹp

Thế giới đang chứng kiến nguồn cung dầu diesel ngày càng cạn kiệt, trong đó châu Âu có nguy cơ cao nhất bị thiếu hụt nhiên liệu này trên diện rộng và có thể phải áp dụng chính sách phân phối theo định mức, các tập đoàn thương mại hàng đầu thế giới cảnh báo. Theo dự đoán, thế giới sẽ mất tới 3 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỗi ngày từ Nga do tác động của lệnh trừng phạt.

Nguồn: https://ndh.vn/nang-luong/nguon-cung-dau-diesel-ngay-cang-han-hep-1312373.html

  1. Thiếu kho hàng hóa khổng lồ của Nga: Nhiều quốc gia “khóc dở mếu dở” vì cú sốc kinh tế

Đáp trả các lệnh trừng phạt mạnh mẽ, Nga cũng đã ra đòn mạnh không kém khi thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng nhằm vào phương Tây. Dù không bao gồm ngành năng lượng nhưng động thái này đã đủ có thể làm gia tăng giá hàng hóa trên toàn cầu. Tờ Economist cũng cho rằng, việc phương Tây “nghiền nát” nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, có quy mô tương đương với Úc, có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn toàn cầu.

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/thieu-kho-hang-hoa-khong-lo-cua-nga-nhieu-quoc-gia-khoc-do-meu-do-vi-cu-soc-kinh-te-161222603063010783.htm

  1. Giá xe điện tại Trung Quốc tăng cao vì giá nguyên liệu tăng mạnh

Hàng loạt công ty sản xuất xe điện từ Tesla đến BYD ở Trung Quốc đã buộc phải tăng giá xe do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Các nhà phân tích cho biết, một số nhà sản xuất xe điện giá rẻ nhỏ hơn có thể gặp khó khăn và thậm chí buộc phải cắt các model giá rẻ khỏi dòng sản phẩm của mình.

Nguồn: https://vneconomy.vn/gia-xe-dien-tai-trung-quoc-tang-cao-vi-gia-nguyen-lieu-tang-manh.htm

  1. Các ứng dụng gọi xe trên thế giới lỗ lớn trong quý 3/2021

Uber và Lyft của Mỹ lỗ tương ứng 24,5 tỷ USD và 8 tỷ USD vào cuối quý 3/2021, trong khi Grab của Singapore lỗ 13 tỷ USD và Didi của Trung Quốc lỗ 21 tỷ USD.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cac-ung-dung-goi-xe-tren-the-gioi-lo-lon-trong-quy-32021/780335.vnp

  1. Chính phủ Hàn cũng mạnh tay chi 187 triệu USD để tạo ra Metaverse

Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc công bố sẽ chính thức đầu tư 223,7 tỷ won (khoảng 187 triệu USD) để xây dựng và phát triển hệ sinh thái Metaverse quốc gia.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chinh-phu-han-cung-manh-tay-chi-187-trieu-usd-de-tao-ra-metaverse-20180504224266572.htm

  1. Khủng hoảng phân bón sắp trở thành khủng hoảng lương thực tại châu Âu

Châu Âu có thể đối mặt với thâm hụt khoảng 9% nhu cầu phân đạm hàng năm trong nửa đầu năm 2022. Lương thực thậm chí có thể đắt hơn nếu thu hoạch bị ảnh hưởng hoặc giá cây trồng tăng. VDSC nhận định rằng, khủng hoảng phân bón sắp thành khủng hoảng lương thực ở châu Âu.

Nguồn: https://ndh.vn/hang-hoa/khung-hoang-phan-bon-sap-tro-thanh-khung-hoang-luong-thuc-tai-chau-au-1312450.html

  1. ‘Vua pin’ CATL vừa hé lộ ‘siêu pin’ Kirin mạnh vô địch, sẵn sàng dùng ngay trong tháng sau

Tập đoàn năng lượng TQ CATL vừa cho ra mắt thế hệ thứ 3 của công nghệ pin CTP (cell to pack), mà nội bộ của hãng gọi là pin Kirin. Với cùng một hệ thống hóa học và cùng kích thước, pin Kirin có thể cung cấp năng lượng nhiều hơn 13% so với pin công nghệ 4680 – vốn được coi là công nghệ pin triển vọng hàng đầu cho xe điện.

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/khong-ho-danh-la-vua-pin-catl-vua-he-lo-sieu-pin-kirin-manh-vo-dich-san-sang-dung-ngay-trong-thang-sau-161222703100604891.htm

  1. Heineken sẽ rút khỏi Nga, chuyển giao doanh nghiệp cho chủ sở hữu mới

Công ty sản xuất bia Heineken của Hà Lan ngày 28/3 thông báo rút khỏi Nga với lý do liên quan xung đột ở Ukraine. Đại diện của Heineken cho biết công ty sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô thu hẹp trong thời gian chuyển giao để giảm nguy cơ bị quốc hữu hóa và đảm bảo an toàn cũng như phúc lợi cho nhân viên.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/heineken-se-rut-khoi-nga-chuyen-giao-doanh-nghiep-cho-chu-so-huu-moi/780640.vnp

  1. Ngành sản xuất chip lại đón cú sốc mới vì gián đoạn sản xuất khí neon ở Ukraine

Xung đột Nga-Uraine đã kéo theo việc sản xuất neon, một khí đốt quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn tiên tiến bị giảm xuống mức đáng lo ngại, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip. Neon là yếu tố cần thiết cho các tia laser sử dụng trong quy trình sản xuất chip. Hàng loạt công ty lớn tại Ukraine sản xuất loại khí này đã đóng cửa do xung đột vũ trang giữa 2 nền kinh tế.

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nganh-san-xuat-chip-lai-don-cu-soc-moi-vi-gian-doan-san-xuat-khi-neon-o-ukraine-161222803140544654.htm

  1. Giá thép Châu Âu tăng vọt do nguồn cung bị đứt gãy

Thị trường thép châu Âu chao đảo kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Đã hơn một tháng trôi qua, giá thép Châu Âu vẫn tiếp tục tăng mạnh bởi hoạt động giao hàng bị gián đoạn, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, và giá năng lương tăng vọt.

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/gia-thep-chau-au-tang-vot-do-nguon-cung-bi-dut-gay-42022283131542179.htm

  1. Bị Mỹ trừng phạt, lợi nhuận ròng của Huawei năm 2021 vẫn tăng gần 80%

Ngày 28/3, Huawei đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 75,9% vào năm 2021, một kết quả tốt hơn mong đợi trong thời kỳ bị chính phủ Mỹ trừng phạt, cho thấy gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có khả năng đối phó với những thách thức lớn hơn vào năm 2022.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/bi-my-trung-phat-loi-nhuan-rong-cua-huawei-nam-2021-van-tang-gan-80-20180504224266799.htm

  1. Tesla hé lộ ý định chia tách cổ phiếu, vốn hóa nhảy 84 tỷ USD trong một ngày

Trong phiên giao dịch ngày 28/3, giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh sau khi hãng xe điện này cho biết có ý định chia tách cổ phiếu lần hai trong khoảng 2 năm. Kết thúc phiên, giá cổ phiếu hãng xe điện này tăng 8% lên mức 1.091,84 USD – mức cao nhất kể từ ngày 12/1/2022. Theo đó, vốn hóa công ty này tăng thêm khoảng 84 tỷ USD – lớn hơn toàn bộ vốn hóa của Ford Motor.

Nguồn: https://vneconomy.vn/tesla-he-lo-y-dinh-chia-tach-co-phieu-von-hoa-nhay-84-ty-usd-trong-mot-ngay.htm

  1. Shopee dừng hoạt động ở thị trường tỷ dân Ấn Độ

Sea, tập đoàn mẹ của Shopee, thuộc sở hữu của Tencent, quyết định rút khỏi thị trường di động và trực tuyến được đánh giá là phát triển nhanh nhất thế giới. Theo Bloomberg, lý do là tại Ấn Độ, làn sóng tẩy chay đang tăng dần với các công ty Trung Quốc.

Nguồn: https://bizlive.vn/vi-sao-shopee-dung-hoat-dong-o-thi-truong-ty-dan-an-do-post3095589.html

  1. Nhật Bản cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Nga

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm nay (29/3) cho biết, từ ngày 5/4 tới nước này sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Nga, nhằm phản ứng đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine. Theo đó, các mặt hàng bao gồm ô tô hạng sang, xe máy, rượu, mỹ phẩm, đồ thời trang và các tác phẩm nghệ thuật sẽ bị cấm xuất khẩu sang Nga kể từ 5/4 tới.

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nhat-ban-cam-xuat-khau-cac-mat-hang-xa-xi-sang-nga-post933626.vov

  1. Ấn Độ và Trung Quốc đối diện với khủng hoảng thiếu dầu thực vật do xung đột giữa Nga – Ukraine

Việc thiếu hụt nghiêm trọng lượng dầu thực vật do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đẩy giá cả mặt hàng này leo thang khiến các công ty thực phẩm Trung Quốc và Ấn Độ đang gấp rút tìm kiếm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng này.

Theo các chuyên gia, hiện chỉ có 3 giải pháp khả thi: sử dụng sản phẩm thay thế như bơ thanh lọc (bơ ghee) hoặc dầu cọ; tái công thức lại thành phẩm sản phẩm nhằm giảm lượng dầu cần sử dụng; giảm chất lượng sản phẩm với mức giá không đổi trong bối cảnh giá cả đầu vào tăng cao.

Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/03/30/china-and-india-face-veg-oil-crisis-amid-russia-ukraine-conflict

  1. Vấn nạn hải sản bị pha tạp chất tại Singapore: đầu mối xuất phát chủ yếu từ các siêu thị

Người dân Singapore phụ thuộc rất nhiều vào các loại hải sản để cung cấp đạm và dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày, nhưng theo một nghiên cứu liên kết gần đây của 2 đại học Yale và NUS: hơn ¼ lượng thực phẩm này có sự gian lận trong nhãn mác – điều này có thể gây hại đến sức khỏe của cộng đồng, và hầu hết các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ các siêu thị. Điều này buộc các nhà chức trách Singapore phải tìm ra giải pháp về chính sách và công nghệ  để hạn chế vấn nạn này.

Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/03/28/supermarkets-identified-as-main-source-of-seafood-adulteration-in-singapore

  1. Công ty Mondelez chia sẻ chiến lược tiếp cận nhóm khách hàng trung lưu đầy tiềm năng tại Ấn Độ và Trung Quốc

Mondelez là tập đoàn thực phẩm hoạt động trên 150 quốc gia, nhưng thời gian gần đây sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Châu Á đã thu hút sự quan tâm của tập đoàn này, mà chủ yếu là thị trường khách hàng trung lưu đầy tiềm năng tại Ấn Độ và Trung Quốc. Trong năm 2021, doanh thu ròng của Mondelez tại khu vực Châu Á, Trung Đông và Châu Phi (AMEA) đã lên đến 6,5 tỉ USD, với hoạt động tại hơn 27 quốc gia.

Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/03/30/mondelez-reveals-hot-apac-markets-for-growth

  1. Tập đoàn Ferrero đối diện nguy cơ thiếu nguồn cung các hạt phỉ do thời tiết khắc nghiệt

Tập đoàn Ferrero với những thương hiệu nổi tiếng như Ferrero Rocher, Nutella.. đang gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hạt phỉ chính của tập đoàn này ở Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ đổ vỡ do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng hạt phỉ tại quốc gia này.

Ngoài yếu tố thời tiết, Ferrero còn đang phải đối diện với những cáo buộc lạm dụng lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối năm 2021.

Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/03/29/ferrero-group-s-main-nut-source-in-turkey-at-risk-of-collapse-due-to-weather-crises

  1. Trung Quốc đẩy mạnh xử lý hành vi trốn thuế trong lĩnh vực livestream

Ngày 30/3, Tổng cục Thuế Trung Quốc (STA) thông báo sẽ mạnh tay xử lý hành vi trốn thuế trong lĩnh vực phát trực tuyến (livestream) đang bùng nổ hiện nay, đồng thời sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến báo cáo 6 tháng/lần danh tính, thu nhập và lợi nhuận của những bên phát trực tuyến. Trên trang web của STA, cơ quan này nhấn mạnh các nền tảng và những người phát trực tuyến cần cạnh tranh công bằng và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-day-manh-xu-ly-hanh-vi-tron-thue-trong-linh-vuc-livestream/781044.vnp

  1. Làm ăn khó khăn, hãng hàng không Thai Airways bán ghế máy bay cho khách mua về nhà ngồi

Nhiều hãng hàng không đang gặp khó khăn sau mấy năm không được hoạt động như bình thường vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Để khắc phục, Thai Airways của Thái Lan đã mở cửa hàng online để bán nhiều đồ mang logo của hãng, bao gồm giấy ăn, thìa dĩa, hộp đựng thức ăn, túi, cái chụp tai, găng tay cao su… Không dừng lại ở đó, hiện tại công ty này còn muốn bán những chiếc ghế máy bay để khách hàng mua về làm đồ nội thất. Hãng đã sắp xếp một buổi livestream để bán ghế, nhưng nào ngờ, toàn bộ ghế đã bán hết bay chỉ trong chưa đầy một phút!  Và Thai Airways thu về được 1.050.000 baht (gần 720 triệu đồng).

Nguồn: https://hoahoctro.tienphong.vn/lam-an-kho-khan-hang-hang-khong-thai-airways-ban-ghe-may-bay-cho-khach-mua-ve-nha-ngoi-post1426997.tpo

  1. Thượng Hải phong tỏa ảnh hưởng đến toàn cầu

Chính quyền Thượng Hải bắt đầu thực hiện phong tỏa từ cuối Chủ nhật (27/3), với 26 triệu dân cư bước vào đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sau khi phát hiện những ca nhiễm virus Covid-19 trên “quy mô lớn” khắp trung tâm tài chính này. Giá dầu thế giới giảm, công xưởng lớn của thế giới ngừng hoạt động, lĩnh vực hậu cần đình trệ… Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đóng cửa đang ảnh hưởng tới không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới.

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thuong-hai-phong-toa-anh-huong-den-toan-cau-4202230382722616.htm

Xuất khẩu gạo Nhật Bản tăng 15% dù giá cao gấp 5 lần gạo các nước