Gần đây, xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều thay đổi, như xuất biên mậu không đồng nghĩa với việc bán hàng trôi nổi, mà là hàng có nguồn gốc xuất xứ và phải đóng thuế như xuất chính ngạch.
Am tường chính sách. Nếu chính sách biên mậu của Trung Quốc hỗ trợ cho các mặt hàng từ các quốc gia Đông Nam Á, hay các nước trong khối “Con đường tơ lụa”, hay trong chính sách “Nhất lộ thông – một vành đai một con đường”; thì doanh nghiệp Việt Nam nên chọn những sản phẩm phù hợp để xuất qua đường biên mậu.
Còn lại, những sản phẩm nào không phù hợp với chính sách biên mậu, doanh nghiệp nên đi đường chính ngạch thông qua hệ thống cảng quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế lâu nay việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hay chính ngạch thường do đối tác Trung Quốc chọn, vì họ tính toán được “lợi – hại” rõ hơn chúng ta.
Tiết kiệm thời gian. Nếu thuế suất như nhau thì thông thường giữa người bán, người mua chọn xuất khẩu bằng đường biển có lợi hơn, do chi phí vận chuyển rẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chọn đi đường bộ, vì không phải mất thời gian lưu container ở cảng.Trong kinh doanh, hàng của người nào đến trước sẽ chiếm ưu thế. Vận chuyển đường bộ từ Việt Nam có thể hơn một ngày tới Trung Quốc, nhưng đường biển mất cả tuần, thậm chí 20 ngày mới hoàn tất các thủ tục. Nhiều đối tác Trung Quốc còn thích giao hàng đường tiểu ngạch do mua bán không cần xuất hoá đơn…
Nắm rõ thị trường.Nhiều sản sản phẩm nông lâm – thuỷ hải sản của Việt Nam được “chào đón”, nhưng cũng có nhiều loại bị hạn chế ở Trung Quốc, như cá basa sẽ không có giới hạn tiêu dùng, còn heo, ếch… thì bị kiểm soát, khống chế… Hay như mặt hàng bánh tráng, tuy Trung Quốc không có, nhưng doanh nghiệp cũng khó xuất, do thói quen tiêu dùng chỉ coi đây là món ăn chơi, ăn khai vị.
Nắm bắt thông tin. Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn về thực phẩm nhập khẩu. Những quy định về chất lượng, an toàn sức khoẻ ngày càng được quy định rõ ràng, những thông tin này các doanh nghiệp có thể cập nhật trên những trang web chính thống của bộ Nông nghiệp Trung Quốc, bộ Y tế…
Thông thường, trước khi đưa ra một quy định, bộ luật nào đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra dự thảo trước để lấy ý kiến.Tuy nhiên, dự thảo lấy ý kiến có thời gian khá hẹp, chỉ trong vòng ba tháng là xong, khác với Việt Nam thường từ sáu tháng cho đến một năm. Do đó, nếu doanh nghiệp không sâu sát, đeo bám thông tin sẽ xoay xở không kịp. Để giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời, Việt Nam nên có một cơ quan hay bộ phận chuyên trách theo dõi, cập nhật thông tin chủ trương chính sách thay đổi từ Trung Quốc. Đừng để doanh nghiệp tự bơi.
Phải biết tiếng Hoa. Tôi tìm hiểu chính sách của Trung Quốc khá thuận lợi, vì cá nhân tôi rành tiếng Hoa.Nhưng với nhiều doanh nghiệp Việt khác, ngôn ngữ đang là rào cản. Không chỉ gặp khó trong việc tìm hiểu chính sách, khi không rành ngôn ngữ, họ còn có tâm lý ngại tiếp xúc với khách hàng Trung Quốc.
Tự tin chất lượng. Trung Quốc có yêu cầu riêng, độc lập về tiêu chuẩn chất lượng như các quốc gia khác. Rào cản kỹ thuật phía Trung Quốc đặt ra ngày càng cao, nhưng theo tôi không phải quá khó đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nghĩa là, các quy định của Trung Quốc doanh nghiệp Việt đều có thể đạt được nếu có ý định và quyết tâm làm ăn lâu dài. Hàng hoá, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp đủ chuẩn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nên xuất sang Trung Quốc không khó. Vấn đề tồn tại lâu nay là nhiều nhà sản xuất Việt Nam làm ăn thiếu căn cơ, họ chấp nhận làm hàng dưới ngưỡng chất lượng, có giá thấp theo yêu cầu của thương nhân Trung Quốc. Cách làm ăn này vô tình đánh mất hình ảnh, mất giá trị hàng Việt.
Phan Gia Mẫn – BSA Channel