Hoạt động sản xuất bún dưa hấu của Duy Anh Foods
Tiêu điểm
Niềm tin nhà đầu tư vẫn còn, nhưng lộ trình mở cửa cần rõ ràng
Báo cáo tháng 9-2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) nêu rõ dòng vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam vẫn tăng, cho thấy lòng tin vào nền kinh tế vẫn duy trì . Trên thực tế, các nhà đầu tư hiện tại vẫn cần một lộ trình rõ ràng trong việc mở cửa trở lại một cách an toàn và hồi phục kinh tế.
Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam, nói rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do. Đầu tiên là nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt, năm 2020 đạt 2,9% khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, do bùng phát làn sóng dịch thứ tư, Việt Nam phải triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nên đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Dự báo cập nhật mới nhất của WB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 4,8% trong năm 2021.
Bất chấp những thách thức trong quý 3-2021, khi nhìn vào dòng vốn FDI trong tháng 8, WB vẫn thấy cam kết của các nhà đầu tư tăng lên. Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi vốn đầu tư giải ngân đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. “Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, chuyên gia WB nhận xét. Bà cũng cho biết thêm một tập đoàn thực phẩm quốc tế có kế hoạch chi thêm 180 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Chuyên gia cao cấp của WB nói rằng chính phủ đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là một sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược “thích ứng an toàn linh hoạt với Covid-19”.
Bà Dorsati Mandani cho rằng Chính phủ đã có chủ trương cân bằng hai mục tiêu là kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế thì các cơ quan thực thi nên đẩy nhanh giải quyết những vấn đề khó khăn xã hội phát sinh do dịch COVID-19, nâng cao hiệu quả, tăng số người được thụ hưởng các chương trình bảo trợ xã hội; cân bằng chính sách tài khoá, tiền tệ theo hướng bền vững; mở rộng tiêm chủng nhanh; giảm thiểu gián đoạn về hậu cần và chuỗi giá trị.
Chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam nên hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với môi trường mới bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ kỹ thuật số mới nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhưng trên thực tế, sự lúng túng và kém hiệu quả trong phòng chống dịch của các địa phương nhiều tháng qua đã khiến doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài rúng động. Một khảo sát của AmCham (Phòng Thương mại Mỹ) trong tháng 8-2021 cho thấy: 66% số được khảo sát đã trả lời vẫn ở lại và không thay đổi kế hoạch sản xuất, trong khi đó có 20% đã dịch chuyển một phần sản xuất ra nước ngoài và 14% đã thảo luận vấn đề rời khỏi Việt Nam.
“Vào thời điểm này, những con số này chắc chắn đã tăng lên. Một khi dây chuyền sản xuất phải chuyển dịch, nó có thể khó quay trở lại trạng thái cũ được, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất được mở rộng ở những khu vực khác”, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham trả lời BSA Online.
Bà Tarnowka cho biết các doanh nghiệp cần biết một lộ trình rõ ràng để mở cửa và phục hồi kinh tế ngay từ bây giờ. Lộ trình này giúp doanh nghiệp thiết lập kế hoạch kinh doanh, cũng như phúc lợi và sinh kế của người dân. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người lao động giữa các tỉnh.
“Các doanh nghiệp đã hoan nghênh các dự án thí điểm như kế hoạch mở cửa trở lại của TP.HCM, với việc chính quyền địa phương đã thực hiện các hình thức tiếp cận để nhận phản hồi từ khu vực tư nhân. Họ có thể điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, nếu không có ánh sáng cuối đường hầm, thì sẽ khó có thể duy trì được niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, bà Tarnowka nhấn mạnh.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng hiện vẫn đang ở mức 56,35 – 57 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào và bán ra đang ở mức 650 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.758,3 USD/ounce, tăng 8,1 USD, tương đương 0,46% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Thu hút FDI đạt hơn 22 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021
3/ Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước trong 9 tháng của năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã tăng thêm đạt 572,3 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 150,1 triệu USD (bằng 55,9% so với cùng kỳ) và 15 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm trên 422,1 triệu USD (gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ). Được biết, các nhà đầu tư Việt Nam hiện đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành, lĩnh vực gồm khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ hỗ trợ… Tính đến nay, Việt Nam đã có 1.429 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 21,8 tỷ USD.
4/ Theo Tổng cục hải quan, Việt Nam hiện đứng thứ năm trên toàn cầu về diện tích trồng cao su, chiếm khoảng 5.6% tổng diện tích toàn cầu. Nhưng sản lượng xếp thứ ba, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Nửa đầu tháng 9/2021, xuất khẩu cao su đạt 81.918 tấn, trị giá hơn 134,848 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 giảm 22,29% về lượng nhưng về giá trị giảm không đáng kể chỉ giảm 0,58%. Được biết, Việt Nam hiện có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, là thị trường xuất khẩu chủ lực của cao su Việt Nam, chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
5/ Tập đoàn KIDO đã cho biết sẽ bắt đầu bán online các sản phẩm đồ uống, trà sữa và bán bánh tươi mang thương hiệu Chuk Chuk từ tháng 10 tới. Theo đó, đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch kinh doanh mới đối với chuỗi thương hiệu Chuk Chuk dựa theo dự kiến quá trình phục hồi của thị trường. Được biết, dự án Chuk Chuk của KIDO có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối. Theo lộ trình, năm 2021, Chuk Chuk sẽ tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bao phủ trong khu vực TP. HCM với mục tiêu phát triển 58 cửa hàng cho đến cuối năm (bao gồm cả 3 loại hình), doanh thu 141 tỷ đồng.
6/ Theo Báo cáo Dự báo Kinh tế Toàn cầu, vừa được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Hãng tư vấn Oxford Economics công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á dự kiến giảm trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, triển vọng của khu vực vào năm 2022 sẽ tích cực hơn khi nền kinh tế bứt phá trở lại đi cùng với việc tiêm ngừa vaccine được đẩy mạnh. Đáng chú ý, Với Việt Nam, tăng trưởng vẫn sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của khu vực sản xuất với GDP được dự đoán sẽ ở mức 5,4% (giảm từ 7,6% trong báo cáo gần đây nhất của ICAEW) trong năm 2021 và bứt phá lên 7,5% vào năm 2022. Ngoài ra, sự khởi sắc trong tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy, khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời lĩnh vực công nghiệp dự kiến sẽ được phục hồi từ khoảng giữa năm 2022.
7/ Theo Korea Economic Daily, Samsung Electronics hiện đang đàm phán với Tesla để sản xuất chip tự lái thế hệ tiếp theo dựa trên tiến trình sản xuất chip 7 nm của công ty Hàn Quốc. Từ đầu năm nay, Samsung và Tesla nhiều lần trao đổi về thiết kế chip và trao đổi các nguyên mẫu chip cho máy tính tự lái Hardware 4 sắp ra mắt của tập đoàn Mỹ. Theo đó, Samsung nhiều khả năng sẽ đánh bại đối thủ TSMC để giành hợp đồng. Được biết, thoả thuận đạt được với Tesla sẽ giúp Samsung tăng cường sự hiện diện trên thị trường chip toàn cầu. Bởi công ty Mỹ đã đặt mục tiêu mở rộng mạnh mẽ dòng sản phẩm xe điện tự lái, tương ứng với sản lượng chip khổng lồ được cung cấp bởi Samsung.
Nhà máy sản xuất chip của Samsung tại Austin, Texas. Ảnh: BizLive
8/ Nạn hạn hán nghiêm trọng ở Brazil và mưa nhiều bất thường ở Colombia đang làm ảnh hưởng nặng đến sản lượng cà phê arabica, loại cà phê được các chuỗi cửa hàng cà phê cao cấp và các thương hiệu lớn ưa chuộng, của hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới này. Trong niên vụ năm nay, sản lượng cà phê ở Brazil giảm 18 triệu bao (mỗi bao tương đương 60kg) so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này tương đương 40% sản lượng cà phê arabica của Brazil hàng năm, và cao hơn cả sản lượng cà phê hàng năm 14 triệu bao của Colombia. Được biết, hai nước này cung cấp đến 2/3 nhu cầu cà phê arabica cho thế giới. Việc nguồn cung cà phê thắt chặt ở Colombia và Brazil sẽ càng làm phức tạp thêm các vấn đề mà ngành cà phê toàn cầu đang đối mặt.
9/ Trong thời gian qua, các công ty quốc tế đã bắt đầu rút bỏ khỏi Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn nhất thế giới ở mức 304 tỷ thùng, do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và tình hình chính trị của quốc gia này tạo ra quá nhiều rủi ro đối với hoạt động đầu tư. Tiêu biểu, vào mùa hè năm nay, cả TotalEnergies và Equinor đều đạ thoái bớt cổ phần của họ tại Petrocedeno, thuộc sở hữu nhà nước của Venezuela, để lại cho PDVSA toàn bộ vốn chủ sở hữu. Theo các chuyên gia nhận định, nếu các côn ty dầu mỏ ngừng đầu tư, do tình trạng hiện tại của quốc gia này, thì Venezuela sẽ không thể duy trì ngành công nghiệp dầu khí của mình, khi hàng tỷ thùng dầu bị bỏ lại trong lòng đất. Được biết, sản lượng dầu của Venezuela đã suy giảm từ khoảng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2017 xuống chỉ còn 480.000 thùng/ngày vào năm 2020.
10/ Theo Bloomberg, Ninja Van, một startup về logistics có trụ sở ở Singapore, hiện đang hoạt động tại Việt Nam, đã chính thức trở thành ‘kỳ lân’ khi huy động được thêm 578 triệu USD, nâng định giá của công ty lên 1 tỷ USD. Theo đó, trong vòng gọi vốn series E, Ninja Van đã huy động được thêm 578 USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Được thành lập vào năm 2014, Ninja Van hoạt động tại 6 thị trường Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines với hơn 61.000 nhân viên. Trung bình mỗi ngày, hãng sẽ giao khoảng 2 triệu bưu kiện với hơn 1,5 triệu người gửi hàng và khoảng 100 triệu người nhận.
11/ Hai sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới gồm Huobi và Binance đã ngừng dịch vụ đăng ký mới đối với người dùng ở Trung Quốc đại lục. Theo đó, hai sàn điện tử này đã nêu rõ sẽ không cho phép người dùng sử dụng số điện thoại di động ở Trung Quốc để đăng ký tài khoản mới. Hiện quá trình đăng ký mới vẫn được phép với người dùng ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Đây được xem là một trong những động thái đầu tiên sau khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố tất cả giao dịch tài chính liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA