Công ty Thuỷ sản Hùng Vương (mã HVG) mới phát đi thông tin về việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc. Theo đó, Hùng Vương sẽ bán toàn bộ 51% cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc.
Kể từ khi rơi vào vòng xoáy khó khăn, Hùng Vương liên tục phải thoái vốn, bán tài sản để thoát khỏi thua lỗ nợ nần. Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở ở Cà Mau, là công ty con của Hùng Vương chuyên về lĩnh vực chế biến bột cá biển.
Trước đó, công ty cũng lần lượt bán nhiều tài sản khác như thanh lý lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại Tp.HCM; Thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta (FMC) (100%), bán trên 50% vốn tại Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.
Hùng Vương từng được mệnh danh là “vua cá tra” trên sàn chứng khoán với việc sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, công suất 400.000 tấn/năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành cá tra trong những năm gần đây không mấy khả quan, đặc biệt năm 2017 công ty lỗ tới 713 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, dù cố gắng, nhưng vua cá tra Việt vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.
Hiện Hùng Vương có 9 công ty con và 1 công ty liên kết. Giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết là 782 tỷ đồng nhưng đã phải chịu lỗ tới 109 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản công ty chỉ còn 8.576 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 11.876 tỷ đồng cùng kỳ 2018. Trong đó nợ ngắn hạn lên tới 6.073 tỷ đồng. Nổi bật là khoản phải thu lên tới 4.752 tỷ đồng và hơn 1.800 tỷ đồng hàng tồn kho. Hùng Vương đang phải trích lập 680 tỷ đồng cho các khoản mục phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Doanh thu thuần quý 2 (niên độ 1/10/2018 đến 30/9/2019) của HVG ghi nhận sự lao dốc một nửa, xuống mức 1.302 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nỗ lực giảm mạnh chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giúp lợi nhuận 6,7 tỷ đồng so với mức lỗ 27,6 tỷ cùng kỳ. Tuy vậy, luỹ kế Hùng Vương vẫn lỗ 398 tỷ đồng.
Khó khăn chồng chất, mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 của Hùng Vương là 3.87 USD/kg, mức cao nhất trong số danh sách công ty xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Mức thuế này làm giảm cạnh tranh của Hùng Vương vào thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam là Mỹ, sau Trung Quốc.
Đây không chỉ là cú sốc với doanh nghiệp mà còn là cú sốc với giới đầu tư bởi kỳ vọng POR14 với kết quả sơ bộ 0 USD/kg đã đưa cổ phiếu HVG tăng chóng mặt thời gian qua.
Với hiện thực phũ phàng của POR14, cổ phiếu HVG liên tục giảm sàn 7 phiên liên tiếp và nhiều phiên giảm. Đóng phiên giao dịch ngày 10/5, HVG chỉ còn 3.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm tới 46% so với thời điểm công bố POR14, tức chỉ khoảng 10 phiên giao dịch. Vốn hoá “bốc hơi” gần 800 tỷ đồng.
Trước đó cổ phiếu này có thời điểm đã tăng lên 8.150 đồng/cổ phiếu do kỳ vọng kết quả POR14.
Hùng Vương đang phải nếm trải cơn đau trong một “bữa tiệc vui” của ngành cá tra bởi các doanh nghiệp cùng ngành khác như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Thuỷ sản An Giang…đều báo lãi lớn, cổ phiếu tăng mạnh do được mùa cá tra, sản lượng xuất khẩu tăng. Cơn đau này chưa thể kết thúc trong ngắn hạn do những gánh nặng tài chính đè nặng. Giấc mơ doanh thu 20.000 tỷ năm 2020 ngày càng trở nên xa vời với “vua cá tra” một thời.
Theo Vneconomy