Lớp trẻ gắn bó với nông nghiệp, một hiện tượng mà người Việt cầu được ước thấy.

(Cafenews)- Ở Pháp,  những trang trại, những lâu đài cổ xưa trở thành điểm đến cho du khách, điểm giáo dục giá trị sống từ khu vực nông nghiệp, thu hút làn sóng trí thức trẻ về nông thôn.

Người Pháp tự hào với sản phẩm “Made in France”, “Origine France”, ngay cả những người Pháp sang Việt Nam vẫn thích tìm những sản phẩm có gốc tích như bia con cọp BGI từ thời Đông Dương.

Dù chỉ chiếm khoảng 4% lực lượng lao động, nhưng ngành nông nghiệp Pháp đóng góp 3% tổng GDP.

Không chỉ người dân tự hào mà cả những viên chức. International Technical Cooperation Bureau thuộc viện Chăn nuôi Pháp, có một điểm giao dịch tại Porte de Versailles, người điều hành tại đây lấy bản đồ khoanh tròn những khu trưng bày nông nghiệp chuyển đổi và vẽ những đường dẫn tới đó. Còn một nhân viên hiệp hội Nghề nghiệp về cải tiến gien động vật nhai lại, nói rằng phải nhanh chân đến khu đấu xảo, khi cần thì liên lạc ngay với Laurent Journaux, tổng thư ký hoặc tổng giám đốc quan hệ quốc tế của BCTI, Philippe Amé…

Pháp đứng đầu EU về sản lượng củ cải đường  (29 triệu tấn/năm), đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang (5,3 triệu tấn/năm), đứng thứ hai EU về sản lượng sữa (23,3 triệu tấn) và mỗi năm cung cấp tới hơn 1,8 triệu tấn thịt cho thị trường 22 quốc gia thành viên này.

Chính công nghệ bứt phá và quy trình kiểm soát khắt khe, con giống và giá nông sản ở Pháp dù cao vẫn có thể cạnh tranh, nhiều trang trại nhỏ canh tác thân thiện môi trường và các tổ chức công đoàn nông nghiệp bảo đảm cho quá trình chuyển đổi sản xuất – tiêu thụ, đóng góp không chỉ hàng hoá, mà còn cả hệ thống tiêu chuẩn cho những cam kết chất lượng và chứng nhận của EU về nông nghiệp hữu cơ.

Tại hội chợ nông nghiệp Pháp, những sản phẩm được giới thiệu như phô mai, bao giờ cũng hiện rõ mối liên hệ của những giá trị mới theo chuỗi từ cánh đồng lúa mì, trang trại bò sữa, sữa, phô mai… Hội chợ là tập hợp những ngành liên quan, nổi rõ từ dấu ấn gia đình chuyên nghiệp cho tới các nhà đầu tư tài chính cùng hành động, thúc đẩy chương trình quốc gia. Những trang trại, những lâu đài cổ xưa trở thành điểm đến cho du khách, điểm giáo dục giá trị sống từ khu vực nông nghiệp, thu hút làn sóng trí thức trẻ về nông thôn.

Bà Florence Méa, CEO của BA, cơ quan quản lý sản xuất hữu cơ của Pháp.

Cách tổ chức linh hoạt

Bio Agence (BA) là một tổ chức kết hợp nhiều tổ chức khác nhau, nhằm mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin để cung cấp và liên kết các hành động thúc đẩy sản xuất hữu cơ, kết hợp sức mạnh của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Bà Florence Méa, CEO của BA, cơ quan quản lý sản xuất hữu cơ của Pháp, cho biết tổ chức này liên kết các bộ liên ngành, các tổ chức công đoàn, các hiệp hội, các phòng nông nghiệp ở các vùng, các tổ chức của người tiêu dùng và tổ chức nghiên cứu… cùng thúc đẩy sản xuất hữu cơ tại Pháp. BA thể hiện vai trò ở giữa, điều hoà quan hệ các thành phần tham gia vào sản xuất hữu cơ, quy tụ và cung cấp tất cả dữ liệu liên quan sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, cung cấp thông tin và giải pháp quảng bá cho những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ cấu trúc các ngành theo đuổi sản xuất hữu cơ và hiện nay đã lập quỹ 4 triệu EU hỗ trợ ngành thịt và sữa.

Làm sao tạo ra luồng logistics phù hợp, kiểm soát và chi trả cho những chi phí vượt trội từ quy trình sản xuất hữu cơ? Làm sao thông tin đến người sử dụng, các trường học, căng tin, doanh nghiệp để họ chấp nhận gắn liền với các cam kết? Làm sao trong vòng năm năm sẽ tăng gấp đôi sản lượng của các ngành, và lên kế hoạch đầu tư vào các ngành hậu cần, phân loại, dự trữ, chế biến, tài chính phù hợp, chọn lọc giống và đưa ra được hệ thống tiêu chuẩn, lời khuyên kinh tế – kỹ thuật cho các nhà sản xuất, tăng cường quản lý đa dạng sinh học, khả năng nhận biết của người dân…, bà Méa nói về những vấn đề nhạy cảm khi đề cập những yếu tố nền tảng nhận thức.

Theo đó, nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy chuyển biến nhận thức liên quan tới sức khoẻ của đất, tạo ra lòng tin của người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ, cơ hội cho chế biến nông sản… Chính phủ ưu tiên cho các kế hoạch tổ chức sản xuất, cơ cấu các ngành hàng mang lại giá trị và lợi ích tốt nhất, tăng tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường, nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu, đưa vào các chương trình đào tạo cho các đối tượng tham gia quá trình sản xuất hữu cơ, đưa các tiêu chí sản xuất hữu cơ vào các thoả thuận liên ngành…

Theo bà Méa, tỷ lệ sử dụng sản phẩm hữu cơ tại Pháp trong năm qua cho thấy 9/10 người Pháp từng sử dụng sản phẩm hữu cơ trong 12 tháng qua, 3/4 người Pháp sử dụng ít nhất một lần/tháng. Dân số sử dụng sản phẩm hữu cơ hàng ngày là 16%, tăng 6% so năm 2015.

Niềm tin của người Pháp về nông nghiệp tương lai đang tăng lên: 82% dân số đặt niềm tin vào sản phẩm hữu cơ, 85% đánh giá cao tầm quan trọng của nôn g nghiệp hữu cơ, và 90% bà mẹ quan tâm việc đưa sản phẩm hữu cơ vào căng tin trường học.

Tầm nhìn và độ bền của chính sách

Nước Pháp có những doanh nghiệp sản xuất hữu cơ duy trì năng lực cung cấp, định vị thương hiệu nhà cung cấp vật tư đầu vào có tuổi đời trên 150. Có những lâu đài đã duy trì sản xuất hữu cơ suốt 300 năm và phái đoàn của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã tìm đến đây.

Tham tán nông nghiệp Pháp tại Việt Nam, ông Alexandre Bouchot nói: “Chúng tôi đang làm việc với phái đoàn EU tại Hà Nội để tìm cách hỗ trợ cho Việt Nam, không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà cả việc xây dựng chính sách để có thể tương tác với EU”.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, phó tổng cục trưởng tổng cục Trồng trọt, Việt Nam đã có kế hoạch hành động cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất rõ ràng, hiện nay gần 80.000ha sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận thế giới đã có nhiều thay đổi, sản xuất hữu cơ hiện đại khác với cách làm của cha ông từ trước những năm 60 thế kỷ trước tới nay. Việt Nam thực sự cần tư vấn, huấn luyện, chuyển giao, ứng dụng, cũng như việc nâng cao tiêu chuẩn và tổ chức chứng nhận.

Việt Nam đang thiếu tổ chức chứng nhận thứ ba từ nguồn lực trong nước, nên phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức chứng nhận quốc tế.

Bài, ảnh Hoàng Lan 


 Theo TGTT