Trái cây hữu cơ tại cửa hàng Organica trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.

(Cafenews)- Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang được cả thế giới quan tâm. Không chỉ có giá trị hàng trăm tỷ đô la, NNHC còn hướng con người tới môi trường sống lành mạnh, gần gũi thiên nhiên và Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được mô hình sản xuất này.

Hiện, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định liên quan đến sản xuất NNHC. Một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng sản xuất hữu cơ, nhưng không phải ai cũng có thể tận dụng cơ hội…

Có cho vui…

Gần đây, khách hàng lui tới đông hơn ở cửa hàng Organica trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM. Khảo sát các sản phẩm đang bán tại cửa hàng Organica, ngoài một số loại rau củ quả được trồng tại trang trại ở Long Thành (Đồng Nai), trên quầy kệ còn xuất hiện khá nhiều sản phẩm nhập khẩu như táo, mật ong, các loại hạt, gạo, gia vị… “Nhu cầu sử dụng chưa nhiều, nhưng chúng tôi vẫn nhập thêm một số chủng loại cho đa dạng để người dùng có thêm lựa chọn”, đại diện Oganica, cho biết.

Từ năm 2016, khái niệm NNHC được nhắc nhiều ở Việt Nam. Thương hiệu Organica của công ty thương mại dịch vụ Mùa là một trong số tên tuổi làm NNHC sớm nhất ở Việt Nam, kế đó còn kể thêm Vinamilk có trại bò sữa hữu cơ, Vinamit có trang trại mít, xoài, thơm; gạo Việt có thương hiệu Orgagro, gạo Viễn Phú, Nhơn Qưới làm dầu dừa Bến Tre…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Vinamit, hiện nay sản phẩm hữu cơ mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu gần như chưa có. “Về mặt tiềm năng, như các đối tác bên ngoài đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp sản phẩm hữu cơ giá rẻ, nhưng bằng cách nào để đẩy giá trị thương hiệu hữu cơ Việt thì chưa. Người am hiểu về sản xuất hữu cơ chưa nhiều”, ông Viên tâm sự.

Làm không dễ

Với mong muốn trở thành “trung tâm nông nghiệp hữu cơ của khu vực”, mới đây bộ NN-PTNT lần đầu tổ chức hội thảo lấy ý kiến nghị định quản lý sản xuất NNHC tại TP.HCM. Bộ mong muốn, khi có một hành lang pháp lý (như nghị định) sẽ hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi vào quy củ, tạo ra các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế… Quả vậy, sản xuất bất cứ mặt hàng nông sản nào cũng cần có tiêu chuẩn, các quy chuẩn mới đáp ứng được đòi hỏi thị trường. Với sản phẩm NNHC, các tiêu chuẩn còn ngặt nghèo hơn với hành lang pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên, nhắc đến NNHC, dù thế giới áp dụng từ lâu, còn Việt Nam, tuy là nước thuần nông nhưng như thừa nhận của “người trong cuộc”, ông Nguyễn Lâm Viên nói: “Sau nhiều thập niên chạy theo sản lượng bằng giải pháp thâm dụng thuốc trừ sâu, phân bón…, bây giờ đất đai, nguồn nước đang bị ô nhiễm khá nặng. Muốn làm sản phẩm hữu cơ, ngoài việc am hiểu thực thụ quy trình, phải bắt đầu với việc làm sạch giống, đất, nguồn nước…”.

Nguyên tắc muốn làm NNHC, yếu tố đầu vào phải sạch, nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam vẫn tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu, đa số nhập từ Trung Quốc cùng hàng chục triệu tấn phân bón hoá học theo thông tin của ông Viên là điều khó khi làm NNHC!

Hãy bắt đầu từ nông nghiệp tiêu chuẩn

Các quốc gia châu Âu, trong đó nổi lên là Pháp, đang có tham vọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Năm ngoái, theo số liệu công bố, dân Pháp đã chi 8 tỷ euro mua sản phẩm hữu cơ, tăng 1 tỷ euro so năm trước đó. Chợ đầu mối quốc tế Rungis (Pháp) đã mở khu sản phẩm NNHC cách nay hai năm vẫn nhập 30% sản phẩm NNHC từ Ý và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm hữu cơ, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vẫn là sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn, sản xuất có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu nông sản tiêu chuẩn ra thế giới, thu về hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Chẳng hạn như mặt hàng cá tra.

Để được cấp giấy chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (BAP) xuất khẩu Mỹ, một vùng nuôi cá tra không giới hạn diện tích đăng ký phải bỏ ra chi phí 6.500 USD/ lần cấp/vùng nuôi. Phí đánh giá lại hàng năm bằng phí cấp lần đầu. Đơn vị được cấp BAP còn phải trả thêm khoản phí 1,25 USD cho mỗi tấn cá, tôm. Với giấy chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – hội đồng quản lý nuôi trồng thuỷ sản châu Âu cấp), chi phí bỏ ra cho mỗi vùng nuôi còn lớn hơn do bỏ tiền để phải tham vấn cộng đồng, điều tra môi trường, an toàn sinh học vùng nuôi… Dù bỏ ra số tiền lớn, nhưng đổi lại, hàng hoá vào được thị trường châu Âu, Mỹ chấp nhận mua giá cao hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc hội Doanh nghiệp HVNCLC sau chuyến đi Pháp kể, CEO chợ đầu mối quốc tế Rungis nói rằng, ông rất mê xoài cát Hoà Lộc nhập từ Việt Nam, ngon hơn hẳn các loại xoài đã nhập ở các nước. Vài năm trước, một số doanh nghiệp Việt Nam từng đưa xoài cát Hoà Lộc sang chợ Rungis bán. Tuy nhiên, việc xuất khẩu xoài sang chợ Rungis phải ngưng lại vì lý do độ đồng đều quả xoài không có, bảo quản chưa tốt. Hơn nữa, quả xoài Việt Nam mỏng vỏ, dễ bị thâm. “Vấn đề ở đây là chúng ta còn yếu kém trong áp dụng công nghệ bảo quản, đó là chưa kể vấn đề giá, vận chuyển… Trái cây Việt Nam được đánh giá là ngon, nhưng việc bảo quản, cách nâng chất lượng lại là chuyện của riêng mình, chứ không phải thị trường”, bà Vũ Kim Hạnh nói.

Cũng theo vị chủ tịch hội Doanh nghiệp HVNCLC, “Việt Nam cần làm tốt một nền nông nghiệp tiêu chuẩn trước khi nghĩ đến NNHC”.

“Việt Nam muốn làm nông nghiệp tiêu chuẩn, nên bắt đầu từ khâu đầu tiên là giống, đất, nước, phân bón…, cần có sự ủng hộ của Nhà nước, giới khoa học. Làm trong vòng vài năm, chúng ta có thể mang đến ra thị trường thế giới những sản phẩm hữu cơ đẳng cấp, riêng biệt”, bà Vũ Kim Hạnh nói.

Bài, ảnh Bảo Anh


 Theo TGTT