Đầu tháng 8 này, tổ chức Seed to Table cùng Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đồng Tháp mời những nhà canh tác hữu cơ Nhật Bản đến chia sẻ kinh nghiệm làm nông hữu cơ.
Truyền thống giáo dục và thực hành làm nông nhiều thế kỷ đã lan tỏa tinh thần nông nghiệp hữu cơ cho học sinh và nông dân Đồng Tháp.
Hơn 300 trường nông nghiệp cấp 3
Ông Namikawa Naoto – Hiệu trưởng trường cấp 3 Engei ở Tokyo, Chủ tịch Hiệp hội các hiệu trưởng trường cấp ba nông nghiệp quốc gia Nhật Bản – kể đầy tự hào: “Trường Engei có hàng cây bạch quả hơn 110 năm. Đây cũng là nơi xuất xứ trái lê lai tạo đầu tiên của Nhật Bản. Trường còn có các khu vườn hoa hồng, khu vườn cây ăn quả, rau…”.
Trường cấp 3 thôi, nhưng Engei có nhiều phân ngành chuyên môn, hay các khóa học về các công việc trồng rau, chăm sóc cây, ươm cây con, cắt tỉa cành cây, hoa, cắm hoa, thu hoạch, hay các môn thực hành làm mứt, làm bánh quy, nuôi ong, quản lý môi trường… Ông Naoto nói thêm rằng trường cũng có các chuyên ngành dạy về nông nghiệp thông minh, với các thiết bị liên quan như đèn LED, tấm năng lượng mặt trời hay cảm biến từ xa…
Ông Naoto cho biết tính đến năm 2020 có khoảng 303 trường cấp ba nông nghiệp như thế ở Nhật Bản. Và các trường đều có chung một “tầm nhìn về nông nghiệp”. Đó là nhận thức được các hiện tượng liên quan đến nông nghiệp và các ngành liên quan đến nông nghiệp với quan điểm sản xuất lương thực ổn định, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên và liên kết các vấn đề với nông nghiệp bền vững và phát triển địa phương.
“Khu vườn Nagasawa”
Cũng chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ, nhưng ông Nagasawa Genichi lại đưa đến góc nhìn từ “vườn Nagasawa”.
“Nhà tôi chuyên làm nông nghiệp tại Uzumasa, Kyoto có lịch sử khoảng 400 năm.Tôi là thế hệ thứ 16 của dòng họ Nagasawa”, ông chia sẻ.Nghĩa là làm nông nghiệp hữu cơ ở Nhật Bản xuất phát từ hộ gia đình.
Ông Genichi từng là giáo viên dạy môn nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ tại Đại học Doshisya.Ông cùng bốn học trò mình làm nông nghiệp hữu cơ và được cấp chứng nhận JAS hữu cơ. Nguồn rau hữu cơ ông bán 70% tại Kansai và 30% cho vùng lân cận Tokyo.
Cơ duyên ông Genichi gắn bó với nông nghiệp hữu cơ thật tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông làm nông nghiệp thông thường cùng với bố mẹ. Năm 33 tuổi, ông bị ngất tại vườn khi phun thuốc trừ sâu cho cây cà tím. Lúc đó, ông nghĩ: “Tôi sẽ chết nếu vẫn tiếp tục sử dụng các loại thuốc hóa học”. Sau đó, ông trồng hành Kujyo thay cho cà tím, nhưng vẫn phải sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu. Hai năm sau, ông thay bố làm chủ trang trại và quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ để “đảm bảo sức khỏe của tôi và gia đình” – theo lời ông Geinichi.
Thực hành ủ phân dùng để bón cho vườn rau trong trường.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức Seed to Table tổ chức tại Bến Tre từ năm 2018, và huyện Ba Tri có 4 nhóm liên kết, sản lượng 30 tấn, giá bán bình quân 16 đến 45 ngàn đồng/kg tuỳ loại rau. Thu nhập của hộ tham gia từ 5 – 12 triệu đồng/tháng. Huyện Bình Đại có hai nhóm dừa, một nhóm dừa và gà, sản lượng 500 – 700 trái/ 5.000m2, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp… Hiện nay, có ba nhóm được chứng nhận hữu cơ, hai nhóm đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hữu cơ. Trong giáo dục, dự án đã xây dựng được 16 vườn rau hữu cơ tại 15 trường học và Làng SOS…
Từ “đêm tối om” đến giai đoạn ổn định
Ông Genichi cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ ông đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Giai đoạn “đêm tối om”, lúc mới bắt đầu áp dụng nông nghiệp hữu cơ, ông Geinichi không thu hoạch được loại rau nào, làm việc cật lực nhưng không có doanh thu. Do sản lượng ít nên khó hợp tác với các cửa hàng. Thậm chí vợ ông phải chở rau đi bán bằng xe đạp.
Giai đoạn “đêm có trăng”. Sau khi áp dụng nông nghiệp hữu cơ được 4 – 5 năm, sản lượng nhiều hơn, nhưng các loại rau không được đẹp, không ổn định đầu ra.Nguyên nhân không bán được là hương vị rau không ngon.
Giai đoạn “trước bình minh”. Làm nông nghiệp hữu cơ được 7 – 8 năm, sản lượng rau đạt được 50%. Bán rau được cho nhiều cửa hàng, nhà hàng, cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ, công ty buôn bán rau. Lúc này ông nhận được sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp thành phố Kyoto. Họ kết nối và giới thiệu ông bán rau cho chuỗi siêu thị Seiyu. Geinichi bắt đầu có doanh thu nhiều hơn và tự tin hẳn với nông nghiệp hữu cơ.
Giai đoạn “bình minh”. Làm được 10 năm, có đủ sản lượng để bán tại chợ đầu mối lớn và hệ thống siêu thị lớn Jusco ở Nhật Bản. Lúc này, ông bắt đầu có “mối ruột” là các nhà hàng và các cửa hàng chuyên bán các loại rau củ quả cao cấp trong nước.
“Sau khi nhận được nhiều đơn hàng, tôi chắc chắn và tự tin làm nông nghiệp hữu cơ, không băn khoăn và lo lắng nữa. Tôi bắt đầu nhận một người để đào tạo thành nhà nông chuyên sản xuất rau hữu cơ”, ông Genichi nói.
Giai đoạn “phát triển”, bắt đầu tự quyết định giá bán các loại rau hữu cơ.Tôi cảm thấy chắc chắn về việc sản xuất sản phẩm chất lượng cao sẽ được đánh giá và được bán.
Giai đoạn “ổn định”, giới thiệu nông nghiệp hữu cơ tại Đại học Doshisya.Mở lớp dạy để hỗ trợ lớp trẻ khởi nghiệp bằng nông nghiệp hữu cơ.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Nagasawa Genichi đề xuất một số ý kiến với tỉnh Đồng Tháp như sau:
– Cần xác định rõ đối tượng bán, bán sản phẩm cho nhóm người giàu hay nhóm khác?
– Kiếm được lợi nhuận cao nếu bán sản phẩm có chất lượng cho nhóm người giàu
– Nhóm người giàu quan tâm đến vấn đề sức khỏe (tuổi trẻ vĩnh cửu và trường tồn)
– Nếu nhà nông áp dụng nông nghiệp hữu cơ thì có được sản phẩm tốt cho đất, môi trường và sức khỏe của con người. Từ đó, nhà nông được “nuôi” bởi nông nghiệp hữu cơ.
– Tận dụng được các nguồn sẵn có tại tỉnh Đồng Tháp càng nhiều càng tốt (gồm phế thải của nhà máy chế biến cá)
– Nên tập trung nâng cao chất lượng các đặc sản sẵn có tại Đồng Tháp. Nên tận dụng gạo không đạt tiêu chuẩn và cám cho chăn nuôi, tận dụng phân gà/bò cho trồng lúa, hay tận dụng trái xoài không đạt tiêu chuẩn để chế biến…
– Sản xuất các nông sản chế biến an toàn, an tâm để dùng được, ngon, đẹp, và có câu chuyện mang ấn tượng hay cảm động cho người tiêu dùng.
– Cần đào tạo nguồn nhân lực dạy nông nghiệp hữu cơ, từ sản xuất đến bán hàng.
Theo ông Trần Văn Nhãn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 5/2019 đến nay, Tổ chức Seed to Table đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp về thực hiện dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ” theo tiêu chuẩn PGS. Trong khuôn khổ dự án, thực hiện hai nhiệm vụ.Một là tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, hai là thực hiện nông nghiệp hữu cơ cho các trường học.
Với ngành giáo dục, Sở NN&PTNT đã thực hiện nhiều lớp tập huấn về nội dung này cho cán bộ kỹ thuật, các thầy cô giáo.
Đến nay, Đồng Tháp đã thành lập được 16 điểm trường học có vườn rau hữu cơ trong trường nhằm giúp cho các em học sinh có cơ hội, môi trường thực tập, học tập. Nhiều sản phẩm rau hữu cơ này đã bán trực tiếp cho phụ huynh học sinh và những cá nhân có yêu cầu. Đồng Tháp đã thành lập được ban điều phối dự án PGS và có logo nhận diện riêng.