Mãng cầu dai của hạt Đài Đông chuyển sang thị trường Dubai và Trung Đông, không phục thuộc vào thị trường đại lục. Ảnh: CNA

Tiêu điểm

Nông sản Đài Loan khẳng định tên tuổi thương hiệu sau lệnh cấm của Trung Quốc

Lệnh cấm nhập dứa của Trung Quốc đầu tháng 3 năm nay đã tạo cú hích mới cho nông sản Đài Loan: Các loại trái cây đặc sản của hòn đảo đã tìm kiếm được các thị trường mới có sức mua lớn, giá tốt hơn và đồng thời khẳng định tên tuổi thương hiệu của mình.

Các số liệu trong nửa đầu năm do Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan thu thập cho thấy các trang trại dứa trên đảo đã có thành tích tốt hơn. Sau lệnh cấm từ Trung Quốc bắt đầu hôm 1/3, một chiến dịch kích thích nhu cầu tiêu thụ nội địa do nhà lãnh đạo Thái Anh Văn phát động đã thúc đẩy sức mua dứa và các loại hoa quả khác tại Đài Loan.

Sự chung tay giúp đỡ từ các nhà nhập khẩu Nhật Bản là một bất ngờ thú vị đối với những nông dân đang gặp khó khăn của Đài Loan, vốn đang chuẩn bị cho sự sụt giảm giá thê thảm bởi thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 97% dứa của Đài Loan. Tính từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, các lô dứa đến Nhật Bản đạt 16.556 tấn, tăng 8 lần so với bốn tháng cùng kỳ năm trước.

Các nhà xuất khẩu Đài Loan cũng gia tăng giá trị cộng thêm cho trái dứa bằng cách chế biến các loại bánh dứa. Sản phẩm này cũng xuất hiện trong siêu thị Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác.

Đa dạng hóa các thị trường của trái cây, không phụ thuộc thị trường đại lục cũng góp phần giúp nông sản Đài Loan thoát nạn.

Trong quí 1, xuất khẩu trái cây của Đài Loan chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ – theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan. Các động thái chuyển hướng ra khỏi thị trường Trung Quốc tạo cú hích ngoạn mục. Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm 29,8%, xuất khẩu sang các thị trường Hà Lan, Mỹ và Philippines có mức tăng trưởng hai con số – lần lượt là 17%, 16% và 13,6%.

Phân tích sâu hơn các loại trái cây này cũng cho thấy chuối và táo tàu (jujube) của Đài Loan cũng được các thị trường nước ngoài biết đến nhiều hơn, kim ngạch xuất khẩu lần lượt tăng 27% và 16%. Dứa và mãng cầu dai cũng vào được thị trường Canada và Singapore. Ngành xuất khẩu Đài Loan cũng mở chiến dịch tiếp thị cho xoài và vải trong quý 2 và quý 3 – theo tờ Liberty Times.

Bảo vệ tên tuổi của thương hiệu trái cây Đài Loan luôn là ưu tiên hàng đầu của hòn đảo. Khi phát hiện các khoanh dứa đóng hộp bán ở siêu thị Singapore bị thâm đen ở giữa, Đài Loan lập tức thu hồi, tạm dừng xuất và sau đó đền bù bằng lô sản phẩm mới. Vì thế, thương hiệu dứa Bành Hồ luôn đứng vững. Bên cạnh đó là dứa Bình Đông, ổi ruột đỏ và táo Cao Hùng, mãng cầu dai Đài Đông… đang trở thành các thương hiệu “con” mới nổi trên thị trường nông sản quốc tế.

Bà Thái Anh Văn trong một chiến dịch cổ động tiêu thụ dứa và các sản phẩm chế biến từ dứa. Ảnh: CNA

Bản Tin Thị Trường

1/ Sáng 6/8, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện vẫn đang ở mức 56,55 – 57,25 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.801,3 USD/ounce, giảm 10,3 USD, tương đương 0,57% so với chốt phiên trước. Được biết, hiện giới đầu tư đang tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp để có thêm thông tin về sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ.

2/ Vừa qua, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương phối hợp với các sở ban ngành mở vườn thu hái nhãn đạt chuẩn quốc tế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU… Được biết, vụ nhãn năm 2021, Chí Linh có 740ha nhãn, sản lượng ước đạt 4.000 tấn trong đó hơn 40 ha nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến sản lượng nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Úc, New Zealand… đạt khoảng 250 tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, TP Chí Linh đã tập trung liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và đưa nhãn vào các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử. Hiện, nhãn Chí Linh đã chính thức được bán trên một số sàn thương mại điện tử với mức giá 93.000 đồng/hộp 3 kg.

3/ Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của năm 2021 của tỉnh Gia Lai ước đạt 360 triệu USD tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, nổi bật là mặt hàng cà phê đạt tới mức 210 triệu USD, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Để có được tín hiệu vui này, phải kể đến sự đóng góp lớn của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh gia tăng xuất khẩu, đưa sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 20% và tăng 24% về giá trị. Theo đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội giúp cho nông sản của Gia Lai; trong đó, có cà phê gia nhập thuận lợi thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thị trường này, việc xây dựng quy trình, quy chuẩn về canh tác; chú trọng chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý,…

4/ Theo VASEP, giá hầu hết các loại thủy sản tại Mỹ đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay, trong đó, giá cá tra cũng tăng mạnh với mức tăng tới 35%. Theo đó, trong top 10 sản phẩm thủy sản phổ biến tại Mỹ, cá tra phile đông lạnh cỡ 5-7 oz là sản phẩm có mức tăng giá cao thứ 4, khi tăng 35% từ mức 1,73 USD ngày 12/1/2021 lên 2,33 USD/pao vào ngày 12/7/2021. Được biết, Việt Nam hiện là nguồn cung chủ yếu cá tra cho Mỹ, chiếm tới gần 90% tổng nhập khẩu cá da trơn của nước này trong quý 1 năm nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 168.7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cá tra phile đông lạnh tại Mỹ tăng 35% so với đầu năm. Ảnh: TL

5/ Tổng cục Thuế yêu cầu có biện pháp buộc các tổ chức kinh doanh nền tảng số, thương mại điện tử như Google, Facebook, Netflix, Youtube phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Theo thông tin mới nhất, hiện Google, Facebook, Netflix, Youtube… vẫn chưa đóng thuế đầy đủ, minh bạch tại Việt Nam cũng như ủy nhiệm cho các ngân hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội này, chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, bỏ túi hàng tỷ USD mỗi năm, chỉ mới đóng thuế nhỏ giọt và tận dụng mọi kẽ hở để né thuế. Được biết, tổng thu ngân sách Nhà nước, hết tháng 7, ngành thuế thu được hơn 763.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hầu hết số thu đến từ nội địa 741.800 tỷ đồng (chiếm 97%).

6/ Vừa qua, gói hỗ trợ dịch vụ trị giá 10.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile và SCTV đã bắt đầu được triển khai đến người dùng cả nước. Theo đó, điểm nổi bật nhất trong gói hỗ trợ này là việc tăng gấp đôi băng thông đối với dịch vụ Internet cáp quang và tặng thêm 50% dung lượng dữ liệu (data) đối với dịch vụ Internet di động (hay còn gọi là dịch vụ 3G, 4G). Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến nay có hơn 69 triệu thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ dữ liệu sẽ được hưởng ưu đãi này. Các nhà mạng cũng cho biết ngoài gói hỗ trợ trên, sẽ có thêm hỗ trợ và ưu đãi cho khách hàng, giảm thiểu khó khăn do tác động của đại dịch.

7/ Dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái của Amazon đang gặp khó, một trong những lý do đầu tiên bắt nguồn từ nhân sự. Theo đó, hơn 100 nhân viên của Amazon Prime Air đã nghỉ việc, nhiều nhân viên còn lại đã chuyển sang các dự án khác và một số hoạt động ở Anh đã phải đóng cửa. Dự án trải qua nhiều sóng gió khi liên tục cải tổ các bộ phận, thường xuyên đổi quản lý và nhân viên, đưa những người ít hiểu biết về drone và AI trí tuệ nhân tạo lên nắm quyền. Được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, Amazon Prime Air là một dịch vụ đột phá mà Amazoncó kế hoạch cung cấp, cho phép “giao sản phẩm trong vòng 30 phút kể từ khi đặt hàng bằng máy bay không người lái”.

Amazon Prime Air

8/ Theo Nikkei, số lượng sinh viên Nhật theo học ở nước ngoài đã giảm chóng mặt trong 2 thập kỷ qua. Theo đó, Nhật giờ đây không còn là nước đứng đầu về số lượng du học sinh đang theo học tại Mỹ, số lượng sinh viên Nhật tại Mỹ giờ đã ít hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam. Chi phí giáo dục các bậc từ đại học trở lên tại Mỹ tăng cao có thể coi như nguyên nhân chính. Trong 25 năm qua, số lượng người Nhật đến Mỹ theo học các chương trình dài hạn tăng lên cao hơn bất kỳ nước nào khác, theo Ủy ban Giáo dịch Nhật Mỹ. Tuy nhiên vào năm 2019 và 2020, Nhật rơi xuống vị trí thứ 8, tụt lại sau nhiều quốc gia châu Á khác. Được biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa sẽ khiến cho xu thế này diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn, thì nhiều quan chức Nhật hiện đang cố gắng đảo ngược xu thế.

9/ Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York, chi tiêu qua thẻ tín dụng và mua nhà tăng vọt khiến nợ hộ gia đình Mỹ tăng 313 tỷ USD, tương đương 2,1% trong quý II. Đây là mức tăng danh nghĩa lớn nhất kể từ năm 2007 và mức tăng phần trăm lớn nhất trong 7 năm qua. Theo đó, người dân Mỹ hiện đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ hết bởi nhu cầu cà thẻ tín dụng và vay mua nhà, xe cộ tăng cao. Được biết, khi các chương trình hỗ trợ hoãn trả nợ thế chấp được triển khai theo Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh Tế trong đại dịch (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security – CARES), nhiều người đi vay đã tận dụng cơ hội đó. Tuy nhiên, theo giời gian, những người có điểm tín dụng cao đã rút khỏi chương trình, chỉ để lại những người dễ bị tổn thương hơn về mặt tài chính.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA