Chiều 14/4, tại Diễn đàn: “Lãnh đạo tạo đột phá: Ứng biến để vươn mình” do Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức, nhiều bài học kinh nghiệm về sự chuyển hóa mạnh mẽ trong nội lực của người lãnh đạo đã được đưa ra để giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh COVID-19.
Năm 2020 đánh dấu cột mốc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch Covid-19. Vượt qua những mất mát, khó khăn và thách thức trên qui mô sâu rộng, lần đầu tiên các quốc gia trên toàn thế giới cùng đồng loạt trải qua biến cố này với những tác động vô cùng mạnh mẽ từ bên trong.
Việt Nam là một trong ba quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương năm 2020, và top 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất năm 2021- Theo dự báo của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong khu vực ASEAN. Có thể nói, các doanh nghiệp đã và đang học được bài học về sự thích nghi, ứng biến, linh hoạt, củng cố nội lực, biến nguy thành cơ, cấp nhật xu hướng công nghệ, thay đổi một cách sáng tạo để vươn mình trở thành “hiện tượng” của khu vực.
Những bài học kinh nghiệm
Tham dự diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nhung, giám đốc công ty TNHH Huyền Trang, một trong những đơn vị làm rèm cửa cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra doanh nghiệp đã có những thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ, và đã mang đến hiệu quả ngoài mong đợi.
“Chúng tôi tiên phong mở ra trào lưu rèm cửa thông minh 3D tại Việt Nam, và giúp khách hàng chỉ cần check mã QR code là có thể xem như thật các mẫu rèm cửa, màn sáo, cuốn sáo lá, sáo cầu vồng, chăn drap gối… Bên cạnh đó là việc phát hành tem chống hàng giả. Tất cả sản phẩm đều có tem trên đó. Và các cuốn mẫu vải cũng sẽ có một con tem nhận biết”, bà Nhung nói.
Tham dự diễn đàn “lãnh đạo tạo đột phá: Ứng biến để vươn mình”, một doanh nghiệp đến từ Cần Thơ, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động của Covid-19 chia sẻ cách làm của mình.
Bà Ngô Nguyễn Hồng Loan, giám đốc công ty du lịch Ngô Phương Đông nói: “Du lịch, hàng không ảnh hưởng nặng nhất trong dịch Covid-19, lần đầu chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều, nhưng qua đợt 2, đợt 3 có kinh nghiệm, bài học ứng phó. Đến giờ này chúng tôi vẫn hoạt động xuyên suốt, chưa đóng cửa ngày nào. Quãng nghỉ do dịch, công ty tăng cường các hoạt động đào tạo cho nhân viên, nhất là về sale để khi qua dịch có đà để chạy một cách trơn tru. Về nhân sự chúng tôi cũng cho nhân viên làm việc luân phiên nhau, vẫn đảm bảo mức sống cho nhân viên mình”.
Là chủ của doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s cho biết, Biti’s đã xây dựng và phát triển thành công dự án có tên là “Happy Biti’s”, tạo ra môi trường làm việc cân bằng hơn cho gần 8.000 cán bộ công nhân viên. Văn hoá làm việc tích cực và hạnh phúc này còn len lỏi vào trong từng chiến dịch marketing của Biti’s, giúp doanh nghiệp này trở lại vị trí dẫn đầu “nâng niu bàn chân Việt” trong những năm gần đây trong thị trường giày dép Việt Nam.
Bà Quyên cho hay, làm người lãnh đạo phải luôn nghĩ sẽ làm được gì cho đồng nghiệp xung quanh. Luôn nghĩ cách phải làm nó như thế nào. Khi đã xây dựng được một môi trường hạnh phúc trong doanh nghiệp thì làm lãnh đạo không cô đơn nữa.
Tiêu Yến Trinh, Phó chủ tịch HAWEE, tổng giám đốc của TalentNet nói: “Chúng tôi tự hào khi mang lại những giá trị thật cho chủ doanh nghiệp và nhà lãnh đạo. Qua diễn đàn này, mọi người sẻ thấy được xu hướng toàn cầu về mô hình lãnh đạo ứng biến, và hiểu thêm về mô hình lãnh đạo ứng biến tại Việt Nam. Sau diễn đàn HAWEE sẽ tổ chức chuỗi 4 buổi đào tạo trong năm, để từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức gắn kết giữa người chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý, cùng nhau phát triển, cùng nhau xây dựng nội lực để đưa doanh nghiệp sẵn sàng ứng biến trước mọi hoàn cảnh và phát triển lên tầm cao mới”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng đánh giá diễn đàn với nội dung sát nhu cầu thực tiễn, bám sát tương lai đã tạo ra sự bứt phá vươn tầm, biến nguy thành cơ cho doanh nghiệp trong dịch Covid-19. Bà Phan Thị Thắng mong muốn qua diễn đàn các doanh nghiệp có sự thích ứng chuyển mình phù hợp để phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM và cả nước.
Bài, ảnh: T. Quỳnh