Lon nước dừa có dung tích 13,5 oz (khoảng 400 ml), in chữ “Nước dừa siêm kho thịt”, hay “Chất uống thiên nhiên, kho thịt càng ngon”. Tuy nhiên, trên nhãn lon ghi rõ “Product of Thailand”.
Đi lại thường xuyên giữa Mỹ và Việt Nam, gần đây, anh Dũng Nguyễn dành nhiều thời gian hơn để đi chợ Mỹ Hoa tại Houston. Tìm nước dừa để kho thịt, anh được giới thiệu đến quầy nước dừa đóng lon hiệu “CHAUDOC”. Với cộng đồng người Việt, dừa lon này là lựa chọn phổ biến nếu muốn có một nồi thịt kho kiểu Nam Bộ ở xứ cờ hoa.
Lon nước dừa có dung tích 13,5 oz (khoảng 400 ml), in chữ “Nước dừa siêm kho thịt”, hay “Chất uống thiên nhiên, kho thịt càng ngon”. Tuy nhiên, trên nhãn lon ghi rõ “Product of Thailand” với mã vạch hàng hóa bắt đầu bằng 3 chữ số 885 của nước này. Khay đựng cho biết sản phẩm của công ty Caravelle, đóng gói cho một doanh nghiệp tại California.
“Mỗi lon chỉ có 99 cent, tôi mua một lần khá nhiều”, anh Dũng kể lại. “Châu Đốc là của Việt Nam mà, không lẽ người Thái sang mua dừa rồi đóng lon bán qua Mỹ”, anh tếu táo nói. Ở Houston, các chợ khác như Thanh Bình hay Tân Bình cũng đầy dừa Thái Lan đóng lon. Thương hiệu này còn có sản phẩm nước cốt dừa với giá gần 2 USD mỗi lon.
Không bất ngờ như anh Dũng, Tony Tuấn Lê từ Việt Nam sang Chicago học và định cư đã hơn 10 năm. Công việc chợ búa chủ yếu do vợ anh đảm đương. Tuy nhiên, khi hỏi về lon dừa Châu Đốc, anh cũng biết rất rõ.
“Tai Nam là chợ Việt lớn nhất ở Chicago. So với nơi khác thì chợ cũng bé bởi người Việt chỗ này không nhiều. Vào chợ là sẽ thấy ngay hiệu CHAUDOC vì phổ biến lắm. Thông thường, ở các chợ châu Á, hàng Thái, Malaysia rất phổ biến. Trên sản phẩm in tiếng Anh, Việt, Hoa”, Tony nói và cho biết, đi các chợ này, dù có chữ Việt hay không thì cứ hàng Thái là anh sẽ mua cho an tâm.
Theo một số Việt kiều, hàng Thái Lan tại các chợ Việt Nam hay chợ châu Á tại Mỹ khá mạnh. Nhiều sản phẩm được gia công sản xuất với tem nhãn tiếng Việt để phục vụ riêng cho cộng đồng Việt kiều. Do đó, lon dừa Châu Đốc sản xuất tại Thái Lan không có gì bất ngờ.
Thậm chí, mọi người còn có thế mua một lon nước lèo nấu phở cũng xuất xứ từ Thái Lan với giá 2,79 USD. Tương tự, lon nước dừa, lon nước lèo có chữ Phở Bắc với cách bỏ dấu tiếng Việt không giống như cách thông thường theo bộ gõ trên máy tính người Việt.
Theo nghiên cứu của Statista, doanh số nước dừa của Mỹ năm 2015 đạt 778 triệu USD và sẽ đạt gần 2 tỉ USD vào năm sau. Trên toàn cầu, thị trường nước dừa tăng trường 25,4% mỗi năm đến năm 2019. Số liệu của Hiệp hội Dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, châu Á chiếm 85% diện tích trồng dừa toàn thế giới.
Tại Đông Nam Á, ngoài Philippines đứng thứ 2 toàn cầu về diện tích và thứ ba về sản lượng thì Việt Nam đứng thứ 8 về diện tích và thứ 6 về sản lượng. Trong khi đó, Thái Lan giữ vị trí ngược lại, tức thứ 6 về diện tích nhưng xếp thứ 8 về sản lượng.
Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu dừa Việt Nam khoảng nửa tỷ USD. Tỉnh Bến Tre chiếm hơn 40% diện tích dừa cả nước và đóng góp 36% giá trị xuất khẩu (khoảng 180 triệu USD).
“So với các đối thủ, trừ Philippines với các lợi thế về thị trường tiềm năng và có kinh nghiệm trong kinh doanh; Việt Nam không thua kém các nước về sản xuất dừa, thậm chí ngành dừa Việt Nam còn vượt trột hơn ở một số lĩnh vực”, Hiệp hội Dừa Bến Tre nhận định lạc quan trong bối cảnh Việt Nam chiếm chưa đến 1% thị phần dừa thế giới.
Thực tế, Bến Tre cũng đã có doanh nghiệp sở hữu nhà máy hiện đại. Có thương hiệu còn sản xuất nước dừa đóng hộp và xuất khẩu đi 20 nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tập trung đến dòng nước dừa uống chất lượng và hướng đến hữu cơ. Còn ở các chợ Việt tại Mỹ, ý tưởng lấn át hàng Thái ở phân khúc phổ thông dường như chưa thể hiện rõ.
“Ai đó đóng lon dừa Việt Nam để xuất qua đây cho dân mình kho thịt đi”, anh Dũng vui vẻ nói.
Theo VnExpress