(Cafenews)- Giống tỏi của huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã trồng, mang lại giá trị kinh tế cao dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa. Từ một mô hình nhỏ, hiện nay, khu vực này đã hình thành những vùng chuyên canh trồng tỏi với diện tích hàng trăm héc-ta và thành lập hợp tác xã để chế biến chuyên sâu tạo ra nhiều sản phẩm từ tỏi.

Hơn 10 năm, tôi quay lại thôn Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa gặp lại anh nông dân sản xuất giỏi Vũ Văn Tám. Nhìn thấy khu vườn khoảng 1 héc-ta của anh Tám toàn trồng tỏi, tôi thắc mắc: “Trồng tỏi có giá trị hơn trồng lúa, nuôi cá không?”.

Anh Tám dẫn tôi ra đứng ở vạt tỏi, hào hứng chia sẻ: “Bây giờ trồng tỏi có giá trị kinh tế giống như nuôi ốc hương trên cạn, bỏ ra một vốn có thể lời gấp hai, gấp ba lần. Dân ở đây không mặn mà làm ruộng nữa rồi, nhiều chỗ họ đã cải tạo thành đất trồng tỏi, mấy triền đồi họ cũng cải tạo trồng tỏi giống như ruộng bậc thang ở miền núi phía Bắc. Sau cơn bão số 12 tháng 11-2017, dân nuôi tôm hùm trên biển cũng “chen” lên bờ làm tỏi dữ lắm”.

Anh Võ Đình Hải là “cha đẻ” trồng giống tỏi đảo Lý Sơn tại Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

“Cha đẻ” đặc sản tỏi Khánh Hòa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trung bình mỗi héc-ta trồng tỏi cho năng suất 8 tấn. Tổng lượng tỏi Khánh Hòa ước đạt 10.000 – 15.000 tấn tỏi tươi và gần 5.000 tấn tỏi khô/năm, cao gấp ba lần so với tỏi được trồng ở Lý Sơn. Đại bộ phận người dân trồng tỏi có cuộc sống khá hơn, thế nhưng họ vẫn chưa biết nguồn gốc cây tỏi này từ đâu ra?

19 tuổi, anh Võ Đình Hải rời quê hương ở đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn vào thị xã Ninh Hòa làm thợ sửa máy mưu sinh. Một hôm, anh Hải đến nhà ông anh Võ Ái Nhân, ở xã Ninh Phước, Ninh Hòa chơi, tình cờ phát hiện: “Đất vùng này sao giống ở quê mình”. Thế là anh Hải bắt đầu tìm cách lấy giống tỏi từ đảo Bé vào Ninh Hòa trồng thử và phát triển tốt, đặc biệt mùi thơm và các hoạt chất giống hệt như tỏi ở Lý Sơn. Năm 1994, hai anh em bắt đầu thuê hơn sào đất trồng tỏi, vụ đầu tiên thắng lớn, sau đó, các anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

“Lúc đầu, dân trong vùng này chưa quen ăn tỏi Lý Sơn, khi thu hoạch tỏi tôi phải chở ngược ra Quảng Ngãi bán cho thương lái” – Anh Hải nhớ lại. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân trong xã bắt đầu lân la tới vườn tỏi nhà anh Hải học hỏi kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Thế rồi, người dân xã Ninh Phước bắt đầu trồng tỏi, thấy hiệu quả kinh tế cao, các vườn tỏi nhanh chóng lan ra các xã trong huyện Vạn Ninh. “Diện tích trồng tỏi ở Khánh Hòa đã lớn gấp nhiều lần Lý Sơn, sản lượng rất lớn, vì năng suất ở đây cao hơn Lý Sơn” – Anh Hải nhẩm tính.

Giá trị của tỏi “mồ côi”

Tỏi chỉ thích nghi với đất cát pha hoặc cát san hô nhỏ, nhưng diện tích đất cát dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa chẳng đáng bao nhiêu. Người dân bắt đầu cải tạo từ những vùng đất màu, đất núi, sỏi đá hoặc vùng trũng thấp. Anh Hải nêu kinh nghiệm: “Để có được diện tích trồng tỏi ở xã miền núi Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, nhà tôi phải mua hàng trăm xe cát chở từ biển lên pha trộn, làm hệ thống thoát nước mưa, bắt hệ thống ống nước tưới…, tốn nhiều tiền. Vụ đầu tiên phải trồng đậu, lạc để cho đất ổn định, khử các loại độc tố còn trong đất. Nếu như không kiên trì, thì không thực hiện được”.

Gia đình ông Hoàng Xuân Anh, thôn Tây, xã Vạn Hưng, thấy tỏi “ăn nên làm ra” đã cải tạo từ đất ruộng lúa thành 3 sào trồng tỏi, tháng trước ông quyết định đầu tư thêm 100 triệu đồng đổ mấy trăm xe đất mở thêm 5 sào từ vùng trũng. Ông Anh cho biết: Nếu như diện tích đất bằng, không bị trũng nước, đầu tư cải tạo mới 1 héc-ta trồng được tỏi phải mất 300 – 400 triệu đồng. Gặp loại đất đã “thuần” thì chi phí thấp hơn, 1 héc-ta chỉ 200 triệu đồng, sau 4 tháng trồng và chăm sóc sẽ cho lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng. Nếu biết cách canh tác tốt, khi thu hoạch có nhiều tỏi “mồ côi” (một cây chỉ một củ) sẽ bán tại ruộng 400.000 đồng/kg. Các thương lái đưa vào cửa hàng ở sân bay quốc tế Cam Ranh bán với giá gần một triệu đồng/kg.

“Kinh nghiệm của người dân Lý Sơn, họ thu hoạch được 10 tấn tỏi, đầu vụ chỉ bán tươi 3 tấn với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, lấy tiền trang trải trước mắt. Còn 7 tấn phơi khô đóng bao, xếp vào hạng dự trữ đến tháng 10-12, thiên hạ hết tỏi, lúc này mới bung ra bán với giá 140.000 – 160.000 đồng/kg. Dân Khánh Hòa hay “bán tươi” đầu vụ, nên lợi nhuận không lớn” – Anh Võ Đình Hải nêu bí quyết.

“Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đến đây tìm hiểu quy trình trồng tỏi của địa phương, họ có ý định đầu tư công nghệ chế biến tinh dầu tỏi. Nếu được chế biến ra nhiều sản phẩm sẽ tăng giá trị của cây tỏi lên rất nhiều. Xã đã hình thành Hợp tác xã chuyên sản xuất tỏi, bước đầu đang hoạt động tốt” – Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tiết lộ.

Mong ước có thương hiệu riêng

Mặc dù sản lượng tỏi của tỉnh Khánh Hòa lớn hơn nhiều tỏi Lý Sơn, nhưng tỏi Khánh Hòa vẫn đang “ăn ké” thương hiệu tỏi Lý Sơn. Anh Vũ Văn Tám chia sẻ: “Cứ vào vụ thu hoạch tỏi, thương lái ở Quảng Ngãi vào đây thu mua và người dân đảo Lý Sơn đang sinh sống ở đây cũng làm “trạm” thu gom tỏi. Họ chở từng xe tải ra ngoài đó gắn mác thương hiệu tỏi Lý Sơn. Chúng tôi mong ước có được thương hiệu tỏi của Khánh Hòa riêng, để khỏi phải chạnh lòng”. Tỏi được đóng gói, gắn mác Lý Sơn rồi quay ngược vào trong các kệ hàng ở siêu thị, ngoài chợ, cửa hàng… thành phố du lịch Nha Trang, trung tâm tỉnh lỵ Khánh Hòa. Đi khắp phố phường Nha Trang chỉ có duy nhất tỏi Lý Sơn mà không có thấy gói tỏi nào là tỏi Khánh Hòa. Người trồng tỏi tỉnh Khánh Hòa bất lực trước “tiếng xấu” của tỏi tỉnh nhà đi “ăn cắp” thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho rằng: “Chưa có thương hiệu thì tỏi Khánh Hòa sẽ bị thương lái trục lợi và mang tiếng không tốt. Không chỉ người dân trồng tỏi muốn có thương hiệu mà chính quyền cũng rất mong. Chúng tôi đã gửi hồ sơ cho Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, sớm hoàn thành hồ sơ cấp dẫn nguồn địa lý và thương hiệu, để người dân an tâm làm ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không thể mãi “sống nhờ” như thế này được”.

Hải Luận


Theo Biên phòng