Máy bay của China Southern Airlines tại sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh. Hãng bay hàng đầu của Trung Quốc đã lỗ ròng hơn 1 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Số chuyến bay quốc tế bị hủy đã tăng vọt khi các cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt hơn chính sách “zero Covid”, đặt thêm gánh lỗ lên các hãng Trung Quốc vốn đã chịu nhiều thiệt hại do Covid-19. Các biện pháp phòng chủng Omicron của Trung Quốc đã làm bùng nổ đợt đối đầu hàng không Mỹ – Trung mới nhất trong tuần rồi.

Thời gian đình hoãn bay tăng bốn lần

Theo quy định từ tháng 6-2021, sau khi hạ cánh ở Trung Quốc, nếu có từ năm khách dương tính với Covid-19 trở lên thì các hãng bay phải chọn giữa hai phương án: Một là, đình chỉ trong ít nhất hai tuần. Hai là, giới hạn số khách còn 40% trong bốn tuần. Nếu có từ 10 người dương tính trở lên, chuyến bay sẽ bị đình chỉ trong bốn tuần.

Nhưng thời gian đình hoãn bay đã tăng lên tám tuần sau khi Omicron xâm nhập và lan nhanh ở Trung Quốc. Cơ chế này sẽ được áp dụng nếu trong một chuyến bay có từ năm khách nhập cảnh bị phát hiện nhiễm Covid.

Như vậy, số tuần bị đình hoãn bay đã tăng lên gấp bốn lần so với trước. Việc bảo dưỡng, khử trùng và giám sát nhân viên cũng được rà soát chặt.

Có 603 chuyến bay đã bị hạ cánh vì các biện pháp kiểm soát trên trong năm 2021. Trong hai tuần đầu của năm 2022, có 198 chuyến bay đã bị đình hoãn – tức là bằng số chuyến bay bị hủy trong bốn tháng của năm 2021, tăng gấp tám lần.

“Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn dòng chảy các ca nhiễm từ nước ngoài cũng như tình hình bùng phát trở lại trong nước”, Han Guangzu, Tổng giám đốc bộ Cục tiêu chuẩn bay thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, nói với báo chí khi công bố các số liệu mới.

Số chuyến bay quốc tế bị hủy tăng vọt là hệ quả của chính sách chống sự lây lan Omicron của Trung Quốc. Từ tháng 10-2021 đến cuối tháng 3-2022, chính phủ chỉ cho phép 408 khách quốc tế đến và đi mỗi tuần.

Có sự khác biệt rất lớn giữa số liệu do nhà chức trách Trung Quốc công bố và những dữ liệu do trang du lịch TravelPulse của Mỹ ghi nhận. Theo ghi nhận của hãng Mỹ, trong giai đoạn từ 24-12-2021 đến ngày 12-1, các quy định mới để ngăn ngừa Omicron thâm nhập Trung Quốc đã khiến hơn 1/3 trong tổng số 9.356 chuyến bay quốc tế đến nước này bị hủy.

Không chỉ các hãng Mỹ, các hãng hàng không của Pháp, Đức, Indonesia và UAE (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cũng bị Trung Quốc đình chỉ. Số chuyến bay thương mại quốc tế của Trung Quốc đã giảm xuống còn 200 chuyến/tuần, tương đương 2% mức trước dịch – theo số liệu của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Đối đầu hàng không Mỹ – Trung

Chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc là nguồn cơn ít nhất ba đợt đối đầu hàng không giữa hai siêu cường này trong suốt hai năm Covid vừa qua.

Năm 2020, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay của hai hãng Delta Airlines và United Airlines. Washington đe dọa trả đũa, Bắc Kinh nhượng bộ và cho phép hai hãng nối lại hoạt động. Tháng 8 năm ngoái, Mỹ buộc bốn chuyến bay của các hãng Trung Quốc chỉ được chở 40% công suất trong bốn tuần để đáp trả các chính sách ngăn chận chủng Delta lan rộng của Bắc Kinh đối với các hãng Mỹ.

Chủng Omicron lan rộng đã khơi mào cho cuộc đối đầu mới.  Theo Reuters, Trung Quốc đã cấm một số chuyến bay của Delta Airlines, United Airlines và American Airlines do có một số hành khách trên các chuyến bay này dương tính với Covid-19 sau khi nhập cảnh. Từ ngày 31-12-2021 đến giữa tháng 1-2022, Trung Quốc đã ngừng tổng cộng 44 chuyến bay của các hãng Mỹ. Trước thời điểm này, tần suất các chuyến bay nối liền hai nước khoảng 20 chuyến/tuần, thấp hơn nhiều so với con số 100 chuyến/tuần trước dịch.

Trong hai tuần kể từ ngày 19-1, theo CNN, trừ hai chuyến được xếp lịch, tất các chuyến bay từ Mỹ đến Trung Quốc đều bị hủy hoặc ngừng. Đây là đối sách của Trung Quốc nhằm hạn chế dòng người gốc Hoa từ Mỹ trở về quê nhà đón Tết Nguyên đán.

Mỹ cho rằng quyết định của Trung Quốc là không công bằng vì tất cả những khách này đều đã âm tính với Covid-19 trước khi bay. Ngoài ra, quy định của Trung Quốc không phù hợp với các thỏa thuận về chính sách “bầu trời mở” của hiệp định hàng không Mỹ – Trung ký từ 1980.

Hôm 21-1, Bộ Giao thông Mỹ đã cấm 44 chuyến bay của bốn hãng Trung Quốc là XiamenAir,  Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines từ ngày 30-1 đến 29-3. Hôm 26-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi hành động đáp trả của Mỹ là “không có lý do và làm gián đoạn hoạt động bình thường của các hãng hàng không Trung Quốc”.

Các hãng bay chịu thiệt

Hiện China Southern Airlines buộc phải tạm dừng các chuyến bay đến Toronto, Canada. Trong khi đó, China Eastern Airlines tạm dừng các chuyến bay đến Paris. Theo Nikkei Asia, các đường bay quốc tế của của các hãng hàng không Trung Quốc đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi họ chiếm 56% tổng số chuyến bay quốc tế đã lên lịch trong kế hoạch bay sáu tháng đến cuối tháng 3.

Số khách bay quốc tế gồm cả những chuyến bay đến Hồng Kông và Macao của ba hãng hàng không chính ở Trung Quốc (gồm Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines) chiếm gần 1% lượng khách của ba hãng này. Đây là sự sụt giảm rất lớn so với tỷ lệ 17% trước khi Covid-19 bùng phát.

Các chuyến bay quốc tế có giá vé cao hơn các chuyến bay nội địa. Đối với China Southern Airlines, giá vé đường bay quốc tế gần gấp đôi so với giá vé đường bay nội địa trong năm 2019.

Chính sách chống dịch của Trung Quốc đã làm suy giảm nguồn thu dồi dào từ các tuyến bay quốc tế của ba hãng bay lớn. Mỗi hãng đều báo cáo khoản lỗ ròng khoảng 1 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm 2021. Kết quả cả năm 2021 chắc chắn sẽ gây thất vọng tương tự.

Các hãng đang bươn chải để có nguồn tài chính duy trì hoạt động. Hồi tháng 10 vừa rồi, China Southern Airlines cho biết sẽ huy động được khoảng 1 tỉ đô la thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tháng sau, China Eastern Airlines công bố kế hoạch xin gói cứu trợ của chính.

Chính sách chống dịch của nhà chức trách cũng bị các hãng bay nước ngoài chỉ trích là quá mức cần thiết và lộn xộn. “Họ đã thay đổi xoành xoạch các chỉ thị ngay khi chúng tôi chuẩn bị thực hiện các quy định vừa mới ban hành”, giám đốc điều hành một hãng bay nước ngoài tại Quảng Châu cho biết về tiêu chuẩn khử trùng.

Tại sân bay ở Bắc Kinh, nhân viên của một công ty vệ sinh địa phương được phát hiện bị nhiễm bệnh và mọi hoạt động của công ty đã bị đình chỉ. Các hãng bay nước ngoài thuê sử dịch dịch vụ của công ty này đã yêu cầu tiếp viên làm công việc dọn dẹp khoang hành khách.

Ricky Hồ / BSA

Dân Hong Kong chuộng các mẫu bao lì xì của các ngân hàng phương Tây