‘Ông mai’ của bún và gấc, Trần Đình Lượng.
Trồng gấc để giúp người dân Tây Nguyên vượt lên sự trì trệ của tiêu và cà phê. Kết hợp bột gấc với sợi bún truyền đời của dân Việt thành bún gấc là một ý tưởng đột phá.
Trần Đình Lượng, ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cựu sinh viên ngành bác sĩ thú y, Trường ĐH Tây Nguyên, từng có thời gian làm việc tại Israel và Đức nhưng từ bỏ nhiều cơ hội tốt để trở về quê khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm bún và nhiều sản phẩm từ gấc không chỉ chiếm được cảm tình của người dân trong nước và còn lan toả sang tận Đài Loan hay Mỹ.
Bỏ cơ hội tốt vì niềm đam mê
Đến thăm HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà của Lượng, chúng tôi đã chứng kiến được sự hối hả của chàng giám đốc 28 tuổi này cùng các công nhân để kịp đơn hàng bún, phở gấc giao cho khách hàng ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cũng như chuẩn bị cho lô hàng đi Đài Loan. Từ đây, quy trình sản xuất bún gấc cũng như con đường khởi nghiệp của Lượng cũng được hé mở.
Năm 2017, Trần Đình Lượng tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên ngành chăn nuôi thú y. Ra trường, chàng trai trẻ lại chuyển hướng sang làm nông nghiệp và đã có thời gian vừa học vừa làm tại Israel. Từ những kinh nghiệm học tập ở nước bạn, Lượng từ chối công việc với lương cao để trở về quê nhà, cùng nhiều nông dân ở Cư Jút, sáng lập nên HTX với mục tiêu sản xuất bún gấc. Chàng trai này có mong muốn tạo ra sản phẩm mới, góp phần tiêu thụ nguồn nguyện liệu gấc cho nông dân.
Đầu năm 2020, sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, Lượng cùng cộng sự đã cho ra đời sản phẩm Bún Gấc Thiên Nhiên. Sản phẩm không chỉ phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt, mà còn đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường mặt hàng tiêu dùng. Đưa sản phẩm ra thị trường, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía đại lý và khách hàng, nhóm của Lượng đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng để đi vào sản xuất sản phẩm, với mong muốn sản xuất ra một sản phẩm mang những đặc tính quý của trái gấc đến người tiêu dùng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, quả gấc có hàm lượng Lycopen cao gấp 70 lần cà chua hay Beta-caroten cao gấp 10 lần cà rốt mà không trái cây nào có được. Lượng và cộng sự thử nghiệm, triển khai canh tác ở vùng đất Đắk Lắk và Đắk Nông. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp ở khu vực Tây Nguyên, cây gấc phát triển tốt.
“Ở Israel, đất đai khá cằn cỗi, thiếu nước tưới tiêu.Tuy nhiên, họ đã cải tạo và phát triển nông nghiệp tốt. Khi trở về quê, em thấy đất đai màu mỡ nhưng những cây cà phê, hồ tiêu đang ngày càng héo mòn, giá cả bấp bênh nên em nghiên cứu và đưa cây gấc về trồng thử, cho năng suất cao nên mong muốn phát triển loại cây này, mang đến một giá trị tốt nhất cho nông dân, đồng thời mang lại một sản phẩm giúp sáng mắt, đẹp da.
Với sản phẩm sáng mắt, em nghiên cứu, chế biến thành các dòng sản phẩm đồ uống và thực phẩm nên có dầu gấc, bún gấc. Sản phẩm làm đẹp em hướng đến son gấc, xà bông gấc, sữa tắm gấc kết hợp với nghệ” – Trần Đình Lượng chia sẻ.
Nông dân cải thiện thu nhập
Nhóm của Lượng đã liên kết với các cơ sở, gia đình trồng gấc ở địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng gấc nhằm giúp nông dân cải thiện đời sống hơn, đồng thời HTX nhận bao tiêu các sản phẩm từ gấc để làm nguyên liệu sản xuất. Nông dân phát triển mô hình trồng cây gấc đã cải thiện thu nhập. Với giá thu mua từ 6.000-8.000đ/kg quả gấc tươi, bà con thu lãi về 150-200 triệu đồng/hecta/năm.
Quá trình sản xuất, để cho ra sản phẩm có màu sắc đồng đều, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất quanh năm, Lượng chọn sử dụng bột gấc sấy khô thay vì sử dụng gấc tươi. Gấc sau khi thu hoạch được tách bỏ hạt và vỏ để đem vào sấy, đạt đến độ ẩm, khô thích hợp được chuyển qua phòng tiệt trùng, hút chân không và bảo quản trong kho lạnh. Đối với nguồn nguyên liệu gạo, HTX Nam Hà của Lượng hợp đồng với một đơn vị sản xuất gạo sạch của vùng núi lửa Buôn Choah, huyện Krông Nô, đảm bảo số lượng hàng đủ sản xuất quanh năm.
Lượng không ngần ngại kêu gọi các cổ đông trong HTX xây dựng khu sản xuất, đầu tư trang thiết bị theo quy trình khép kín, theo tiêu chuẩn ISO 22000. Bột gấc được xử lý, chiết thành dung dịch trước khi trộn vào bột gạo để làm bún, phở.Bột sau khi được phối trộn với tinh gấc được đưa vào máy để ép thành bún, bánh phở.Bún được đưa sấy khô trước khi hút chân không và đóng gói.
Có thể thấy, bún gấc là sản phẩm kết hợp giữa bún gạo truyền thống và những tinh chất của trái Gấc. HTX của Lượng đã có nghiên cứu để mỗi khẩu phần luôn bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất và bảo quản được từ sáu tháng đến một năm, có thể dùng để xào, nấu lẩu hoặc dùng với các loại nước lèo. Bún từ gấc có thể dùng được cho tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già đều rất tốt. Và hơn hết là dễ dàng sử dụng và chế biến, có thể kết hợp được với nhiều món ăn tùy thích. Hiện, mỗi tháng, HTX này sản xuất hơn 1 tấn bún gấc phục vụ thị trường trong nước, được phân phối ở 30 đại lý, cửa hàng, nhà phân phối sản phẩm sạch trên toàn quốc. Ngoài ra, lượng lớn sản phẩm được Lượng xuất khẩu.
Không giấu được niền vui, Lượng cho biết với việc trồng gấc, người nông dân đã cải thiện được về thu nhập đáng kể so với trồng hồ tiêu, cà phê. Việc thành công với các sản phẩm từ gấc đã được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên, muốn thành công hơn nữa phải cần thời gian để tập tành cho thị trường. Trong khi nhiều thị trường quốc tế cần các sản phẩm từ gấc nên Lượng chọn cách xuất khẩu sang các thị trường chính như Hàn Quốc, Đài Loan và đơn hàng sang Mỹ khá lớn.
Trên thị trường hiện tại đã có không ít các sản phẩm cải tiến nâng cao giá trị món bún truyền thống như bún thanh long, bún gạo lứt, bún lá cẩm… Vì thế, bún gấc của Lượng xuất hiện trên thị trường đã giúp cho người tiêu dùng có thêm trải nghiệm về ẩm thực. Ngoài bún gấc, phở gấc, nhóm của Lượng còn nghiên cứu, làm ra dầu, tương, xà phòng gấc…
Thành công bước đầu đang tạo tiền đề cho HTX mạnh dạn sản xuất bún gấc và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm này. HTX có kế hoạch sẽ tăng lên sản xuất khoảng 42 tấn bún gấc/năm trong thời gian tới, tăng hơn 300% so với hiện tại. HTX cũng đang tính tới xây dựng thương hiệu bún gấc Đắk Nông, đồng thời đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)