Tôi đến với Workshop trước thềm Mekong Connect với vai trò là một chuyên gia CNTT nên tôi muốn nói nhiều hơn về công nghệ. Lâu nay, chúng ta hay thấy rằng khi những container tới biên giới thì hay gặp những sự cố không thông quan. Có nhiều lý do, nhưng có lý do khắc phục được, đó là thông tin. Khi áp dụng công nghệ, cung cấp cho người làm nông thông tin đầy đủ, chắc chắn kết quả sẽ khác đi.

Thực tế chứng minh rằng, có những thay đổi có tác dụng lớn dù bắt đầu từ những vấn đề rất nhỏ. CNTT giờ đây có thể đóng góp được trong hầu hết tất cả mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, nếu chúng ta bắt đầu chú ý tới việc đơn giản là cung cấp thông tin.

Tôi lấy một ví dụ: Nông dân bây giờ đại đa số ai cũng có điện thoại thông minh, nên nếu thông tin cập nhật ngay trên điện thoại thì ai cũng thích. Vấn đề là làm sao ta có một hệ thống có thể thu thập được tất cả những thông tin liên quan trong quá khứ, hiện tại, rồi thông qua trí tuệ nhân tạo, tổng hợp, phân tích… đưa ra những dự báo, lời khuyên cho nông dân với mức độ chính xác cao nhất.

Cho nên, trường quan tâm của tôi từ trước đến nay và cả sau này là cùng nhau tạo ra một nền nền tảng công nghệ, giúp cho nông dân có thông tin đầy đủ. Và nền tảng này phải vững bền. Ở đó, những người làm kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, họ phải là những người bắt tay nhau, xây dựng nền tảng đó, rồi biến nền tảng đó thành một sản phẩm co thể kinh doanh được.

Nông dân Việt cần được hỗ trợ từ doanh nghiệp, chính phủ để có thể tiếp cận được những thông tin quý báu cho việc sản xuất, phân phối sản phẩm của mình. Thật đau lòng khi hàng năm cứ phải nghe điệp khúc “giải cứu nông sản”.

Công nghệ số hoàn toàn có thể “gỉải cứu” nông dân thoát khỏi tình cảnh này. Hãy hình dung một nền tảng số tương tự như YouTube, nơi người nông dân kết nối, chia sẻ sản phẩm của mình. Nơi mỗi một người vào truy cập sẽ được các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ, và đoán biết được những nhu cầu thầm kín của họ, để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Trí tuệ nhân tạo, dựa trên dữ liệu mùa vụ thu thập được hàng năm, cũng làm nhiệm vụ thu thập các nguyên nhân gây nên những vụ việc cần “ứng cứu”, đồng thời nếu biết kết hợp cùng các chuyên gia dự báo trong mỗi lĩnh vực cụ thể, chúng có thể giúp đưa quyết sách phù hợp cho doanh nghiệp trong sản xuất, nuôi trồng hay phân phối sản phẩm ở thời điểm ngặt nghèo. Đó là bước đầu giản đơn và hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ, nhằm xây dựng một nền kinh tế nền tảng cho nông nghiệp.

Nông dân mình nhiều người đã tự mình học hỏi và sáng tạo với những thành công đáng nể, như chế tạo xe bọc thép cho Chính phủ Campuchia, hay chế tạo máy bay, thậm chí chế tạo tàu ngầm… Người Việt được đánh giá là một trong những dân tộc có khả năng học tập rất cao, giá như đức tính này được đồng hành cùng sự kiên trì và đam mê tạo ra những giá trị mới mẻ, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng đi tiên phong trong Cách mạng công nghiệp 4.0, khi sáng tạo và tốc độ là hai yếu tố quyết định thành công, cả trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số đã chứng minh được tầm quan trọng khi vừa mang lại giá trị cao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần tái tạo nông dân, doanh nghiệp, cũng như tạo nền tảng cho nền kinh tế, sản xuất bắt kịp xu hướng phát triển trong hiện tại cũng như tương lai. Tôi tin rằng, với công nghệ, kỹ thuật,  Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nước đang phát triển trong khu vực.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.000 lập trình viên có chất lượng và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường toàn cầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mặt khác, ít ai có thể ngờ những hệ thống phần mềm quản lý mới và có quy mô như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản trị hệ thống đường sắt của London (Anh) có sự tham gia của những lập trình viên và hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam. Từ đó cho thấy, nguồn nhân lực tại Việt Nam có thể đáp ứng được thị trường toàn cầu và giúp được rất nhiều nho nông nghiệp, nông dân Việt Nam.

(*) Nguyễn Bá Quỳnh là cái tên quen thuộc trong giới chuyên gia công nghệ, ông hiện nay là tổng giám đốc công ty công nghệ Global Cybersoft, và trước đó ông từng là quản lý cấp cao nhiều công ty đa quốc gia: IBM, Microsoft, Hewlett Packard, Schneider Electric…

B.S.A ghi