Tại Hội thảo “Xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc” do Hội DN HVNCLC tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit, với kinh nghiệm trên 20 năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chia sẻ 3 vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm.
“Đây là điều sai lầm, bởi Trung Quốc là thị trường đang phát triển mạnh, tổng thu nhập người dân tăng cao, tầng lớp giàu tăng nhanh. Vì thế chất lượng hàng hóa người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn, họ muốn được trải nghiệm nhiều hơn”, ông Viên nói.
Ông Viên khẳng định, Trung Quốc là thị trường của những người giàu có, tổng thu nhập hiện nay của người dân Trung Quốc khoảng 10.000 USD/năm, ở các thành phố lớn là gần 20.000 USD.
Mà những người giàu có họ rất khó tính trong chuyện ăn uống, nhất là người Trung Quốc họ còn nghiêm khắc và tỉ mỉ.
Đừng bao giờ nghĩ bán cho thị trường Trung Quốc là bán xá, như thế là thất bại, ông Viên cho hay.
Thứ hai, thị trường Trung Quốc rất lớn, hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia Đông Nam Á, khu vực và thế giới.
Điều đó cho thấy, để vào được doanh nghiệp Việt phải có sự cạnh tranh khốc liệt. Nếu không có một kế hoạch cạnh tranh về giá, phân phối…doanh nghiệp Việt sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
Điểm thứ ba ông Nguyễn Lâm Viên lưu ý đến doanh nghiệp Việt Nam, phải biết làm thương hiệu tại thị trường này.
“Một thị trường lớn mà chỉ bán xá, không làm thương hiệu, không biết cách bảo vệ mình thì khả năng thâm nhập vào hệ thống trực tuyến, hệ thống siêu thị không tốt được”.
Nói về hệ thống bán hàng online hiện nay ở Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết thêm, người dân Trung Quốc từ năm 2010 đã tiếp cận với hệ thống online, đến nay có trên 50% sức mua đến từ hệ thống này.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, hiện nay chỉ có 8 loại nông sản Việt được vào chính ngạch tại thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc còn rất nhiều nhu cầu về các loại nông sản khác, như: khoai, bí, dừa… Mà những loại trên Việt Nam dư thừa rất nhiều, nhưng vì không nằm trong danh sách được phép nhập chính ngạch, nên vẫn vào con đường tiểu ngạch không bền vững và giá thành thấp.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng, thị trường Trung Quốc hiện nay nhu cầu không chỉ nằm ở chất lượng thấp mà là ở chất lượng cao.
Ông Hòe khuyên các doanh nghiệp Việt Nam, nên xác lập rằng, hội nhập thế giới không phân biệt thị trường nào khó, dễ, mà cốt yếu là doanh nghiệp phải đảm bảo làm sao an toàn nhất cho người tiêu dùng.
Trần Quỳnh (BSA)