Ông Út Huy đến thăm vườn chuối của bà con Trảng Bom.

Đầu tháng 9, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao có hợp tác với đài truyền hình Đồng Nai tổ chức tọa đàm về chủ đề “Chuẩn chất là số 1” với sự tham gia của hai doanh nhân: Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Namilux và ông Võ Quan Huy, TGĐ Công ty Huy Long An.

Ông Võ Quan Huy mà mọi người quen gọi là ông Huy Long An, một đại gia nổi tiếng với trang trại trồng chuối hàng nghìn hecta, chuối có thương hiệu FOHLA xuất khẩu ổn định cho các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại tọa đàm, nông dân cũng là doanh nhân Võ Quan Huy bộc bạch: muốn sống và phát triển, điều đầu tiên là phải làm ăn tử tế. Hàng nông sản xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn mà mình cam kết với khách hàng. Khi công bố tiêu chuẩn thì mình phải tuân thủ tự nguyện và minh bạch-trung thực mới giữ được khách lâu dài.

Sau khi đài phát hình tọa đàm này, nông dân Trảng Bom đã nhờ đài kết nối với ông Huy, điều này vừa hay, trúng ngay mối quan tâm của ông Huy vì chuyện “giải cứu” chuối ở Đồng Nai từng được báo chí nói nhiều.

Tại các vườn chuối, ông Huy nói với nông dân: để ông mua chuối thì người chủ vườn buộc phải “làm đúng cách, đúng chuẩn” của Nhật – những khách hàng mua chuối của ông.

Nông dân Trảng Bom nói với ông: “Nhiều doanh nghiệp như ông Huy về đây liên kết với nông dân rồi mà cũng chẳng tới đâu”.

Qua cuộc thảo luận cũng có thể thấy, nguyên nhân cũng có phần do dân mình tuy đã ký hợp đồng nhưng khi thấy thương lái vô trả cao hơn là họ lại quay qua bán cho lái. Doanh nghiệp “không nỡ” kiện nhưng thấy sợ quá nên bỏ luôn chuyện hợp tác.

Trong buổi kết nối giữa ông Huy và nông dân lãnh đạo của huyện Trảng Bom dự đủ, và còn chuẩn bị bước kế tiếp là tổ chức cho 20 hộ trồng chuối của huyện đi thăm tận mắt vườn chuối 200 ha ở Long An của ông Út Huy vào hai ngày 6/9 tháng 11 tới đây.

Như vậy, qua một buổi tọa đàm trên truyền hình, ông Út Huy đã nhận được sự đồng tình, tin tưởng cao của bà con trồng chuối và cả lãnh đạo huyện Trảng Bom về cách làm “chuẩn chất”.

Đến đây, có lẽ cũng nên nhắc lại câu chuyện về người Nhật đến thực địa mà ông Út Huy kể trong buổi tọa đàm hồi tháng 9.

Đó là, cách người Nhật đến thực địa, cách họ hỏi nhật ký canh tác, sổ sách ghi chép hàng ngày, các loại vật tư sử dụng, họ xem từng món và… xem kỹ thùng rác để biết về các loại vật tư đã sử dụng.

Và hôm đó ông Út Huy đã chia bí quyết hợp tác thành công với người Nhật của ông là “thẳng thắn, minh bạch”.

“Họ hỏi, mình nói đúng. Họ chỉ chỗ sai, họ không vừa ý, mình hứa sửa, và thống nhất thời hạn hoàn thành. Tiêu chuẩn thực sự chính là sự minh bạch, trung thực” – ông Huy nói.

Hi vọng cũng sẽ có một sự hợp tác thành công giữa ông Út Huy với bà con trồng chuối Đồng Nai, như ông Út Huy đã hợp tác thành công với người Nhật. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự hình thành một chuỗi liên kết mới ở Trảng Bom, (Đồng Nai) kết nối với Long An.

Vũ Khánh