Hãng TV danh tiếng một thời giờ chỉ sản xuất các mẫu máy đắt tiền cho thị trường nội địa tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
Ngừng sản xuất TV giá rẻ tại các nhà máy Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ, chuyển mảng sản xuất sản phẩm rẻ tiền cho hãng TCL của Trung Quốc, đóng cửa hai trong số bốn nhà máy còn lại để cắt giảm chi phí cho mặt hàng không còn hái ra tiền như cách đây 40-50 năm… Panasonic, tập đoàn điện tử 103 tuổi của xứ hoa anh đào, đang tách dần khỏi sản xuất truyền thống, giảm sở hữu tài sản cố định để chuyển sang các loại tài sản vô hình, giá trị cao.
Lặng lẽ kiếm tiền khi qua thời vang bóng
Hồi tháng 5 rồi, Panasonic ký thỏa thuận với TCL, hãng sản xuất TV lớn thứ ba trên thế giới. Theo hợp đồng chuyển nhượng, TCL sẽ sản xuất phần lớn các mẫu TV giá rẻ của Panasonic thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ từ năm tới. Panasonic và TCL đang tìm cách hợp tác để mua trữ và phát triển màn hình TV lớn – vốn chiếm tỷ trọng vốn lớn trong giá thành sản xuất.
Panasonic bắt đầu sản xuất chiếc TV đầu tiên năm 1952 – cột mốc của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng và công nghệ truyền hình. Nhưng với thỏa thuận outsourcing mới, hãng TV danh tiếng sẽ chỉ sản xuất 1 triệu máy mỗi năm – chỉ bằng 5% so với sản lượng đỉnh điểm của hãng. Các loại TV do chính Panasonic sản xuất sẽ giảm đi phân nửa, còn khoảng 30%.
Thỏa thuận này cũng đánh dấu bước lùi của ngành công nghiệp sản xuất TV, từng là trụ cột của công nghiệp sản xuất và chế tạo Nhật Bản.
Panasonic đã chấm dứt sản xuất TV tại Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ trong năm tài chính 2020. Hãng sẽ đóng cửa các xưởng ở Brazil trong năm nay và Cộng hòa Séc vào cuối tháng 3-2022, và chỉ duy trì hai nhà máy ở Malaysia và Đài Loan. Hãng sẽ tiếp tục sản xuất các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao, chẳng hạn như mô hình diode phát quang hữu cơ dành cho gia đình.
Panasonic đã công bố các khoản lỗ liên quan đến việc đóng cửa nhà xưởng trong doanh thu của năm tài chính này. Nhưng hãng nói rằng các khoản lỗ này không có tác động đáng kể.
Panasonic đã tụt hậu so với các tập đoàn đối thủ Nhật Bản khác trong việc xóa bỏ, cắt giảm hay bán các mảng kinh doanh không có lãi. Mảng sản xuất TV của hãng đã thua lỗ trong hai năm tài chính 2018 và 2019 liên tiếp. Bước sang năm tài chính 2020, hãng lại kém may mắn do nhu cầu mua TV của người dân buộc phải ở nhà trong dịch cũng giảm đi, không như xu hướng gia tăng của các thiết bị điện tử. Panasonic kết luận rằng “hoạt động kinh doanh khó tiếp tục có lãi nếu không tái cấu trúc hơn nữa”.
Panasonic đã đầu tư rất nhiều vào màn hình plasma trong những năm 2000, tìm cách tăng trưởng thông qua sản xuất tích hợp theo chiều dọc, từ màn hình đến công đoạn lắp ráp cuối cùng. Hãng đã xem màn hình plasma như là động cơ tăng trưởng trung tâm.
Khoản đầu tư lớn cho màn hình plasma tỏ ra tốn kém, không hiệu quả khi màn hình tinh thể lỏng (LCD) xuất hiện tràn lan trên thị trường, góp phần dẫn đến khoản lỗ ròng vượt quá 700 tỉ yen (theo thời giá hiện nay là 6 tỉ đô la) trong hai năm tài chính 2011 – 2012.
Các biện pháp tái cấu trúc, chẳng hạn như rời bỏ thị trường Mỹ và Trung Quốc, đôi lúc lại cho phép Panasonic kinh doanh có lãi. Nhưng lợi nhuận nhất quán tỏ ra khó nắm bắt, một phần do Panasonic đã chậm giao các công đoạn của quy trình sản xuất cho các công ty chuyên biệt hơn.
Theo hãng nghiên cứu Omdia của Anh, thị phần của Panosonic trên thị trường toàn cầu đã giảm từ 10% năm 2005 xuống chỉ còn khoảng 1% hiện nay.
Việc gia công sản xuất các mẫu máy giá rẻ của TCL giúp thương hiệu Panasonic đến với nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn. Nhưng trong tương lai, “chúng tôi sẽ chỉ lặng lẽ kiếm tiền ở những nơi chúng tôi có thể”, một giám đốc điều hành của Panasonic nói với Nikkei Asia.
Panasonic vẫn chiếm 10% thị phần tại Nhật Bản và vẫn là một đối thủ đáng gờm so với Sharp và Sony. Giữ chắc thị phần nội địa là trung tâm của các kế hoạch cải tổ Panasonic, cho dù thị trường quê nhà cũng không kém phần sóng gió.
Hisense của Trung Quốc, công ty mua lại hoạt động mảng sản xuất TV của Toshiba cách đây vài năm, đã giành được thị phần tại Nhật Bản. Những hãng mới hơn như nhà sản xuất đồ nhựa và điện gia dụng Iris Ohyama cũng đã có được chỗ đứng. Nếu như Panasonic không đạt được lợi nhuận ổn định mà hãng đã vạch ra, một lần nữa tập đoàn buộc phải tính đến các biện pháp mạnh mẽ và cứng rắn hơn.
Panasonic và các hãng điện tử khác của Nhật Bản đang theo đuổi chiến lược tập trung vào tài sản tinh gọn, giá trị cao như quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu… Ảnh: Reuters
Theo đuổi chiến lược tài sản vô hình
Panasonic sẽ sở hữu nhiều tài sản phi vật thể (hay tài sản vô hình) hơn tài sản cố định lần đầu tiên vào cuối năm tài chính này khi tập đoàn chuyển trọng tâm đầu tư từ sản xuất truyền thống sang các lĩnh vực như phần mềm chẳng hạn.
Tập đoàn dự định các loại tài sản phi vật thể sẽ “phình” to đến 900 tỉ yen (7,9 tỉ đô la) trong năm tài chính hiện tại từ thương vụ thâu tóm hãng phần mềm Blue Yonder của Mỹ, bao gồm cả lợi nhuận thương hiệu. Số tài sản phi vật thể này đã vượt xa cột mốc 1.000 tỉ yen, trong khi tài sản cố định của hãng chỉ đạt 1.060 tỉ yen.
Panasonic là một trong nhiều các hãng điện tử, bao gồm cả tập đoàn Sony, đang theo đuổi chiến lược tài sản tinh gọn (asset light strategy).
Thượng vụ sáp nhập Blue Yonder trị giá 770 tỉ yen là dấu hiệu cho sự chuyển dịch này. Panasonic chế tạo phần mềm quản lý chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất và các công ty logistics, với Starbucks và Renault là khách của tập đoàn chẳng hạn. Panasonic kiếm 70% doanh số từ việc đăng ký sử dụng phần mềm. Kế hoạch của hãng là mở rộng mô hình kinh doanh này với các đặc tính mới như camera Panasonic.
Bên cạnh mở rộng danh mục tài sản phi vật thể, Panasonic cũng đã loại bỏ các tài sản vật lý kiếm lợi nhuận kém. Hồi tháng 4-2020, hãng tách mảng kinh doanh pin lăng trụ xe hơi thành một công ty liên kết theo phương thức vốn chủ sở hữu, loại bỏ các tài sản cố định khỏi bản cân đối kế toán. Panasonic cũng chấm dứt sản xuất pin mặt trời và màn hình tinh thể lỏng LCD trong năm tài chính 2020.
Các bước đi này bảo đảm rằng bản cân đối tài chính sẽ nghiêng từ tài sản hữu hình sang tài sản vô hính – Panasonic lý giái.
“Với các thay đổi trong danh mục kinh doanh, đầu tư của chúng tôi trong mảng sở hữu trí tuệ và sáp nhập sẽ tăng trưởng mạnh so với mảng thiết bị”, Giám đốc tài chính (CFO) Hirokazu Umeda giải thích.
Trong khi Yasuo Nakane của hãng chứng khoán Mizuho Securities khuyến cáo rằng thương vụ Blue Yonder có nguy cơ dẫn đến “sự suy giảm lợi thế thương mại trong tương lai”, thì Umeda cho rằng ít có nguy cơ mất trắng từ thương vụ nay. “Nền tảng doanh thu của Blue Yonder ổn định”, ông nói.
Quá trình chuyển đổi tương tự đang diễn ra trong ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Tập đoàn Sony đã ghi nhận số tài sản vô hình trị giá đến 1.820 tỉ yen, bao gồm lợi nhuận thương hiệu đến cuối tháng 3-2021 vừa rồi – gần gấp đôi số tài sản cố định 985,4 tỉ yen. Tỷ trọng trung bình tài sản vô hình tại 50 hãng điện tử lớn của Nhật Bản đang tăng đều đặn.
Báo cáo năm 2017 của Bộ Công nghiệp Nhật Bản chỉ ra rằng “các nguồn thu nhập đã chuyển từ tài sản hữu hình… sang tài sản vô hình”. Bộ này cũng lưu ý rằng đầu tư tại Mỹ và châu Âu đã tiến xa theo hướng đó so với Nhật Bản.
“Trong khi Mỹ và các nước khác đã chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của họ để tập trung vào phần mềm, thì sản xuất truyền thống vẫn phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản. Xu hướng đầu tư vào tài sản cố định đang diễn ra mạnh mẽ, báo cáo của Bộ Công nghiệp nhấn mạnh.
Ricky Hồ / KTSG Online

Nông sản Thái Lan bị hư hại khi Trung Quốc giam hàng ở cửa khẩu