Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều loại nông sản chất lượng tốt, nhưng lại không thể hoặc ít bán trên thị trường quốc tế hay xuất khẩu, bởi có nhiều vấn đề còn tồn tại trong đó.
Đó là nhận định của Phó giáo sư – Tiến sĩ Đàm Sao Mai, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, ĐH Công Nghiệp TPHCM, trong một cuộc trò chuyện mới đây trên truyền hình Đồng Nai liên quan đến nội dung “tiêu chuẩn & hội nhập”.
Thoe Tiến sĩ Đàm Sao Mai, dưới đây là “3 vấn đề” của nông sản Việt:
Thứ nhất là Việt Nam đang bán cái gì mình có, chưa phải là cái gì người ta (thế giới) cần.
Thứ hai, làm sao có thể vận chuyển đi xa mà vẫn đảm bảo được chất lượng. Như muốn xuất hàng đi châu Âu, vấn đề vận chuyển tối thiểu cũng mất hơn 20 ngày, sau đó là thời gian bảo quản bán hàng. Nhưng nông sản của Việt Nam lại không có cách bảo quản được lâu.
“Muốn để được lâu người ta cho hóa chất vào, nhưng thị trường không chấp nhận, họ yêu cầu phải chọn lọc, chứ không phải muốn cho gì vào bảo quản thì cho”, tiến sĩ Mai nói.
Vấn đề thứ 3 là chế biến. Chế biến của Việt Nam hiện đang rất yếu, tại sao như thế?.
“Chúng ta có thể có công nghệ sản xuất nhưng lại không đủ vùng nguyên liệu. Bởi mỗi nông dân trồng một diện tích nhỏ nên không đủ lượng cần thiết”.
Vậy nhà quản lý sẽ phải làm gì, tiến sĩ Đàm Sao Mai cho rằng, nên xác định rõ trồng cái gì, xác định vùng nguyên liệu có nghĩa là khu trồng đó phải đủ lượng để chế biến. Đồng thời phải đảm bảo rằng, nếu như nông dân trồng thì phải có đầu ra.
“Chứ không để tình trạng người nông dân thấy chỗ này trồng được cũng trồng, thành ra dư thừa”.
“Bài học giải cứu chuối, ớt, thanh long, dưa hấu, vải…diễn ra rất nhiều”.
Theo tiến sĩ Đàm Sao Mai, bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đảm bảo chất lượng về vùng nguyên liệu trồng, như dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phân bón sinh học, organic, sạch… mới được lưu thông trên thị trường.
Với tư cách là một nhà khoa học, tiến sĩ Mai cho hay, người làm nghiên cứu rất chú trọng trong vấn đề phụ phẩm nông sản. Như thanh long không chỉ có ruột, mà vỏ cũng có nhiều giá trị. Còn lúa gạo, còn là nước gạo, sản phẩm lên men từ gạo… để mở rộng đưa ra thị trường. Hay như mít có thể làm mít sấy, bột sơ mít, bánh, rượu từ mít…cái này doanh nghiệp sẽ giỏi hơn.
Nên rất cần doanh nghiệp để kết nối, đưa ra thị trường.
“Cũng không phải tất cả các sản phẩm là thị trường đều chấp nhận. Bởi mình thấy hay nhưng thị trường có chấp nhận hay không lại là vấn đề khác”, tiến sĩ Mai nói.
Theo tiến sĩ Đàm Sao Mai, hiện tại trường đang rất cố gắng kết nối với doanh nghiệp để đưa công nghệ vào.
Nhưng khó khăn là hiện nay doanh nghiệp và nhà khoa học không “gặp nhau” được.
“Tức là nhà khoa học thì đưa ra được ý tưởng và muốn nhà khoa học cấp kinh phí để làm, nghiên cứu.
“Nhưng doanh nghiệp cho rằng, họ chưa biết máy móc, thiết bị hay công trình nghiên cứu đó như thế nào đâu để cấp kinh phí”.
“Chúng tôi làm theo cách là phát triển sản phẩm, đưa ra sản phẩm demo để doanh nghiệp lựa chọn xem phù hợp hay không, nếu đồng ý sẽ ký kết tiếp và tiến hành hoàn thiện, chuyển giao sản phẩm đẩy ra thị trường”.
Theo tôi phải có sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và đơn vị quản lý.
Cuối cùng, tiến sĩ Mai tin rằng, những nông dân thế hệ mới bây giờ họ đang có những suy nghĩ để làm sao có những cách làm nông nghiệp thông minh. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho nền nông nghiệp Việt Nam. Đó là con đường để nông sản Việt ra thế giới bằng chất lượng.
Trần Quỳnh – BSA