Thống kê của Yield Guild Games, đến đầu tháng 5/2022, thị trường Việt Nam có khoảng 1.000 dự án game blockchain đang triển khai. Nổi bật nhất là Sky Mavis với game Axie Infinity, từng có tổng giá trị vốn hóa đạt 9,7 tỷ USD. Khoảng 10 startup Việt trong lĩnh vực blockchain hiện có vốn hóa trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, đa số đặt trụ sở ở nước ngoài trong khi thị trường và nhân lực hầu hết đều ở Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung được diễn giả chia sẻ tại buổi Ăn trưa làm việc, diễn ra vào trưa 25/8/2022 tại TP.HCM. Chương trình do CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA tổ chức với 20 đại diện là lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc CLB LBC tham dự.
Về bức tranh đầu tư blockchain tại Việt Nam, các diễn giả cho rằng, xu thế ứng dụng và đầu tư vào blockchain hiện nay tại Việt Nam phần lớn ứng dụng vào lĩnh vực tiền mã hóa, gây nên sự hiểu lầm của nhiều người về blockchain và sự nghi ngại của chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ đã có các định hướng về phát triển kinh tế số trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm SandBox, đây được xem là bước dọn đường để có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.
Ở thị trường Việt Nam, blockchain đang có sự chuyển dịch đến các ứng dụng non-crypto như dịch vụ, logistics, nông nghiệp, sản xuất. Ứng dụng được quan tâm nhiều là quản lý chuỗi cung ứng, tiếp theo là bảo hiểm, y tế, bất động sản và cuối cùng là định danh điện tử.
Chuyên gia Đào Tiến Phong – Luật sư Điều hành, Chuyên gia tư vấn và đầu tư blockchain và startup
Chuyên gia Đào Tiến Phong – Luật sư Điều hành, Chuyên gia tư vấn và đầu tư blockchain và startup cho biết, blockchain mang tới cho các doanh nghiệp sự minh bạch, cắt bỏ những khâu cũng như đơn vị trung gian, đơn giản hóa bộ máy, từ đó giúp tăng hiệu quả và tốc độ vận hành của hệ thống quản trị. Thí dụ như ở ngành tài chính, áp dụng blockchain sẽ tạo sự minh bạch cho cả hệ thống cũng như trong suốt quá trình làm việc giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, khách hàng… Đối với mảng ngân hàng, ứng dụng blockchain giúp tăng độ minh bạch và an toàn trong việc nhập dữ liệu khách hàng.
Trong khi đó, ngành y tế, ứng dụng blockchain sẽ cải thiện chất lượng cũng như tăng độ an toàn và đơn giản hóa việc lưu trữ hồ sơ bệnh nhân với lịch sử bệnh lí và phương pháp điều trị chi tiết cho từng bệnh viện và trong trao đổi thông tin giữa các bệnh viện với nhau. Ngành giáo dục, dữ liệu của học viên được sao lưu ngay từ khi bắt đầu quá trình học một cách rõ ràng, minh bạch. Đối với ngành sản xuất, dây chuyền công nghệ blockchain có thể giúp giám sát quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, số lượng hàng tồn kho,…
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (Block), chúng được liên kết (chain) với nhau nhờ mã hóa. Các khối thông tin này hoạt động độc lập và có thể mở rộng theo thời gian. Chúng được quản lý bởi những người tham gia hệ thống chứ không thông qua đơn vị trung gian. Khi một khối thông tin được ghi vào hệ thống blockchain thì không có cách nào thay đổi được. chỉ có thể bổ sung thêm khi đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng đã có nhiều định hướng liên quan đến blockchain, xuất phát từ những quy định pháp lý liên quan. Theo đó, blockchain chỉ là một công nghệ như bao công nghệ khác, chẳng qua nó có đặc trưng riêng và có sự đột phá. Do vậy không cần có bất kỳ quy định nào về công nghệ blockchain ở đây cả. Vấn đề chỉ là khi các ứng dụng mới xuất phát từ công nghệ blockchain, chưa được luật pháp hiện hành điều chỉnh thì tuỳ theo ứng dụng đó, chúng có thể bị cấm, chưa được cho phép, chưa có quy định và phần lớn chúng được coi là rơi vào “vùng xám”.
Từ năm 2017 tới nay có hơn 10 văn bản pháp lý có liên quan từ Chỉ thị, Nghị quyết đến Quyết định, trong đó đáng lưu ý là các văn bản như: Quyết định QĐ số 942/QĐ-Ttg ngày 15/6/2021  phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; Lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain); Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối. Năm 2020, Bộ tài chính ban hành quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020, thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định “QĐ 411/QĐ-TTg”  phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối  (blockchain).

Một số hình ảnh tại buổi “Ăn trưa làm việc chủ để Ứng dụng blockchain trong sản xuất và Bức tranh đầu tư blockchain tại Việt Nam