Công nhân một trang trại trồng chuối ở Mindanao, Philippines. Chuối là mặt hàng nông sản quan trọng nhất của Philippines với kim ngạch xuất khẩu hiện trên 1 tỉ đô la. Ảnh: Reuters

Philippines đã chính thức yêu cầu các nhà bán lẻ Nhật Bản nâng giá mua chuối bởi chi phí sản xuất và hậu cần tăng cao đang đè nặng nông dân Philippines.

Trong một động thái hiếm hoi, hôm qua Đại sứ quán Philippines tại Tokyo đã yêu cầu Hiệp hội các nhà bán lẻ Nhật Bản hợp tác điều chỉnh giá chuối để phản ánh sự gia tăng gần đây của chi phí, thúc giục người tiêu dùng và nhà bán lẻ Nhật Bản chia sẻ gánh nặng lạm phát. 

“Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng sản lượng và gia tăng các chi phí. Sẽ là không thực tế và không công bằng cho nông dân trồng chuối của Philippines nếu duy trì hiện trạng này”, Đại sứ Jose C. Laurel V nói với báo chí tại Tokyo.

Đây là lần đầu tiên Philippines đưa ra yêu cầu như vậy, và thông qua kênh ngoại giao. Đại sự Laurel cũng nói rằng ông cũng sẽ đặt vấn đề với các nhà kinh doanh khác trong chuỗi cung ứng chuối tại Nhật Bản.

Chuối là nông sản quan trọng nhất của Philippines với diện tích lên đến 450.000 ha trong năm 2020. Sản lượng chuối hiện đạt 3-4 triệu tấn mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la mỗi năm.

Philippines chiếm khoảng 80% lượng chuối nhập khẩu của Nhật Bản, vượt xa quốc gia thứ hai là Ecuador nhờ vị trí địa lý gần gũi. 

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines, nước này đã xuất khẩu 489 triệu đô la chuối tươi và các sản phẩm chuối chế biến sang Nhật Bản trong năm 2021, thị trường lớn nhất của chuối Philippines. Trung Quốc là thì trường nhập khẩu lớn thứ hai với 388 triệu đô la, và kế đến là Hàn Quốc với 139 triệu đô la.

Tùy viên nông nghiệp Jose I. C. Laquian của Đại sứ quán Philippines nói rằng Philippines có thể đưa ra yêu cầu tương tự đối với các thị trường lớn khác. Ông Laquian nói thêm rằng các nước khác “sẽ có thể làm theo cách Nhật Bản quản lý giá cả thị trường trong nước”.

Không đề cập đến mức tăng mà phía Philippines mong muốn, nhưng ông Lacquian nhấn mạnh rằng: “Bảo vệ chuỗi cung ứng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản bởi làm như vậy thì Philippines có thế sản xuất và xuất khẩu chuối”.

Yêu cầu của phía Philippines được đưa ra trong bối cảnh lạm phát lương thực và năng lượng đang đè nặng lên đời sống người dân Philippines, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới.

Stephen Antig, giám đốc điều hành của Hiệp hội những nhà trồng và xuất khẩu chuối Pilipino, nói rằng việc tăng giá là rất quan trọng đối với nông dân Philippines, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, sâu bệnh cũng như chi phí sản xuất và hậu cần tăng cao.

“Chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao đến mức một số hội viên của chúng tôi đã phải ngừng hoạt động. Trong 10 năm qua, giá chuối ở Nhật Bản không thực sự thay đổi hay biến động nhiều như các loại trái cây khác”.

Ông Antig cũng cho biết hiệp hội vẫn chưa họp chính thức để xác định mức tăng giá mà họ sẽ yêu cầu.

“Chúng ta có đồng ý với việc tăng thêm 2 đô la mỗi hộp không, hay con số đó quá nhỏ? Nếu bạn hỏi tôi, có lẽ mức tăng khoảng 5 đô la là hợp lý”, Antig nói. Một hộp chuối thường có khối lượng 12,5 ký.

Yêu cầu của Philippines về việc tăng giá bán lẻ chuối ở Nhật Bản chỉ có thể thành công nếu các doanh nghiệp cá nhân thuộc chuỗi cung ứng đàm phán lại các thỏa thuận mới.

Người phát ngôn của Hiệp hội các nhà bán lẻ Nhật Bản nói với Nikkei Asia rằng sẽ chuyển yêu cầu của Đại sứ quán Philippines tới các thành viên của hiệp hội và cũng lưu ý rằng “hiệp hội không có nhiệm vụ hướng dẫn các công ty riêng lẻ về giá cả”.

Các loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm trong năm tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, chuối lại là nông sản có những bước phát triển vượt bậc. Trong năm tháng qua, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói rằng Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam trong thời gian tới. Đầu tiên là ví trí địa lý gần hơn các nước khác. Diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, dẫn đến nhập khẩu gia tăng. Bệnh khô lá chuối Panama cũng khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh. 

Tuy vậy, nhiều lô hàng chuối xuất khẩu của Việt Nam đã bị Trung Quốc không đảm bảo vấn đề sâu bệnh, ngoài ra một số lô hàng chuối xuất khẩu của Gia Lai cũng bị Hải quan Trung Quốc phát hiện có virus Covid. 

Ricky Hồ / BSA

Đĩa cơm gà Singapore sẽ trở nên đắt đỏ khi Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà