Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Bằng nhiều cách tiếp cận, Mekong Connect từ 2015 đã đi qua các chủ đề “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”, “Tìm cơ trong Nguy”, “Phát triển tài nguyên bản địa” và nhiều hội thảo chuyên sâu về Khởi nghiệp, Đổi mới, Sáng tạo. Là tỉnh chủ nhà Mekong Connect 2017, ông đánh giá thế nào về hiệu quả, giá trị của những gợi ý, kiến giải từ những diễn đàn, hội thảo này?

Ông Nguyễn Hữu Lập: Nếu như ba năm trước khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm xa lạ thì sau những nổ lực chia sẻ của các chuyên gia cùng các hoạt động hỗ trợ, khởi nghiệp đã thành phong trào ở Bến Tre. Từ vị thế tự ti, không hình dung được phải bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu, giờ đây nhiều người dân Bến Tre đang chủ động “xâm nhập thị trường”.

Các chuyên gia, đơn vị hỗ trợ đã truyền cảm hứng để Bến Tre xác định “tài nguyên bản địa” của mình là gì, từ đó tìm ra và biết cách phát huy nội lực của mình. Với cách tiếp cận đó cùng với sự quyết tâm vào cuộc của mọi cấp, mọi giới, Bến Tre ngày càng xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp, ngày càng xuất hiện những mô hình đổi mới sáng tạo. Tôi tự hào về điều đó và đánh giá cao vai trò của của chuyên gia, những cơ quan hỗ trợ trong việc đánh giá, gợi ý, góp ý, định hướng… Tất cả đã góp phần thay đổi tích cực tư duy của “cả một thế hệ”.

Hiện nay ở Bến Tre, tinh thần khởi nghiệp đang “hừng hực”, các bạn trẻ, thanh niên và doanh nhân Bến Tre đang ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn sau khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để chủ động gầy dựng sự nghiệp hoặc tiếp tục bước đi.

Ông có thể nói sâu hơn về nhóm đề tài mà Bến Tre được giao nghiên cứu để chia sẻ tại Mekong Connect 2019?

Với Mekong Connect 2019, Bến Tre được giao nghiên cứu đề tài “Liên kết khởi nghiệp và Phát triển trên nền tài nguyên bản địa”. Qua kinh nghiệm hơn ba năm triển khai chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, Bến Tre đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Hệ sinh thái đó bao gồm nhiều thành tố: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp; Hội đồng bảo trợ khởi nghiệp; Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu; Câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong; Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Bến Tre. Trong đó, mỗi thành tố đều đóng một vai trò quan trọng, tương hỗ nhau cùng phát triển hệ sinh thái ngày càng hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, để Hệ sinh thái khởi nghiệp Bến Tre ngày hoàn thiện, từng bước kiến tạo và xây dựng Bến Tre trở thành “Địa phương khởi nghiệp” thì cần thiết phải có sự liên kết với mạng lưới khởi nghiệp của vùng, khu vực và  quốc gia. Đồng thời, cần có sự chia sẻ giữa cộng đồng khởi nghiệp, sự hỗ trợ từ chính quyền, các trường – viện, các nhà khoa học – nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư và quỹ đầu tư khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp của các địa phương trong vùng.

Cho nên, Bến Tre cũng kỳ vọng sẽ cùng với các tỉnh ABCD Mekong đi tiên phong trong việc xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp của vùng, đưa các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của vùng ĐBSCL ngày càng phát triển để thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương nói riêng và của khu vực nói chung.

Đó là lý do vì sao chúng tôi thống nhất chọn “Liên kết khởi nghiệp và Phát triển trên nền tài nguyên bản địa” là một trong 4 chủ đề để thảo luận sâu tại Diễn đàn Mekong Connect 2019.

Bến Tre chúng tôi đang có thế hệ doanh nhân mới đầy tiềm năng, nhiệt huyết, hoài bão trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp của tỉnh phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện mình để kịp thích nghi với sự thay đổi này.

Với những lợi thế đang có, chúng tôi kỳ vọng “tài nguyên bản địa” của quê hương Đồng Khởi khi liên kết với các tỉnh, kết hợp sức mạnh “công nghệ”, “trí tuệ”… sẽ tạo ra sức mạnh mới, giá trị mới cho ĐBSCL.

Theo ông, yếu tố nào mang tính quyết định nhất đối với phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp”?

Bến Tre sẽ không có Hệ sinh thái khởi nghiệp như ngày hôm nay nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và tinh thần “quả cảm” của cộng đồng, từ nông dân, phụ nữ đến thanh niên. Vừa ban hành chính sách, vừa truyền thông, chúng tôi đã khơi dậy tình yêu quê hương, khơi dậy nhu cầu làm giàu chính đáng trong mỗi con người với “tinh thần Đồng Khởi” trên mặt trận kinh tế.

Bến Tre đã xây dựng được các mô hình để phục vụ và thúc đẩy phong trào: (1) Bàn tròn khởi nghiệp; (2) Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong; (3) Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp; (4) Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp; (5) Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Ông kỳ vọng gì ở Mekong Connect 2019?

Đã đến lúc cần hình thành khung hành động chung mang tính hợp tác toàn diện, đưa khởi nghiệp của Bến Tre và khu vực ĐBSCL thành điểm sáng trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia và khu vực trong tương lai. Và như vậy, Mekong Connect không chỉ thảo luận sâu, đưa ra những kiến giải cho các vấn đề khu vực mà còn đóng vai trò kết nối, vi mô lẫn vĩ mô để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Không chỉ cấp địa phương, mà qua Diễn đàn, Mekong Connect sẽ xúc tiến, kết nối, khơi dòng để công nghệ, trí tuệ từ bên ngoài “chảy” về ĐBSCL, đồng thời mở lối cho hàng hóa, nông sản, sản phẩm khởi nghiệp từ ĐBSCL ra bên ngoài.

Cám ơn ông!

Cẩm Trúc (thực hiện)