Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Ảnh TL

Chủ đề chính và các đề tài nghiên cứu của Mekong Connect năm nay được bàn luận rất kỹ trong Nhóm ABCD Mekong “An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp” với sự hợp tác của Hội DN.HVNCLC, Trung tâm BSA và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC. Chúng tôi phân công mỗi địa phương chịu trách nhiệm xây dựng và chủ trì thảo luận từng nhóm đề tài để tập trung nguồn lực tốt nhất.

4 nhóm đề tài nghiên cứu sâu là: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng; Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng;  Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị;  Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa. Theo tôi, nhóm đề tài nào cũng đáng quan tâm bởi nó có mối liên hệ gắn kết lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình liên kết chuỗi.

Theo đó, muốn nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản thì phải có dự báo, nắm bắt được xu hướng thị trường để định hướng sản xuất, chế biến nông sản. Quá trình thương mại hóa đó cũng cần phải ứng dụng công nghệ trong tất cả các công đoạn từ sản xuất đến lưu thông và chính điều đó  cần đến sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp mới để khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên bản địa. 

Những diễn biến bất lợi từ biến đổi khí hậu đang diễn ra trên diện rộng, theo ông, hợp tác trong tương lai nên như thế nào để thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo trong từng địa phương và phát triển mối liên kết có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhằm giảm bớt rủi ro, khai thác tốt nhất mọi cơ hội khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng những biến đổi khí hậu? 

Ông Trương Quang Hoài Nam: Nhóm ABCD Mekong đã và đang thực hiện khá tốt vai trò người tạo lập diễn đàn để chia sẻ, đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, sự hợp tác mới gói trong 4 tỉnh/thành phố với sự kết nối của Hội DN.HVNCLC, Trung tâm BSA và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC hợp tác của BSA và LBC.

Nhóm ABCD Mekong chúng tôi ý thức rằng rằng nếu chỉ dừng lại ở 4 thành viên thì sẽ gặp nhiều nhiều khó khăn và hạn chế cho hợp tác liên kết cả vùng ĐBSCL. Cho nên chúng tôi đã thảo luận cùng Hội DN.HVNCLC và đi đến thống nhất mục tiêu của Mekong Connect trong thời gian tới là thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập căn cơ và phát triển bền vững, ở cấp độ vĩ mô (nhiều địa phương) và vi mô (mạng lưới doanh nghiệp), thu hút và tối ưu hóa  nguồn lực tri thức cho khu vực, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dựa vào thế mạnh bản địa và công nghệ.

Ví dụ ngay bây giờ, để hợp tác phát triển với Bến Tre thì không có cách nào khác An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp phải có sự kết nối thông qua Vĩnh Long và Trà Vinh.  

Là người luôn quan tâm tới khả năng hội nhập của doanh nghiệp và phát triển ý tưởng mới, ông nhận xét như thế nào về hiệu quả từ những nỗ lực chia sẻ của Diễn đàn Mekong Connect qua các năm?

Nhóm ABCD Mekong chỉ là tác nhân thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến cộng đồng chứ không thể thay mặt cộng đồng chấm điểm chính mình. Có lẽ câu hỏi này nên được trả lời bởi các doanh nghiệp hoặc bà con nông dân, những đối tượng thụ hưởng từ các hoạt động của Diễn đàn Mekong Connect.

Tuy nhiên, chủ quan mà nói thì tôi thấy có khá nhiều tín hiệu lạc quan từ các hoạt động này, ví dụ như các hoạt động “liên kết”. Sau quá trình chia sẻ thông tin và phân tích xu hướng phát triển qua các kỳ diễn đàn như  “Tìm cơ trong nguy” đã nhận diện được những khả năng “phát triển tài nguyên bản địa” chúng ta đã có nhiều giải pháp, chủ trương để “khơi dòng”, kích hoạt… để đến nay các tỉnh đều có những mô hình hiệu quả để giới thiệu.

Từ chủ đề thảo luận tại Mekong Connect trước đây ở Bến Tre là “Sen – Du lịch” thì nay các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đã hiển hiện nhiều nơi. Một nhà vườn có thể không phải là một điểm dừng chân cho du khách. Nhưng một tập hợp 30 nhà vườn biết tổ chức “thông vườn” với những “bữa cơm cộng đồng” – mỗi nhà một món ăn có thể gây xúc động cho rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Một cái cồn nhỏ trên sông, nơi vài chục hộ gia đình nông dân nghèo khó sinh sống có thể sẽ tiếp tục nghèo khó và chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền. Nhưng cũng chính cái cồn đó mà người dân – doanh nghiệp biết liên kết thì trở thành một loại “tài nguyên bản địa” mà những nơi khác không thể có được. Mối liên kết đó có thể mang lại hàng chục triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng cho một gia đình. 

Sẽ có nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo được chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2019. Theo ông nên làm tiếp những gì để phát triển nguồn lực sáng tạo này? 

Sức sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp là vô cùng lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, hoạch định chính sách để khai thông sức sáng tạo. Nhóm ABCD Mekong là tác nhân thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến cộng đồng, tạo lập diễn đàn để các ý tưởng, mô hình được trình bày và chia sẻ. 

Xin cảm ơn ông! 

Nam Hương (thực hiện)