Tiêu điểm:

Quả dâu 10 đô giúp thị trấn Nhật Bản hồi sinh sau sóng thần

Tràn đầy sức sống và có giá 10 USD/quả, giống dâu tây cao cấp hiện đang giúp một thị trấn tại Nhật Bản phục hồi sau những ảnh hưởng từ trận động đất và sóng thần Tohoku, đã phá hủy gần như toàn bộ nền nông nghiệp của khu vực này cách đây một thập kỷ trước.

Thị trấn ven biển Yamamoto, cách Tokyo 5 giờ lái xe về hướng Bắc, là nơi cư ngụ của khoảng 12.000 cư dân và dựa vào việc sản xuất dâu tây cho hơn một nửa sản lượng nông nghiệp. Thị trấn này thuộc địa phận của tỉnh Miyagi, một trong những vùng sản xuất trái cây chính của Nhật Bản. Trận động đất tháng 3/2011 đã gây ra một trận sóng thần lớn, quét sạch 97% nhà kính trồng dâu tây của thị trấn. Nước biển đã tràn qua phần lớn của đất nông nghiệp, khiến cho vùng đất trồng trọt bị nhiễm mặn.

Sau thảm họa, chính phủ đã khuyến khích các tập đoàn giúp xây dựng lại thị trấn. Trong đó có GRA Inc., một công ty khởi nghiệp được thành lập 4 tháng sau thảm họa bởi cháu trai của một nông dân trồng dâu tây tại địa phương. Công ty đã tăng năng suất bằng cách hợp nhất các mẫu đất nông nghiệp và trang bị các nhà kính với công nghệ bao gồm hệ thống làm mát và đèn chiếu tăng trưởng LED. Nhờ vậy mà họ đã nhận được sự hoan nghênh của cả nước, với chuyến thăm năm 2014 của Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe, đối với nhãn hiệu ống hút Migaki-Ichigo của công ty.

Theo dữ liệu từ chính quyền địa phương, thì kể từ năm 2017, sản lượng dâu tây của Yamamoto đã trở lại với mức trước sóng thần, với ước tính sản lượng sẽ tiếp tục gia tăng. Một phát ngôn viên của chính quyền thành phố đã xác nhận rằng sản lượng tại đây hiện cao hơn so với năm 2011. Keita Takahashi, một cư dân của thị trấn làm việc tại GRA, đã cho biết rằng: “Yamamoto hiện sản xuất nhiều dâu tây hơn so với trước khi thảm họa xảy ra. Có cảm nhận rằng chúng tôi đang thực sự phục hồi sau thảm họa”.

Tuy nhiên, không phải mọi thị trấn nào của Nhật Bản đều có khả năng phục hồi sau thảm họa Tohoku một cách dễ dàng như vậy. Tại tỉnh Fukushima lân cận, nơi trận động đất đã gây ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi, thì chính phủ hiện vẫn đang phải cố gắng nỗ lực để đưa người dân trở lại các thị trấn ma trước đây với việc một số khu vực vẫn còn bị hạn chế.

Hàng năm, GRA hiện sản xuất 400 tấn dâu tây trên toàn mạng lưới của mình, với Tập đoàn mạng lưới đổi mới của Nhật Bản (Innovation Network Corp.) và chi nhánh liên doanh của NEC Corp., nằm trong số những người ủng hộ của công ty. Vào tháng 6 năm ngoái, startup này đã huy động được 330 triệu yên trong vòng gọi vốn Series B, nâng tổng số vốn của công ty lên 850 triệu yên kể từ khi thành lập. Theo công ty cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để thu hút các nhà nông mới và thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Giống trái cây cao cấp đã có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản, nơi các mặt hàng như dưa, quả mọng và nho thường được sử dụng làm quà tặng. So với một số ví dụ sang trọng, mức giá 10 USD/quả dâu của GRA tương đối là khá khiêm tốn. Tại một cuộc đấu giá năm ngoái, 108 quả dâu tây đã thu về được 1,5 triệu yên – tương đương với 127 USD co mỗi quả.

Dâu tây từ vùng đông bắc Nhật Bản được biết đến với sự cân bằng giữa vị ngọt và chua, và các loại dâu tây mới sẽ có thể thu hút những khách hàng cao cấp. Năm 2008, nông dân ở tỉnh Miyagi đã phát triển một loại giống mới có tên là Mouikko, tạm dịch là “chỉ một loại nữa”.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC mức 55,4 – 55,8 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 250.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn đang ở mức 400.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.724 USD

2/ Cà Mau đang chú trọng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh, phát triển nuôi luân canh tôm – lúa, phát triển nuôi tôm – rừng theo hướng mở rộng diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 1.000 ha đạt chứng nhận quốc tế. Đồng thời, phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi với khoảng 10.000 ha; trong đó có 500 ha đạt chứng nhận quốc tế. Hiện tỉnh Cà Mau có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, B.A.P, EU, Selva Shrimp và VietGap, với khoảng 4.200 hộ dân tham gia mô hình nuôi, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau

3/ Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Thương vụ Việt Nam tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 809 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt gần 737 triệu USD, tăng tới gần 60%. Nhập khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 44%. Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với thị trường này. Theo đó, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE, đạt 551 triệu USD, tăng gần 108% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, do ảnh hưởng của Covid-19, các mặt hàng như giày dép và hàng dệt may có kim ngạch giảm, lần lượt đạt 14 triệu USD và 11 triệu USD, giảm 23% và 11% tương ứng. UAE được xem là của ngõ để thâm nhập Trung Đông và châu Phi, do vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ có thêm nhiều cơ hội để tái xuất hàng hóa sang các nước khác.

4/ Tại Gia Lai, do nhu cầu nguyên liệu năm nay tăng đã kéo giá sắn (khoai mì,  củ mì) niên vụ 2020-2021 cao hơn những năm trước với mức tăng trên 1.000 đồng/kg. Sắn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Gia Lai có vùng nguyên liệu sắn ước tính khoảng 13.000 ha, tập trung ở vùng Đông, Đông Nam của tỉnh. Tuy năng suất sản lượng bị giảm khoảng 30% nhưng giá thành tăng 150%, do đó, người dân trồng sắn Gia Lai vẫn lãi từ 20-40 triệu đồng/ha. Niên vụ 2020-2021, vùng nguyên liệu sắn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi bệnh khảm lá, mưa bão khiến năng suất sắn kém, sản lượng giảm sâu.

4/ Nhà máy điện  mặt trời đầu tiên tại Hậu Giang (do Công ty CP Halcom Việt Nam và đối tác là Tập đoàn SE, Nhật Bản làm chủ đầu tư) chính thức khánh thành tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Nhà máy có công suất 35 MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 50.800 MWh/năm. Đây cũng là dự án Điện mặt trời đầu tiên trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng bức xạ mặt trời ở Hậu Giang và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dự án được xây dựng trên diện tích 33 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, gồm 79.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Dự kiến khi đi vào hoạt động doanh thu của nhà máy khoảng 80 tỷ đồng/năm.

6/ Nhiều mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) đã vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu. Cụ thể, nhóm mặt hàng áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy gile, cardigans đã vượt mức ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2020. Mặc dù vượt ngưỡng ở mức thấp, tuy nhiên, theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

7/ SK Startup Fellowship vừa thông báo khởi động mùa thứ 2 tại Việt Nam với giải thưởng 50.000 USD cho mỗi startup vào đến top 4. Đây là chương trình thường niên với mục tiêu phát hiện những tài năng khởi nghiệp giai đoạn đầu đã khởi động mùa thứ hai tại Việt Nam. Chương trình dự kiến lựa chọn 12 startup xuất sắc, đáp ứng điều kiện có tổng giá trị gọi vốn dưới 3 triệu USD, để hỗ trợ đồng hành. Top 12 startups đi đến vòng cuối sẽ tranh tài để có cơ hội nhận khoản tài trợ không quy đổi cổ phần với 50.000 USD mỗi startup ở top 4 và 16.000 USD mỗi startup cho 8 startups còn lại. SK Startup Fellowship 2021 đã mở đăng ký dành cho startup Việt trong tất cả lĩnh vực, ưu tiên startup ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề tạo tác động xã hội.

Các startup đạt giải cao trong chương trình SK Startup Fellowship 2020.

8/ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản vay 400 triệu USD giúp Philippines mua vaccine Covid-19. Philippines là quốc gia đầu tiên được hỗ trợ tài chính trong khuôn khổ chương trình Tiếp cận Vaccine Châu Á Thái Bình Dương (APVAX) trị giá 9 tỷ USD của ADB. Khoản vay sẽ giúp Bộ Y tế PhilippineS mua và phân phối các loại vaccine được chương trình Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận, và vaccine của các nhà cung cấp song phương đáp ứng được tiêu chuẩn của APVAX. Dự án của ADB cho Philippines mua 110 triều liều vaccine COVID-19 cũng có nguồn tài chính bổ sung trị giá 300 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).

9/ Cơ quan giám sát thông tin và truyền thông Nga Roskomnadzor đã giới hạn hoạt động của mạng xã hội Twitter, theo đó giảm tốc độ dịch vụ của Twitter trên 100% thiết bị di động và 50% thiết bị cố định. Lý do Roskomnadzor đưa ra là Twitter nhiều lần không gỡ bỏ các nội dung bị cấm được đăng trên trang mạng xã hội này. Theo Roskomnadzor, biện pháp này sẽ được áp dụng với ảnh và video đăng trên Twitter chứ không phải các bài đăng dạng văn bản. Cơ quan này cảnh báo biện pháp này sẽ được duy trì đến khi Twitter gỡ bỏ các nội dung bị cấm, hoặc có thể chặn mạng xã hội này trên lãnh thổ Nga nếu dịch vụ này tiếp tục không tuân thủ yêu cầu của luật pháp Nga. Tổng cộng cơ quan này đã gửi đến ban điều hành Twitter hơn 28.000 yêu cầu xóa các các nội dung thông tin không phù hợp.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bảy siêu doanh nghiệp tỉ đô của Việt Nam