Thay vì chăm chăm vào xuất khẩu, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã nghĩ đến những cách “đứng chân” tại thị trường nội địa.
Đã loé lên nhiều tia sáng cho cách làm ăn mới nhưng thật tình không dễ vì có quá nhiều rào cản, từ chất lượng, gu, giá, thương hiệu…
Vụ mùa cà phê 2017, Việt Nam xuất khẩu 1,42 triệu tấn cà phê nhân với giá trị là 3,21 tỷ USD, giảm 20,2% về lượng và 3,8% về giá trị so với vụ mùa 2016. Vụ mùa 2018, dù chưa đến mùa thu hoạch nhưng do nông dân Tây Nguyên đã chuyển từ cây tiêu sang cà phê từ nhiều năm nay, đã đến lúc thu hoạch. Cộng vào đó, vụ mùa 2018 được mùa nên sản lượng tăng từ 10 – 15% so vụ mùa 2017.
Tiêu thụ nội địa – chỉ mới 10%
Trong hai năm qua, lượng tiêu thụ cà phê nội địa đang tăng lên 2 – 3%/năm. Theo một chuyên gia về cà phê chế biến của Nestlé Việt Nam, năm 2012, lượng cà phê tiêu thụ nội địa ước chừng 5% lượng hàng xuất khẩu. Còn năm 2017, theo một báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ khảo sát của BMI, lượng cà phê tiêu thụ nội địa ước chừng 10% sản lượng cà phê cả nước, tương đương với 140.000 tấn cà phê nhân, với các sản phẩm: cà phê bột và cà phê hoà tan thông qua ba mô hình kinh doanh chính: chuỗi kinh doanh giải khát, quán cà phê và chuỗi bán lẻ cho khách sử dụng tại nhà.
Cuối năm 2017, theo BMI, bình quân Việt Nam tiêu thụ 1,38kg cà phê nhân/người/năm. Dự báo sẽ tăng lên 2,6 kg/người/năm vào 2020, chiếm 15% lượng cà phê sản xuất tại Việt Nam. Trong những năm qua, lượng cà phê tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng, đã hình thành những “địa danh cà phê” như vùng Cầu Đất (Lâm Đồng), Buôn Hồ, Phước An (Dăk Lăk), Chư Sê, Ia Grai (Gia Lai), Dăk Đoa, Dăk Hà (Kon Tum)…
Nguyên chất không có nghĩa là an toàn
Hiện nay, từ chuỗi cho đến quán cà phê đều treo biển quảng cáo “cà phê nguyên chất”.Có quán còn chứng minh bằng cách cho khách sờ thử hạt cà phê để kiểm tra có phụ gia hay không. Đó là tiến bộ của thị trường cà phê nội địa sau gần 40 năm uống “thứ nước đen thui, đắng đắng”, “càng đắng, càng đen mới là… cà phê chính hiệu”.
Ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện tổ chức UTZ Việt Nam, chia sẻ: “Ngày càng có nhiều nhà rang xay chuyển sang chế biến cà phê nguyên chất, còn người tiêu dùng đã nhận ra nguy cơ của cà phê pha tẩm không rõ nguồn gốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cà phê tiêu thụ tại thị trường nội địa, làm tăng giá trị cho chuỗi cà phê tại thị trường Việt Nam”.
Nhưng cà phê nguyên chất không có nghĩa là an toàn với sức khoẻ của người tiêu dùng. Theo tìm hiểu riêng, hiện nhiều chuỗi kinh doanh giải khát như Highland, Milano… chưa bao giờ tiết lộ họ mua hay trồng cà phê ở đâu, cũng như có hay không các chứng chỉ về an toàn thực phẩm, như FSSC 22000 (Trung Nguyên có được cách đây hơn năm năm) hoặc tiêu chuẩn UTZ và BRC (Phúc Sinh)!
Hiện nay, hạt cà phê được các tiểu thương thu gom từ các hộ nông dân trồng cà phê (vùng Tây Nguyên), sau đó bán lại cho các công ty thu mua. “Các đầu mối, tuỳ theo giá của từng đơn hàng sẽ có thêm những thao tác như phơi, sau đó sàng lọc để loại hạt cà phê lép. Còn về chất lượng cà phê như thế nào chỉ có người trồng biết. Chúng tôi chỉ biết nhìn độ bóng và kích thước hạt để định giá”, ông T., chủ một vựa thu mua cà phê tại Chư Sê (Gia Lai) nói. Ông N.D (Pleiku), chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp cà phê hạt đã rang với sản lượng 12 tấn/tháng cho gần 3.000 cửa hàng cà phê, xác nhận: “Thu gom cà phê hạt vẫn dựa trên mối quan hệ với các tiểu thương, còn mức an toàn của hạt cà phê như thế nào, chịu thua”.
Ông Đinh Anh Huân, chủ trang trại Cầu Đất ở Cầu Đất (Lâm Đồng) nói rằng, mô hình “từ vườn đến ly cà phê” đã khó, nếu yêu cầu ly cà phê nội địa có tiêu chuẩn quốc tế lại càng khó hơn với nhiều chuỗi kinh doanh giải khát cà phê hiện nay!
Khó cũng làm!
Đó là quan niệm kinh doanh của ông Phan Minh Thông, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Phúc Sinh. “Không có lý gì mà một quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê (1,8 triệu tấn cà phê nhân năm 2017), nhưng người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với ly cà phê đã không ngon, lại không an toàn cho sức khoẻ. Tại sao có hạt cà phê ngon lại xuất khẩu hết, rồi nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ Brazil, Mỹ, thậm chí từ Trung Quốc?”, ông Thông trăn trở.
Gần 20 năm làm cà phê, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Phúc Sinh chỉ lo xuất khẩu với tiêu chuẩn “hạt cà phê trên sàng”, bỏ quên thị trường nội địa. Từ năm 2016, Phúc Sinh bắt đầu “hồi đầu thị ngạn”, đầu tư nhà máy rang xay với công nghệ Đức. Thương hiệu K-Coffee ra đời. Song song đó, Phúc Sinh liên kết với 897 hộ nông dân vùng cà phê Buôn Hồ để trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Theo số liệu của UTZ Việt Nam, Phúc Sinh hiện có 951ha với sản lượng 3.362 tấn cà phê nhân (vụ mùa 2017). Theo ông Thông, ngoài tiêu chuẩn UTZ, Phúc Sinh còn có tiêu chuẩn BRC của hiệp hội Bán lẻ Anh quốc.
Ông Thông cho biết, hiện các sản phẩm cà phê của Phúc Sinh tiêu thụ thị trường nội địa đã đạt hai bộ tiêu chuẩn BRC và UTZ.“Giá thành của hạt cà phê khi đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn rất nhiều so với cà phê không có tiêu chuẩn gì, nhưng chúng tôi vẫn bán với giá chấp nhận được để người tiêu dùng lựa chọn”, ông Thông nói. Hiện giá của K-Coffee loại 700g tuỳ loại có giá từ 156.000 – 166.000 đồng; loại 227g có giá từ 41.000 – 79.000 đồng/hộp, bán tại các siêu thị: Lotte, Co.opmart…
Chưa có tiêu chuẩn quốc tế, nhưng theo bà Quỳnh Trang, giám đốc thương hiệu của Coffee House, với hơn 200ha cà phê tại Cầu Đất Farm (Lâm Đồng) và liên kết với nông dân quanh vùng, thương hiệu này hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng hoá chất nông nghiệp trong canh tác. Hiện Coffee House có 128 cửa hàng trên toàn quốc, ngoài Sài Gòn, đã có mặt tại Hà Nội, Cần Thơ…
Ông Thông xác nhận: “Kinh doanh cà phê ở thị trường thật khó, vì khẩu vị của người tiêu dùng đã quen với cái gọi là cà phê mấy chục năm rồi, giờ thay đổi thật khó. Nhưng khó mấy cũng phải làm”.
Tính đến cuối tháng 6/2018, có 21 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, 6 nhà rang xay và 49 doanh nghiệp sản xuất cà phê của Việt Nam có chứng nhận UTZ với quy mô 34.886 nông dân tham gia, diện tích là 50.686ha với sản lượng là 185.429 tấn, đứng thứ hai trên thế giới, sau Brazil.
Thịnh An (theo TGTT)