Tiêu điểm:

Samsung hưởng lợi nhiều nhất từ sự rút lui của LG khỏi mảng smartphone

Thị phần smartphone của Samsung ở Bắc Mỹ sẽ tăng ít nhất 10% trong năm nay, trong khi đối thủ Apple lại bị thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà. Hai hãng Motorola và Alcatel sẽ “hưởng ké”, còn thị phần của các hãng smartphone Trung Quốc sẽ không thay đổi và vẫn là số không.

Thua lỗ đến 4,5 tỷ USD trong hơn 5 năm qua đã buộc LG phải tuyên bố đóng cửa mảng smartphone từ tháng 7 tới. Nhưng dường như số phận những chiếc smartphone của LG đã được báo nhiều tháng trước sau khi tập đoàn Hàn Quốc và Vingroup thất bại trong việc đàm phán các khoản chuyển nhượng.

Trước tuyên bố hôm 5/4 của LG, hãng SK Securities đã dự báo rằng: “Với sự rút lui này, thị phần của Samsung ở Bắc Mỹ sẽ tăng từ 27% lên 30% trong năm nay, trong khi thị phần của Apple sẽ giảm từ 39% xuống còn 36%”. Báo cáo của SK Securities cũng nói rằng nhu cầu smartphone của thị trường này sẽ tăng 16% và đạt 150 triệu thiết bị trong năm nay nhờ vào các chiến dịch tiêm chủng vaccine triển khai nhanh chóng.

LG hiện chiếm 10% thị trường Bắc Mỹ và việc rời bỏ thị phần lại là cú hích cho đồng hương Samsung bởi dòng smartphone của cả hai đều dùng hệ điều hành Android, trong khi Apple lại chạy iOS. “Trong hàng ngũ Android, Samsung được chờ đợi là sẽ hưởng lợi nhiều khi LG rút lui”, nhà phân tích Lee Dong-joo của SK Securities nhận định.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Counterpoint Research lại chỉ ra rằng Samsung có lợi thế hơn Apple trong việc mở rộng thị phần sau khi LG tuyên bố bỏ cuộc chơi, bởi Samsung có các dòng sản phẩm đa dạng hơn so với Apple và có thể thu hút người đang sử dụng điện thoại LG tại Bắc Mỹ. Samsung có các phiên bản Galaxy S đắt tiền bên cạnh các dòng A và M có giá trung bình và rẻ.

“Chiến lược nhiều dòng sản phẩm giúp Samsung củng cố vị thế khi LG rời sân chơi”, theo lời nhà phân tích Kang Min-soo của Counterpoint Research.

Ông Kang cũng cho rằng các hãng smartphone khác cũng sẽ tận dụng cơ hội này. Chẳng hạn như Motorola và Alcatel vốn tập trung vào phân khúc giá thấp hơn. Nhà phân tích nói rằng hơn 50% thiết bị của LG có giá từ 150 USD trở xuống. Vì thế, Motorola và Alcatel có lợi thế hơn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm đắt tiền của Samsung.

Các hãng điện thoại Trung Quốc vốn có thế mạnh phân khúc giá rẻ sẽ không hưởng lợi nhiều từ khoảng trống thị trường mà LG để lại bởi sự hiện diện của họ ở thị trường Mỹ hầu như là “vô hình”.

Các dữ liệu của SK Securities cho thấy thị phần ở Bắc Mỹ của Huawei là 0% trong năm 2020 vừa rồi. Xiaomi, Oppo và Vivo cũng chịu cảnh tương tự.

Hãng nghiên cứu Counterpoint Research nói Apple đã thống lĩnh thị trường smartphone Bắc Mỹ trong năm ngoái với 50% thị phần. Samsung chiếm 25%, LG giữ 10% và Motorola đứng kế với 5% trong khi Alcatel cũng hơn 4%.

Cú hích lúc này với Samsung càng tạo lực đẩy hơn nữa, theo Nikkei Asia, khi tập đoàn này mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực bán dẫn ở Mỹ. Tập đoàn Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng các dây chuyền sản xuất ở Austin, Texas. Nhà Trắng cũng có kế hoạch mời Samsung và các hãng sản xuất chip khác tham dự “hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng chip” vào ngày 12/4 sắp tới.

Với vị thế là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới bên cạnh hãng bán dẫn TSMC của Đài Loan, Samsung sẽ có tiếng nói lớn hơn trong cuộc họp cấp cao với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Samsung bắt đầu mở cơ sở sản xuất đầu tiên tại Bắc Ninh – tỉnh có diện tích nhỏ nhất của Việt Nam – vào năm 2009 với số vốn ban đầu là 650 triệu USD. Song song với việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung đầu tư thêm gần 7 tỷ USD để xây dựng tổ hợp sản xuất smartphone và các xưởng vệ tinh sản xuất linh phụ kiện tại Thái Nguyên vào năm 2013.

Samsung nói sản phẩm công nghệ cao Made-in-Vietnam từ hai nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên chiếm hơn 50% năng lực sản xuất smartphone của Samsung, hầu hết là phân khúc cấp cao. Phần còn lại phân bổ cho các nhà máy của Samsung ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia – và dĩ nhiên là ở Hàn Quốc, dù tỷ lệ rất nhỏ.

Các sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam được xuất sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó phần lớn ở Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Theo số liệu của Reuters, năm 2018 hai nhà máy xuất xưởng 173 triệu thiết bị bao gồm smartphone, máy tính bảng và đồng hồ đeo tay thông minh.

Bản Tin Thị Trường

1/ Theo hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, Samsung Electronics đã giành lại vị trí số một thế giới về doanh số bán smartphone trong tháng 2/2021, nhờ tung ra mẫu Galaxy S21 trong tháng 1. Samsung Electronics đã xuất xưởng 24 triệu chiếc điện thoại thông minh, tương ứng với 23,1% thị phần smartphone toàn cầu trong tháng 2. Trong khi đó, đối thủ Apple bán được 23 triệu chiếc, chiếm 22,2% thị phần toàn cầu. Tiếp đến là các hãng Xiaomi (Trung Quốc), hãng Vivo và Oppo. Samsung thường giới thiệu các thiết bị Galaxy S mới vào giữa tháng 2 hàng năm, nhưng năm nay hãng đã tung ra mẫu smartphone chủ lực Galaxy S21 vào tháng 1, một động thái nhằm chiếm lấy thị phần của Huawei vốn đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hiện dòng smartphone dòng S của Samsung cạnh tranh tốt hơn so với smartphone iPhone 12 của Apple.

Mẫu điện thoại Samsung Galaxy S21 và S21+

2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,85 – 55,25 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco vẫn đang ở mức 1.734,6 USD/ounce. Theo giới phân tích, sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ vàng tăng giá.

3/ Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2019/2020, thị trường nội địa chiếm trên 86,5% tổng lượng cung đường, chỉ có trên 13,4% được xuất khẩu. Tuy vậy, tiêu thụ đường trên thị trường nội địa ở Việt Nam lại đang có rất nhiều vấn đề. Theo đó, do kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại đang chiếm tỷ trọng lớn khiến cho giá bán lẻ đường tới tay người tiêu dùng bị đội lên cao một cách phi lý, chênh lệch quá lớn so với giá thành sản xuất đường và giá bán tại cổng các nhà máy đường. Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3/2021, giá bán sỉ tại các nhà máy đối với đường tinh luyện RE dao động từ 17.800- 18.000 đồng/kg. Với giá sỉ như trên, giá bán lẻ đường RE chỉ khoảng 21.000- 22.000 đồng/kg là hợp lý. Thế nhưng, giá bán lẻ tại nhiều siêu thị đối với đường RE đóng gói bình quân từ 25.000- 28.000 đồng/túi (loại 1kg).

4/ Vingroup đã ra mắt tòa nhà Techno Park hôm 6/4 tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, đặt mục tiêu ghi danh vào Top 10 toà nhà văn phòng thông minh nhất thế giới. Tòa văn phòng xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đi vào hoạt động, Vingroup kỳ vọng Techno Park sẽ là biểu tượng “toà nhà thông minh trong thành phố thông minh” tại Việt Nam với những tính năng mới. Tòa nhà áp dụng công nghệ cao, thiết kế, vận hành theo các tiêu chí của chứng chỉ LEED Platinum. Vingroup đã đầu tư đồng bộ 5 trụ cột thông minh gồm quản lý và vận hành tòa nhà, an ninh, đỗ xe, văn phòng, ứng dụng. Theo đó, tòa nhà sẽ được điều khiển từ hệ thống BMS tại trung tâm điều hành mà không cần đến từng vị trí để thay đổi. Dự kiến, tòa nhà sẽ bắt đầu đi vào vận hành trong quý II/2021

5/ Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) vừa thông báo sẽ đầu tư 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% cổ phần VinCommerce. Với giao dịch này thì VinCommerce sẽ được định giá 2,5 tỉ USD. VinCommerce là công ty con của Masan Group, hiện có gần 2.300 cửa hàng tiện ích và siêu thị dưới tên VinMart (sẽ được đổi tên là WinMart trong năm nay). Thỏa thuận đầu tư của SK Group vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của tập đoàn này vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh ở Việt Nam. Năm 2021, VinCommerce đã đặt kế hoạch tiếp tục củng cố nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại và mang lại tăng trưởng lợi nhuận bền vững, trong đó cải thiện biên lợi nhuận thương mại lên mức 2,0% thông qua ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược và tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp.

6/ Tập đoàn công nghiệp hàng đầu Siam Cement Group (SCG) nói rằng Việt Nam sẽ là thị trường ưu tiên hàng đầu của SCG trong những năm tới. SCG dự báo doanh thu từ các thị trường Đông Nam Á (ngoài Thái Lan) sẽ gia tăng và chiếm 35% tổng doanh thu, so với mức 26% hiện tại, một khi một nhà máy hóa dầu của Việt Nam đi vào hoạt động. SCG là tập đoàn xi măng lớn nhất của Thái Lan và Trong năm 2011, tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng SCG là công ty lớn thứ hai tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới.

7/ Chính phủ Sri Lanka đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ và việc trồng thêm cây cọ, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất phải xóa bỏ diện tích cây trồng hiện tại theo từng giai đoạn. Tổng thống Sri Lanka cho biết động thái này nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu cọ. Phần diện tích trồng cọ sẽ được thay thế bằng cây cao su hoặc các loại cây trồng thân thiện với môi trường. Theo một nhà sản xuất dầu dừa lớn của Sri Lanka, nhập khẩu dầu cọ và diện tích trồng cọ đã tăng trong những năm gần đây tại nước này. Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường cho biết việc sản xuất dầu cọ đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng trên diện rộng cũng như làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

8/ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa cho biết dự trữ ngoại hối của nước này giảm trong tháng 3/2021 do đồng USD mạnh làm giảm giá trị của các tài sản không phải là đồng USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã đạt 446,1 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2021, giảm 1,43 tỷ USD so với tháng trước. Dự trữ ngoại hối bao gồm chứng khoán và tiền gửi bằng ngoại tệ, các vị thế dự trữ của IMF, quyền rút vốn đặc biệt và vàng miếng. Tính đến cuối tháng 2/2021, Hàn Quốc là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ tám trên thế giới, tăng một bậc so với tháng trước. Đây là dấu lần đầu tiên kể từ tháng 3/2019 dự trữ ngoại hối của quốc gia này xếp thứ tám thế giới.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Tu học nước ngoài với AREVO