Tiêu điểm

Sau hội nghị Fed, giá vàng Việt Nam sẽ tăng mạnh theo đà thế giới?

Các nhà phân tích đã “bắt bài” các động thái của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) khá chính xác, chỉ trừ thời điểm khi nào thì Fed sẽ tiến hành siết chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chính sách thường niên của Fed dù mềm mỏng, nhưng giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần tăng 1,4%. Liệu giá kim loại quý này sẽ bứt phá khỏi biên độ hiện tại từ sáng mai 30-8 khi các thị trường giao dịch phiên đầu tuần?

Fed chưa vội tăng lãi suất

Phát biểu tại hội nghị thường niên chính sách kinh tế Jackson Hole, Chủ tịch Powell đã cảnh báo về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh thông điệp của Fed rằng đợt lạm phát hiện tại một phần là do đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng này chỉ là tạm thời. Có lẽ, đây là thông điệp có giá trị mạnh mẽ nhất của hội nghị Jackson Hole 2021.

Nhưng ông Powell đã không hé lộ bất cứ tiến trình cụ thể nào về việc Fed giảm bớt quy mô kế hoạch mua tài sản hiện ở mức 120 tỉ đô la mỗi tháng, dù rằng chương trình bắt đầu từ năm ngoái để ứng phó với khủng hoảng Covid. Trong khi nền kinh tế vẫn đi đúng hướng và trên đà mạnh hơn, Fed đang lượng giá cẩn thận các dữ liệu thu thập được để có thể “nhận thấy các nguy cơ mà chủng Delta ảnh hưởng quá trình đạt các mục tiêu của Fed” – theo lời Chủ tịch Powell.

Các thị trường tài chính và tiền tệ Mỹ đã có những phản ứng khác nhau. Chứng khoán đạt kỷ lục cao mới, còn lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng đô xanh thì lại giảm. Do bài phát biểu của ông Powell rơi vào cuối tuần và cách biệt múi giờ, phản ứng của các thị trường châu Á và châu Âu chỉ có thể biết được vào sáng mai 30-8. Nhưng các nhà phân tích nói rằng “sẽ có sự tương đồng lớn” giữa ba thị trường này. Một yếu tố quan trọng khác là Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) cũng có các chiến lược tương tự Fed, nhưng năm nay PBOC đã đi trước Fed và sớm hơn lịch trình bình thường của PBOC ba tháng.

Trong khi đó, các ý kiến của Chủ tịch Powell được ủng hộ của nhân vật số hai của Fed – Phó Chủ tịch Richard Clarida, thậm chí ngay cả khi phe diều hâu trong Fed đang kêu réo “nhu cầu cần phải bắt đầu quá trình thắt chặt chính sách càng sớm càng tốt” – theo Bloomberg.

Raphael Bostic – Chủ tịch Fed ở bang Atlanta – nói ủng hộ quá trình siết chặt nhanh chóng để nền kinh tế có thể trụ vững trên chính đôi chân của mình. Robert Kaplan – Chủ tịch Fed tại Dallas – cho rằng quá trình này cần bắt đầu “càng sớm càng tốt”, nhưng lại muốn cách tiếp tận từ từ khi thực hiện.

Bài phát biểu của Powell là phần công khai duy nhất của hội nghị thường niên chính sách kinh tế ở khu nghỉ mát Jackson Hole, Wyoming trong năm nay. Fed cũng công bố nhiều bài phát biểu hay trình bày của các nhà kinh tế tham dự.

Các đề tài thảo luận khá đa dạng. Đó là khảo sát việc thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng có thể làm dịu đi các đợt sốc kinh tế do Covid-19 gây ra, hoặc nhìn vào hiện trạng hai tốc độ hồi phục khác nhau có thể tổn hại các nền kinh tế đang nổi lên như thế nào bởi họ đang bị tụt hậu khá xa so với các nước giàu có.

Giá vàng New York tăng mạnh

Giá vàng giao ngay tại thị trường New York trong phiên kết thúc Thứ sáu 27-8 tăng 24,2 USD/oz và đạt 1.817,8 USD/oz, tức tăng 1,4%.

Trao đổi với trang Kitco News, chiến lược gia Frank Cholly của RJO Futures nói rằng thị trường vàng đã không thất vọng với bài phát biểu của Chủ tịch Powell.

“Như thị trường chứng khoán, thị trường vàng muốn chính sách tiền tệ nới lỏng được tiếp tục… Hiện tại, giá vàng vẫn đang bị ghìm trong một vùng biên độ. Nhưng chúng ta đang ở tầng trên của vùng biên độ đó”, ông Cholly nói.

Biên độ mà ông Cholly đề cập nằm trong khoảng từ 1.780-1.810 USD/oz. Ông Cholly cho rằng từ ngày mai 30-8 thị trường Á-Âu sẽ có những phản ứng. Liệu những gì ông Powell nói có thể giúp tạo ra một cuộc bứt phá thực sự cho giá vàng hay không?

“Chừng nào giá vàng còn chưa bứt phá và tiến lên mức 1.820-1.825 USD/oz, tôi không tin là giá vàng sẽ không rớt về 1.750-1.720 USD/oz như trong đợt bán tháo hồi đầu tháng 8. Giá vàng đã phục hồi tốt nhưng hiện đang chờ xác định hướng đi tiếp theo. Chưa chắc phát biểu của ông Powell là đủ để đưa giá vàng vượt 1.820 USD/oz”, ông Cholly nhận định.

Các nhà đầu tư vàng sẽ chú ý nhiều tới diễn biến tỷ giá đồng USD trong tuần tới, nhất là sau khi tỷ giá đồng bạc xanh rớt mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Dollar Index đã trượt về 92,7 điểm, giảm gần 0,9% trong tuần.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng giá vàng sụt giảm trở lại. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 tới của Fed, chủ đề cắt giảm chương trình mua tài sản giữ vai trò trung tâm. “Nếu mốc 1.775 USD/oz bị mất, giá vàng có thể trượt về 1.750-1.720 USD/oz, và dễ dàng sụt tới 1.678 USD/oz”.

Chủ tịch của Fed, Jerome Powell. Ảnh: Internet

Chiến lược gia Nicky Shiels của MKS Pamp Group cũng không cho rằng bài phát biểu của ông Powell là chất xúc tác đủ mạnh để đưa giá vàng tăng cao hơn nhiều.

“Lời lẽ thận trọng, mềm mỏng của người đứng đầu Fed tốt cho vàng và chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng không đảm bảo mở ra một vùng giá mới. Việc cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng vẫn sẽ phủ bóng lên thị trường vàng, không cho phép vàng được đặt vào thế tăng giá mãi”, bà Shiels nói.

Trong khi đó, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng giá vàng. Ông cho cho rằng chừng nào lãi suất còn thấp, vàng còn hưởng lợi. Ngoài ra, ông Melek cũng cho rằng giá vàng sẽ hưởng lợi từ sự leo thang của lạm phát.

“Ông Powell và thị trường có quan điểm không đồng nhất về lạm phát. Nhiều người trên thị trường cho rằng Fed có thể chậm trong việc ứng phó với lạm phát”, ông Melek phát biểu

Báo cáo mà Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tuần cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Mỹ tăng 4,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ năm 1991, và tăng 0,4% so với tháng 6. Trong khi đó, phát biểu ngày 27/8, ông Powell tiếp tục nói rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời.

Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu nên thường tăng giá khi lạm phát tăng.

Trong tuần, một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố, trong đó đáng chú ý nhất là báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến công bố vào ngày 3-9. Giới phân tích dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 700.000 công việc trong tháng trước. Một con số có chênh lệch lớn so với mức dự báo này đều có thể gây biến động giá các tài sản, trong đó có vàng.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,6 – 57,3 triệu đồng/lượng, tăng 150 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.817,6 USD/ounce, tăng nhẹ 0,8 USD, tương đương 0,04% so với chốt phiên trước. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 50,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trên 7 triệu đồng/lượng.

2/ Infographic: 8 tháng đầu năm 2021, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng hơn 74%

3/ Vụ năm nay, các vùng nhãn ở tỉnh Hưng Yên mất mùa lớn. So với các năm trước, sản lượng giảm tới 2/3 và giá cũng giảm từ 30-60%, gây ra thất thu nặng nhất từ trước đến nay. Được biết, năng suất nhãn ở các vườn năm nay chỉ đạt 30%, do tỷ lệ đậu quả thấp. Vào dịp nhãn trổ hoa thì nhiều, nhưng khi đậu quả gặp mưa a xít, hoa bị thui, quả non cũng bị hỏng. Do vậy, nhiều vườn mất trắng. Vườn nào được quả cũng chỉ bằng 1/3 sản lượng so với các vụ trước. Ngoài mất mùa, giá nhãn lại rớt thê thảm. Nhãn loại ngon, các năm trước có giá khoảng trên 50.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 25.000 đồng/kg nhưng vẫn không có nơi tiêu thụ. Với nhãn đại trà, các năm trước giá bình quân 20.000-25.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 8.000-12.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm, khó bán. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thương lái không về thu mua được, mọi nơi đều không vận chuyển được hàng hóa.

4/ Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 85,5 ngàn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24 ngàn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Được biết, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Ngược lại, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 81,6 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

5/ Theo WSJ, chính phủ Trung Quốc hiện đang xây dựng quy định mới để cấm các công ty có lượng lớn dữ liệu người dùng nhạy cảm, niêm yết ở nước ngoài. Theo đó, các quan chức của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã báo với một số công ty và nhà đầu tư quốc tế rằng, sẽ cấm các công ty Internet nắm giữ một loạt dữ liệu liên quan đến người dùng, niêm yết ở nước ngoài. Được biết, quy định mới này nhắm mục tiêu vào các công ty muốn IPO ở nước ngoài, thông qua các đơn vị được thành lập bên ngoài nước. Các công ty có dữ liệu ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các công ty trong ngành dược phẩm, vẫn có khả năng nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý để niêm yết ở nước ngoài.

6/ Máy giao dịch tự động (ATM) tiền kỹ thuật số đầu tiên tại Honduras đã đi vào hoạt động khi những người ủng hộ đồng bitcoin muốn thúc đẩy nhu cầu với các đồng tiền kỹ thuật số trong bối cảnh nước láng giềng El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin là tiền tệ hợp pháp trong giao dịch. Theo đó, ATM này cho phép người dùng sở hữu bitcoin và ethereum có thể rút đồng nội tệ lempira, và được công ty tư vấn TGU của Honduras đặt tại một tháp văn phòng ở thủ đô Tegucigalpa. Theo TGU, nhiều công ty phát triển phần mềm tại Honduras đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số và đây là cách để gửi kiều hối với mức phí rẻ hơn.

ATM cho phép người dùng sở hữu bitcoin và ethereum rút đồng nội tệ lempira. Ảnh: Reuters

7/ Theo Hiệp hội Tiếp thị trực tiếp Nhật Bản (JADMA), doanh số mua sắm trực tuyến và mua theo catalogue quảng cáo ở Nhật Bản đã vượt mốc 10.000 tỷ yen (90 tỷ USD) trong tài khóa 2020/2021, một phần do sự bùng phát đại dịch Covid-19. Theo JADMA, tổng doanh thu của 820 cơ sở bán hàng trực tuyến trong tài khóa 2020/2021 (tính đến hết tháng 3/2021) đã tăng 20,1% so với tài khóa trước, đạt khoảng 97 tỷ USD. Được biết, đây là lần đầu tiên doanh số bán hàng trực tuyến tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Á vượt mốc 10.000 tỷ yen kể từ tài khóa 1982/1983, và tương đương với tổng doanh thu của bảy chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu tại Nhật Bản vào năm ngoái. Ngoài ra, các giao dịch mua sắm trực tiếp qua các trang mạng lớn như Amazon và Rakuten vẫn diễn ra mạnh mẽ.

8/ Các hãng hàng không tại Thái Lan sẽ mở trở lại các đường bay nội địa trong tuần này sau thời gian dài đóng cửa chống dịch. Trong đó, Thai Smile và Nok Air sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến bay từ ngày 1-9, AirAsia từ ngày 3-9. Cuối tuần rồi, Ủy ban phòng chống Covid-19 Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch từng bước khôi phục nền kinh tế từ ngày 1-9sau thời gian bị kìm nén bởi những hạn chế khắt khe và hệ thống y tế quá tải do Covid-19. Theo đó, một trong những nới lỏng đầu tiên là việc cho phép các hoạt động đông người được tập trung tối đa 25 người, thay vì 5 người như hiện tại. Đây là những giải pháp nằm trong chiến lược “Sống chung với Covid-19” của Chính phủ Thái Lan.

9/ Hiệp hội Nuôi heo nước Anh (NPA) đã cảnh báo có tới 70.000 con heo lẽ ra đã được đưa đi giết mổ đang mắc kẹt tại các trang trại. Theo NPA, số lượng heo dư thừa tại các trang trại ở Anh đang tăng thêm 15.000 con/tuần, với số lượng lợn xuất chuồng ít hơn khoảng 1/4 so với dự kiến ​​trong thời gian bình thường. Những con vật đã sẵn sàng để giết mổ nhưng bị mắc kẹt trong các trang trại đòi hỏi phải được cho ăn và ở, gây khó khăn về tài chính cho người chăn nuôi. Được biết, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Anh hiện đang kêu gọi chính phủ đưa ra giải pháp về thị thực để tuyển dụng lao động ở nước ngoài nhằm giảm bớt sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Động thái diễn ra trong bối cảnh các nhà chăn nuôi heo ở Anh cảnh báo hàng chục ngàn con vật khỏe mạnh có thể bị tiêu hủy vì thiếu nhân công.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Mì ăn liền trở thành động lực tăng trưởng, chỉ dấu kiểm soát dịch bệnh ở châu Á