Tiêu điểm

Siêu kỳ lân Grab lỗ hơn 650 triệu USD, hãng con Việt Nam lần đầu có lợi nhuận

Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (tiền Grab thu hộ cho đối tác trên ứng dụng) tại thị trường các nước Đông Nam Á đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5% trong quý 1 vừa rồi. Nhưng doanh thu quý 1 của “siêu kỳ lân” công nghệ – công ty khởi nghiệp có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên – lại tăng 39%, đạt 507 triệu USD.

Đây cũng là quý có doanh thu thuần cao nhất từ trước đến nay của Grab. Nhờ đó, hãng đã giảm lỗ ròng được gần 120 triệu USD so với quý 1, xuống còn lỗ khoảng 652 triệu USD. Grab đã không công bố doanh thu trong quý 2 mà không đưa ra giải thích gì.

Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á thông báo vụ niêm yết lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq cũng sẽ dời lại vào cuối năm nay. Vụ IPO đã không thể thực hiện vào tháng 7 vừa rồi như dự định sau khi Ủy ban chứng khoán Mỹ thắt chặt các quy định về việc thành lập các công ty có mục đích đặc biệt (SPAC). Hồi tháng 4, Grab công bố sáp nhập với “công ty vỏ bọc” SPAC do công ty Altimeter Capital hậu thuẫn với giá trị vốn hóa được định khoảng 40 tỷ USD.

Ngược lại với tập đoàn mẹ, sau bảy năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Grab đã công bố khoản lợi nhuận “khích lệ” gần 250 tỷ đồng trong năm 2020. Nhưng đây là thành tích vượt bậc khi hãng con lỗ đến 1.700 tỷ đồng trong năm 2019, nâng lỗ lũy kế lên 4.300 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa khi so với sự kiện tất cả các ứng dụng đặt xe và giao nhận thức ăn đều lỗ trong năm 2020: Now lỗ 1.500 tỷ, Baemin lỗ hơn 1.400 tỷ và Gojek lỗ hơn 700 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, doanh thu của Grab Việt Nam tăng gần 20 lần, từ gần 200 tỷ đồng trong năm 2016 lên gần 3.800 tỷ đồng trong năm vừa rồi.

Hệ sinh thái của Grab tại Việt Nam bao phủ toàn bộ từ di chuyển GrabBike và GrabCar, giao vận GrabExpress, giao thức ăn GrabFood, đi chợ GrabMart và ví Moca. Đối tác chiến lược ví điện tử Moca đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên siêu ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. GrabFood, nền tảng giao nhận thức ăn hàng đầu Việt Nam, đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng.

Grab và Gojek xem Việt Nam là thị trường trọng điểm trong 5 năm tới, nhưng đây sẽ là chiến trường khốc liệt trên tất cả các dịch vụ mà các ứng dụng tham gia. Từ việc đốt tiền cho các cuốc gọi xe trong giai đoạn 2018-2019 khi thị trường có thêm GoViet và Be tham gia, các ứng dụng bắt đầu chuyển sang đua tranh trên lĩnh vực giao nhận thức ăn. Địa hạt mới mà các hãng sẽ cùng cạnh tranh quyết liệt sẽ là thị trường tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ ở mức 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.813,8 USD/ounce, tăng nhẹ 0,5 USD, tương đương 0,03% so với chốt phiên trước. Theo giới chuyên gia, nếu Fed tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng trong trung đến dài hạn, thì đó là một yếu tố tích cực đối với giá vàng, đặc biệt khi lạm phát dự kiến duy trì ở mức tương đối cao.

2/ Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, các doanh nghiệp Ấn Độ đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir trong vòng 30 ngày tới. Theo đó, sau thời gian làm việc tích cực với rất nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… Các doanh nghiệp này đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam lượng vaccine trên. Được biết, do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, quyết định này đã được nới lỏng thành hạn chế xuất khẩu vào ngày 14/6 vừa qua.

3/ Khoảng 500 kg nhãn lồng Hưng Yên lần đầu tiên được xuất chính ngạch và bày bán tại Singapore với giá 220.000 đồng/kg. Theo đó, tại cửa hàng trái cây cao cấp Hương Quê Việt ở Reivex Building (Singapore), nhãn lồng Hưng Yên đang được bán với giá 13 SGD mỗi ký, tương đương khoảng 220.000 đồng. CEO Mia Fruit, đơn vị xuất khẩu cho biết, lô hàng đầu tiên này có sản lượng 500 kg, với 300 kg đã được cắt cành và đóng hộp, số còn lại để cành tự nhiên theo nhu cầu của khách hàng. Theo đánh giá, triển vọng tiêu thụ của nhãn lồng Hưng Yên tại Singapore có tiềm năng lớn, nhất là khách hàng người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây, không thể quay về quê hương mùa dịch. Được biết, loại được xuất bán tại Singapore là phân khúc cao cấp, được chọn mua từ các nhà vườn đạt tiêu chuẩn trồng của tỉnh và có giấy chứng nhận Vietgap.

Nhãn lồng Hưng Yên được bán ở Singapore. Ảnh: Hương Quê Việt.

4/ Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới năm 2020 (sau Trung Quốc) với giá trị hàng hóa tương ứng 29 tỷ USD. Được biết, dù Bangladesh có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, như giá nhân công rẻ, chịu nhận đơn hàng giá thấp với số lượng lớn…, nhưng dịch Covid-19 bùng phát sớm tại nước này năm 2020 đã khiến các nhà đặt hàng toàn cầu phải phân bổ lại hợp đồng cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bảy tháng đầu năm 2021, theo Bộ Công thương, ngành dệt may Việt xuất khẩu đạt 18,6 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

5/ Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ Disney cho đến Walmart hay Google đều đã bắt buộc nhân viên tiêm vaccine Covid-19 nhằm tự bảo vệ cho bản thân khỏi đại dịch Covid-19. Ngay cả chuỗi nhà hàng nổi tiếng Danny Meyer cũng yêu cầu không chỉ nhân viên của nhà hàng tiêm vaccine Covid-19 mà còn cả khách hàng muốn vào ăn cũng sẽ cần phải đưa ra bằng chứng đã tiêm vaccine. Xu thế bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 đang ngày một mạnh hơn với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo yêu cầu tất cả các nhân viên liên bang và nhà thầu liên quan buộc phải tiêm vaccine Covid-19 hoặc sẽ phải chấp nhận xét nghiệm Covid-19 định kỳ.

6/ Hãng hàng không Japan Airlines công bố thua lỗ trong quý gần nhất. Các hãng châu Âu cũng không khá hơn khi tình trạng thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, công việc kinh doanh của các hãng hàng không Mỹ đang hồi phục nhanh chóng. Như vậy, các hãng Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh khác biệt khá lớn trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 bằng cách biến lợi ích ngắn hạn thành ưu thế dài hạn. Chiến dịch tiêm chủng vaccine tại Mỹ đang mở rộng, tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn. Ba hãng hàng không lớn bao gồm United Airlines, Delta và American Airlines công bố lãi ròng 237 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 6 rồi.

7/ Theo Cơ quan Thống kê Canada, việc nhiệt độ liên tục phá các mức cao kỷ lục ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cây trồng tại các trang trại ở miền Tây nước này. Tỉnh Alberta báo cáo chỉ 36,6% cây trồng ở tình trạng “tốt đến xuất sắc”, trong khi con số này tính trung bình trong 5 năm qua ở mức 74,1%, trong khi tỉnh Saskatchewan cho biết, “phần lớn” cây trồng của tỉnh được xếp trong tình trạng “kém đến tốt”. Được biết, mối lo ngại lớn nhất của nông dân hiện nay là hạn hán rơi vào thời điểm phát triển quan trọng của cây trồng. Theo Báo cáo giá thực phẩm năm 2021 do ông Charlebois xuất bản cùng Đại học Dalhousie và một số tổ chức khác, giá lương thực và thực phẩm nói chung được dự báo sẽ tăng 3-5% vào năm 2021, với thịt và rau tăng tới 6,5%. Riêng giá thịt bò đã tăng trung bình 10% chỉ trong năm nay.

Cơ quan Thống kê Canada cho rằng nếu nhiệt độ dịu đi và mưa đến kịp thời ở một số vùng của đất nước, tình hình “vẫn có thể được cải thiện”. Ảnh: Bnews

8/ Sau ngành giáo dục trực tuyến, đến lượt các hãng game Trung Quốc lao đao vì giới đầu tư lo ngại bị chính quyền siết chặt quản lý. Theo đó, cổ phiếu của Tencent Holdings đã giảm 6,11% sau khi Economic Information Daily, thuộc hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc lên tiếng chê bai các trò chơi trực tuyến. Được biết, lời phê bình từ giới truyền thông đã khiến các nhà đầu tư lo sợ, bán tháo cổ phiếu của Tencent và hàng loạt công ty game khác. Những lo ngại còn lan sang các cổ phiếu game của Nhật Bản và Hàn Quốc. Cổ phiếu của Nexon, công ty có khoảng 28% doanh thu từ Trung Quốc, đã giảm tới 10%, mức cao nhất kể từ ngày 13/5. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo ngại Bắc Kinh sẽ nhắm đến siết chặt mảng giải trí trực tuyến, tương tự như những gì đã làm thời gian qua với thương mại điện tử, gọi xe và giáo dục trực tuyến.

9/ Samsung đã bị hãng Xiaomi của Trung Quốc cướp mất ngôi quán quân về lượng smartphone tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics , Samsung chiếm 24% thị phần châu Âu trong quý với 12 triệu điện thoại, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này là đơn vị duy nhất trong số năm nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu châu Âu chứng kiến doanh số sụt giảm so với một năm trước đó.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Vertiv giới thiệu Nền tảng Quản lý CNTT kỹ thuật số mở rộng nhất trong ngành cho các hệ thống mạng doanh nghiệp, mạng phân tán, mạng biên và mạng kết hợp