Tập đoàn bán dẫn GlobalFoundries của Mỹ sẽ đầu tư hơn 4 tỷ USD vào nhà máy ở Singapore, nâng tổng công suất lên khoảng 1,5 triệu đĩa bán dẫn mỗi năm. Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm

Singapore đặt mục tiêu bắt kịp Đài Loan trong ngành công nghệ chip

Singapore đã công bố các dự án đầu tư có liên quan đến ngành bán dẫn trị giá hàng tỷ USD trong năm qua. Nhưng hòn đảo nhỏ vẫn còn tụt lại phía sau khá xa so với Đài Loan và các “siêu cường” về bán dẫn ở châu Á.

Mặc dù được xem là trung tâm công nghệ và tài chính nổi bật ở châu Á, Singapore vẫn còn “người tí hon” trong ngành công nghiệp chip. Singapore đang cố gắng vực dậy ngành điện tử, đặt ra mục tiêu nâng sản lượng ngành tăng 50% vào năm 2030 với lãnh vực chất bán dẫn chiếm vai trò lớn dần. Đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này.

Hồi tháng 6, hãng chất bán dẫn GlobalFoundries thông báo rằng sẽ đầu tư trên 4 tỷ USD ở Singapore để mở rộng nhà máy sản xuất đĩa wafer nhằm đối phó với nạn thiếu hụt microchip trên toàn cầu.

“Họ có thể củng cố nguồn nhân lực bằng các thông báo tuyển dụng nhân tài cho các văn phòng và cơ sở ở Mỹ, Đức, Singapore và Ấn Độ”, theo lời nhà phân tích Ajay Thalluri thuộc hãng phân tích và dữ liệu GlobalData.

Thông báo GlobalFoundries được đưa ra sau khi hãng chế tạo chip Infineon Technologies của Đức chọn Singapore làm cứ điểm cho phát triển các ứng dụng AI với dự án đầu tư 20,2 triệu USD vào cuối năm 2020.

Singapore đang có tham vọng phát triển chuỗi giá trị của ngành công nghệ bán dẫn, từ thiết kế chip, chế tạo đĩa wafer, lắp ráp và thử nghiệm – cũng như hỗ trợ lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) và phân phối trong khu vực.

“Singapore có thể hưởng lợi từ nhiều dự án đầu tư của các nhà chế tạo khung… nhưng các tay chơi trong lĩnh vực này lại là Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc”, đại diện của hãng nghiên cứu chất bán dẫn TrendForce nói với Nikkei Asia. Ông cũng nói thêm rằng cả ba gã khổng lồ này cung ứng hầu hết toàn bộ khung bán dẫn cho thế giới.

Theo số liệu của TrendForce, Đài Loan chiếm 64% doanh số khung đúc bán dẫn gần 90 tỷ USD của thế giới, Hàn Quốc cung cấp 18%, còn Trung Quốc chỉ 6%. Các quốc gia còn lại chia thị phần 12%.

Các hãng Đài Loan thống lĩnh thị trường chip thế giới. Trong quý 1 năm nay, hãng TSMC chiếm 55% thị trường toàn cầu, còn hãng đồng hương United Microelectronics Corp chiếm 7%.

Tập đoàn Samsung xếp thứ hai sau TSMC với 17% thị phần. Trong khi Singapore có thể hưởng lợi từ dự án đầu tư nhiều tỷ đô của GlobalFoundries với số công việc và đánh thức ngành điện tử, thì phải cần nhớ rằng thị phần của GlobalFoundries chỉ 5%.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Singapore Alvin Tan nói rằng tuy Singapore chỉ chiếm 5% năng lực chế tạo khuôn đúc toàn cầu, nhưng hòn đảo này chiếm đến 19% thị trường thiết bị chế tạo chất bán dẫn trên toàn cầu.

“Các công ty đến đây đầu tư bởi chúng ta có nguồn nhân tài kỹ năng cao, vị trí kết nối toàn cầu, môi trường kinh doanh tiện lợi, và hệ sinh thái nghiên cứu và chế tạo chất bán dẫn tiên tiến”, Bộ trưởng Tan phát biểu tại hội nghị các nhà sản xuất chip vào tháng 7 rồi.

Nhưng thách thức vị trí gần như “độc tôn” của Đài Loan trong ngành công nghệ chip hay chia sẻ và giành giật thị trường từ các tay chơi lão luyện khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay các quốc gia đang cố gắng phát triển ngành công nghệ chip riêng không phải là thử thách dễ dàng. Bởi ngoài số vốn đầu tư khổng lồ và đó là cả quá trình đầu tư lâu dài. “Đài Loan không dễ đánh mất vị thế dẫn đầu của mình trong tương lai ngắn hạn”, nhà tư vấn Guo Yu thuộc hãng tư vấn chiến lược Sibylline phát biểu.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,2 – 56,9 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.732,9 USD/ounce, tăng 3,3 USD, tương đương 0,19% so với chốt phiên trước. Trước đó, vàng đã giảm tới 4,4% trong phiên giao dịch đầu tuần, vì triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế sơm hơn dự đoán sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố hôm 6/8.

2/ Infographic: Một phút trên Internet năm 2021 diễn ra những gì?

3/ Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với giá cước vận tải hàng hóa tăng cao đã khiến nhiều mặt hàng rau, củ, quả tại Lâm Đồng giảm nhanh trong mấy ngày qua. Đặc biệt, một số loại rau ăn lá do khó khăn trong khâu vận chuyển, người dân phải đổ bỏ tại vườn. Cụ thể, hiện tại giá các loại rau như củ dền, đậu leo, cà chua… giảm từ 2.000 – 8.000 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước, hiện còn từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân khiến các mặt hàng rau củ quay đầu giảm là do vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, trong khi thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang bị giãn cách xã hội nên sức tiêu thụ cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh thì giá cước vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang tăng lên gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước khi bùng phát dịch.

4/ Theo Coinmarketcap, sáng ngày 11/8, giá token AXS đã chạm mốc 74,45 USD/đồng, tăng gần 60%. Trước đó một ngày, token AXS chỉ được giao dịch trong vùng giá trên dưới 45 USD/đồng. Với đà tăng phi mã, giá trị vốn hóa của Axie Infinity đã vượt qua con số 4,3 tỷ USD. Được biết, Axie Infinity là trò chơi do studio Sky Mavis ra mắt năm 2018. Công ty hiện có trụ sở đặt tại TP.HCM do CEO Nguyễn Thành Trung đứng đầu. Khác với những trò chơi thông thường, Axie Infinity là dự án hoạt động trên nền tảng của chuỗi khối Ethereum. Đây cũng là nền tảng của đồng tiền mã hóa có giá trị lớn thứ 2 thế giới Ether.

5/ Theo trang công nghệ Techcrunch, nếu trước đây các khiếu nại về hàng hóa mua trên Amazon được chuyển cho nhà bán hàng xử lý, thì từ 1/9 tới, Amazon sẽ trực tiếp giải quyết và thanh toán các khoản đền bù dưới 1.000 USD. Theo đó, sàn thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ cho biết sẽ áp dụng chính sách bồi thường lên tới 1.000 USD trong trường hợp các sản phẩm được bán trên nền tảng của họ gây thiệt hại cho khách. Amazon cho biết họ cũng có thể sẽ can thiệp và thanh toán các khoản bồi thường ở mức lớn hơn 1.000 USD nếu người bán từ chối trách nhiệm hoặc không phản hồi với một yêu cầu bồi thường mà Amazon cho rằng thỏa đáng.

6/ Myanmar đã tiếp nhận nguồn tài trợ từ Trung Quốc cho 21 dự án trong khuôn khổ Quỹ Đặc biệt Lan Thương-Mekong (LMC). Được biết, các dự án hợp tác trong khuôn khổ quỹ này bao gồm các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nguồn nhân lực, sản xuất vaccine phòng bệnh trên động vật, văn hóa, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, thương mại biên giới, du lịch và tài chính. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, Quỹ Đặc biệt LMC đến nay đã hỗ trợ tổng cộng 73 dự án tại quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc đã khởi xướng Quỹ đặc biệt LMC ngay tại cuộc họp lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo LMC vào tháng 3/2016 với mục đích hỗ trợ các dự án hợp tác vừa và nhỏ do sáu nước thuộc lưu vực Lan Thương-Mekong đưa ra.

7/ Theo Nikkei, trong năm 2020, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ về số lượng bài báo khoa học về AI được dẫn nguồn, một thước đo quan trọng về chất lượng nghiên cứu. Được biết, Trung Quốc đang mạnh về AI nhờ vào lượng dữ liệu dồi dào mà nó tạo ra. Vào năm 2030, ước tính khoảng 8 tỷ thiết bị tại Trung Quốc sẽ được kết nối với mạng Internet vạn vật, mạng lưới rất lớn của tất cả những vật chất trên mạng Internet. Các thiết bị này được gắn trên ô tô, hạ tầng, robot và nhiều công cụ khác tạo ra lượng dữ liệu lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc coi AI như một cách để bù đắp lại cho tình trạng thiếu lao động bởi dự báo về khả năng dân số suy giảm. Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã công bố 240.000 nghiên cứu khoa học về AI, cao hơn so với con số 150.000 của Mỹ, theo số liệu của Clarivate.

8/ Theo tờ Financial Times, Cargill và ContiGroup (Continental Grain) đã thống nhất mua lại Sanderson Farms, thương vụ này được định giá ở mức 4,53 tỷ USD vào thời điểm nhu cầu thịt gà đang tăng vọt. Được biết, Sanderson Farms có trụ sở chính tại Laurel, bang Mississippi hiện là nhà sản xuất gia cầm lớn thứ ba tại Mỹ (sau Tyson Foods chiếm 20% thị phần và Pilgrim’s Pride 16% thị phần) với công suất khoảng 13,65 triệu con gà mỗi tuần. Dự kiến Cargill và ContiGroup sẽ kiểm soát công ty mới được kết hợp thông qua một liên doanh sở hữu các phần bằng nhau. Tuy nhiên giới phân tích nhìn nhận, thỏa thuận này sẽ cho phép Cargill mở rộng hoạt động kinh doanh gia cầm quốc tế tại Mỹ, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Cargill và ContiGroup được cho là đã thâu tóm thành công nhà sản xuất thịt gà Sanderson Farms- lớn thứ ba nước Mỹ. Ảnh: SOPA

9/ Vừa qua, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết, BMW, Mercedes-Benz và bốn công ty khác sẽ tự nguyện triệu hồi gần 29.000 xe hơi để sửa chữa các bộ phận xe bị lỗi. Theo đó, đây là đợt triệu hồi xe hơi mới nhất trong những đợt triệu hồi của các hãng xe Hàn Quốc và các nhà nhập khẩu xe hơi nước ngoài do các bộ phận xe bị lỗi. Được biết, các công ty này đã hoặc sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa chữa và thay thế phụ tùng bị lỗi bắt đầu từ ngày 12/8 tới. Bộ trên cũng cho biết, các chủ xe có thể liên hệ hoặc đến các trung tâm sửa chữa được chỉ định để thay thế các phụ tùng này miễn phí.

10/ Theo Báo cáo tóm tắt Cung cầu ngũ cốc mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2021 đã giảm nhẹ xuống còn 817 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn là 1,7%, tương đương 47,8 triệu tấn, cao hơn so với năm 2020 và sẽ đánh dấu mức cao kỷ lục mới. Theo đó, sản lượng ngũ cốc thô toàn cầu dự báo giảm xuống còn 1.513 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với dự đoán của tháng trước. Dự báo sản lượng ngô của Brazil giảm mạnh là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm toàn cầu dự kiến, với tình trạng khô hạn kéo dài khiến triển vọng năng suất giảm. Ngoài ra, tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong niên vụ 2021/22 dự báo giảm 15 triệu tấn so với tháng trước, xuống còn 810 triệu tấn, tuy nhiên vẫn cao hơn 1,5% so với niên vụ 2020/21.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA