Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore tiếp tục mở cửa, không đảo ngược các chính sách và vẫn luôn bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: MCI
Singapore đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và đảm bảo tình hình ổn định theo từng bước nới lỏng, tránh những vụ lật kèo hay đảo ngược chính sách nghiêm trọng – Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định với Bloomberg.
Trong cuộc phỏng vấn với Tổng Biên tập John Micklethwait của Bloomberg vào cuối ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Điều tôi đang cố gắng làm là nới lỏng từng một chút, đảm bảo mọi thứ ổn định và thoải mái hơn. Cuối cùng thì mọi thứ có thể sẽ không trở về nguyên trạng như trước đây nhưng cũng sẽ gần như vậy. Quan trọng không phải là những cú quay đầu thật đáng lo ngại”.
Ông Lý nói rằng người dân Singapore sẽ “giận dữ và thất vọng” nếu Singapore mở cửa, chỉ thắt chặt các biện pháp một lần nữa khi các ca nhiễm bùng phát và có thể phải trả giá bằng nhân mạng.
“Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên thực hiện từng bước một. Tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng tôi có thể làm điều này mà không mắc sai lầm nào. Thỉnh thoảng tôi có thể đạp thắng vài lần, nhưng điều đó là cần thiết”, ông nói.
Singapore đã có những thay đổi lớn trong chiến dịch phòng chống Covid, từ loại bỏ sang chung sống dịch.
Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg là một ví dụ về chính sách mở cửa trong bối cảnh bình thường mới. Đây là sự kiện quy mô lớn với hơn 300 đại biểu từ 51 quốc gia tham dự trực tiếp tại khách sạn Capella ở Sentosa. Trước đó, Singapore đã thất bại trong việc dùng khu hội nghị sát sân bay quốc tế Changi để mở cửa đón luồng khách dự hội nghị quốc tế và đến Singapore làm ăn. Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã bị hủy sau khi chuyển địa điểm từ Thụy Sĩ đến Singapore và dời thời điểm nhiều lần trong năm nay
“Chúng tôi đã phải đồng hành với người dân, thuyết phục mọi người rằng bây giờ chúng tôi cần phải chấp nhận vài ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng sẽ có thương vong và chủ yếu là những người già sẽ không vượt qua được”, Thủ tướng Lý phát biểu.
Khi được hỏi liệu Singapore có để 61.000 người cao tuổi chưa tiêm chủng nắm giữ hay lèo lái tốc độ mở cửa của Singapore hay không, Thủ tướng Lý nói rằng: “Những người đó có hơn 61.000 người thân, bạn bè và những người thân yêu. Nếu làm ngơ hay xem như họ không tồn tại, tôi nghĩ rằng chúng tôi không thể thực hiện được những tính toán thực dụng kiểu đó với mạng sống con người”.
Bản Tin Thị Trường 
1/ Giá vàng miếng SJC dao động quanh mức 61,05 – 61,82 triệu đồng/lượng cuối ngày 18-11,  hầu như không đổi so với giá cuối ngày hôm trước. Tuy vậy, giá đã giảm 300 nghìn đồng/lượng ở  chiều mua vào và chiều bán ra so với đầu phiên sáng. Trên thì trường thế giới, giá vàng tiếp tục đi lên chạm mốc 1.869 USD/oz. Nhà phân tích Carlo Alberto de Casa của hãng Kinesis Money nhận định lãi suất tăng vẫn có thể là rủi ro với vàng và chỉ khi bật lên trên ngưỡng 1.875 USD/oz, giá vàng mới có thể tăng tiếp.
2/ TP.HCM cho phép xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại với điều kiện không quá 50% số chuyến ở từng đơn vị. Be cho biết bắt đầu vận hành lại dịch vụ beBike từ hôm nay 18-11 với 50% lượng tài xế. Tương tự, Grab Việt Nam cũng xác nhận đã sẵn sàng hoạt động trở lại toàn bộ dịch vụ GrabCar và 50% số lượng xe GrabBike. Gojek quyết định sẽ vận hành dịch vụ gọi xe 2 bánh GoRide kể từ 0g ngày 19-11.  Các hãng khẳng định tài xế được hoạt động tại TP HCM trong giai đoạn này đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn, yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng.
3/ Ngày 18-11, TP.HCM yêu cầu tạm thời dừng karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar cho đến khi Sở Y tế ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Chính quyền cũng giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với loại hình kinh doanh dịch vụ massage, spa, quán bar; ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các hoạt động này ngay sau khi ban hành Bộ tiêu chí. Trước đó, ngày 16/11, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3900 quy định tạm thời biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”.
4/ Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020. Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỷ USD. Theo Vitas, những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4 đã khiến công suất ngành giảm khoảng một nửa, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế. Vitas dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2022 có thể đạt 43-43,5 tỷ USD.
5/ Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo loại 100% hạt tấm sang thị trường Hàn Quốc để sản xuất rượu với giá tốt – giá FOB 369 USD/tấn. Theo báo giá do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố, gạo 100% tấm hiện được chào bán với giá FOB 338 USD/tấn. Nếu so với mức giá này thì giá trúng trầu của Công ty Trung An cao hơn 31 USD/tấn. Tổng Giám đốc Trung An Phạm Thái Bình nói rằng đây là mức giá khá cao so với các thị trường khác.
6/ Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị một số nước tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cân nhắc chuyện mở kho dự trữ xăng dầu để cùng nỗ lực hạ giá năng lượng toàn cầu. Đề nghị bất thường này được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp áp lực chính trị lớn vì giá xăng dầu và những chi phí sinh hoạt cơ bản khác tăng cao trong giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế hậu COVID-19. Thông tin này đã giúp giá dầu bớt áp lực sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 7 năm vào đầu tháng 10 vừa qua. Hiện Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý mở kho dự trữ.
7/ Chính phủ Nhật Bản đang xem xét quy định cho phép người lao động nước ngoài thuộc một số lĩnh vực cụ thể được phép định cư vô thời hạn, bắt đầu từ năm 2022. Theo luật có hiệu lực vào năm 2019, các “công nhân lành nghề được chỉ định” trong 14 lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và vệ sinh,…được phép ở lại đến 5 năm, nhưng không được kèm theo người thân, gia đình. Chính phủ Nhật Bản hiện đang tìm cách giảm nhẹ hạn chế này, nhằm ứng phó với thực trạng già hóa dân số và thiếu hụt nguồn lao động phổ thông.Nếu quy định mới có hiệu lực, những người lao động nước ngoài sẽ được phép gia hạn thị thực vô thời hạn và mang theo gia đình của họ.
8/ Chính phủ Indonesia vừa quyết định áp thuế tự vệ đối với hàng may mặc và phụ kiện nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Theo quy định mới, thuế tự vệ được áp đặt đối với 134 mặt hàng may mặc và phụ kiện nhập khẩu. Mức thuế dao động trong khoảng 19.260-63.000 rupiah (1,35-4,4 USD) đối với mỗi sản phẩm trong năm đầu tiên và sẽ giảm dần trong hai năm tiếp theo. Các sản phẩm chịu thuế tự vệ bao gồm trang phục thường ngày, lễ phục, vest nguyên bộ, đồng phục, áo choàng, áo khoác ngoài, quần áo trẻ em và phụ kiện, mũ và khăn choàng cổ.
9/ Liên hiệp châu Âu (EU) vừa đưa ra dự thảo nhằm điều chỉnh bộ luật hiện hành về xuất khẩu rác thải sang các nước đang phát triển. Theo đó, EU sẽ nâng cao hơn tỷ lệ tái chế và tái sử dụng một số vật liệu có nguồn gốc từ nhựa, vải vóc, kim loại…, tránh tình trạng chuyển rác sang các nước nghèo. Trong 33 triệu tấn rác thải của các quốc gia thuộc EU vào năm ngoái, khoảng một nửa được gửi sang các nước nghèo vốn thiếu điều kiện để xử lý. Trong tương lai, các quốc gia muốn nhận rác từ EU phải thỏa mãn các điều kiện về năng lực xử lý rác thải và chấp nhận sự giám sát của EU.
10/ Alibaba đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để tham gia mua lại hãng chip Tsinghua Unigroup đang ngập trong nợ. Giá trị hợp đồng có thể đến 50 tỷ nhân dân tệ, tức 7,8 tỷ USD. Việc mua lại hãng chip Tsinghua Unigroup sẽ giúp Alibaba củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh bởi Tsinghua Unigroup vốn gắn liền tên tuổi với Đại học Thanh Hoa – nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học. Đây cũng là một trong những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể chấm dứt các đợt trấn áp các hãng công nghệ sau khi cho phép tỷ phú Jack Ma đi Hà Lan vào đầu tháng này.
Sở hữu hãng chip cũng giúp Alibaba tham gia mảng điện toán đám mây – vốn đang là mảng kinh doanh béo bở của Amazon, Microsoft, Dell hay Alphabet.
11/ UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) đặt mục tiêu trở thành nơi hội tụ của 20 công ty khởi nghiệp có mức định giá 1 tỷ USD trong tương lai gần. Động thái này khẳng định quyết tâm của UAE nhằm trở thành điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài tại vùng Vịnh. Ngoài ra, còn nhằm cạnh tranh với Saudi Arabia, quốc gia cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài và các công ty khởi nghiệp. UAE đang sở hữu lợi thế về thu hút vốn nước ngoài và sẵn sàng trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp tại UAE, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, thời gian có thể chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, nếu ở trong đặc khu kinh tế.
Ricky Hồ / BSA 

Grab bị gián đoạn dịch vụ trên diện rộng 6/8 thị trường ASEAN