Singapore quyết định siết chặt chính sách tiền tệ dù GDP quí 3 tăng 6,5%
Lần đầu tiên trong 3 năm qua, hôm 14-10 Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã siết chặt chính sách tiền tệ dù rằng tăng trưởng GDP trong quí 3 năm nay về sơ bộ đạt 6,5%. Quyết định này đến sớm hơn thường lệ khi Singapore tìm cách mở cửa lại nền kinh tế bị Covid ảnh hưởng nặng nề và kiểm soát các áp lực lạm phát.
Như vậy, Singapore là nền kinh tế thứ ba sau Hàn Quốc và New Zealand có quyết sách tiền tệ cứng rắn hơn sau dịch. Chính sách tiền tệ của Singapore dựa trên tỷ suất hối đoái, trong đó đồng đô la Singapore được quản lý dựa trên rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chủ yếu. Lần gần nhất, Singapore siết chặt chính sách là vào tháng 10-2018.
MAS – ngân hàng trung ương – đã tăng biên độ dao động tỷ giá từ 0% để điều chỉnh mức tăng giá của đồng đô Singapore. “Ngăn chận việc hiện thực hóa những nguy cơ dai dẳng như việc xuất hiện chủng virus mới có thể kháng vaccine và những áp lực mạnh với kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Singapore cần phải có được nền tảng phát triển rộng”, thông cáo của MAS hôm nay viết.
Trong suốt các đợt dịch, ngân hàng trên toàn thế giới đã hạ tỷ giá chính sách để hỗ trợ nền kinh tế. Tại Singapore, MAS đã nới lỏng chính sách này từ tháng 3-2020 bằng cách giảm tỷ suất tăng giá mục tiêu xuống 0% trong khi kéo khung hối đoái xuống.
Tỷ lệ lạm phát gần đây là yếu tố chính của đợt siết chính sách lần này – MAS nhấn mạnh. Trong khi một số ngành công nghiệp có thể bị ảnh hưởng của Covid-19, chỉ số giá tiêu dùng tổng quát ở Singapore lại tăng 2,4% vào tháng 8 rồi. “Áp lực chi phí nội địa và bên ngoài đang tích tụ, phản ánh cả nhu cầu bình ổn cũng như siết chặt chính sách”, MAS ghi nhận.
Nhưng, đợt điều chỉnh chính sách lần này làm các nhà kinh tế ngạc nhiên. “MAS bất ngờ trở thành diều hâu”, theo Selena Ling, người đứng đầu bộ phận chiến lược và nghiên cứu ngân khố của ngân hàng Overseas Chinise Banking Corp (OCBC).
Bà Ling nói rằng các lo ngại về chính sách dường như là gánh nặng thường xuyên, bởi đó là “hệ quả của áp lực giá từ sự tổng hợp của các yếu tố như khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng, thiếu hụt lao động nước ngoài do vẫn đóng cửa biên giới…”. Nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng các áp lực giá này đã ảnh hưởng đến quyết định ra chính sách khi chính phủ dự định tăng lương cho một số lĩnh vực có mức lương thấp.
Tuy nhiên, Jeffrey Halley – nhà phân tích cấp cao của sàn môi giới chứng khoán và ngoại tệ OANDA của Mỹ tại Singapore – cho rằng quyết định siết chặt sớm cho thấy MAS tin rằng áp lực tăng phát toàn cầu đang xấu đi nhiều, trước khi có thể trở nên tốt hơn.
“Xét đến nền kinh tế đang trong giai đoạn mở cửa, MAS tin rằng nếu người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tăng giá đồng loạt, quá trình hồi phục kinh tế bị tác động nếu những chi phí đó làm giảm đi thành tố tiêu thụ nội địa. Nói đơn giản là sức mua bị ảnh hưởng trầm trọng”, Halley nói với Nikkei Asia.
Ở các nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng 25 điểm cơ bản lên thành 0,75% trong tháng 8 rồi và dự định sẽ tăng đợt nữa vào cuối tháng 11, nếu nền kinh tế hồi phục sớm hơn định liệu. Hồi đầu tháng 10, New Zealand cũng tăng lãi suất cơ bản 25 điểm lên thành 0,5%.
Các dữ liệu sơ bộ GDP của Bộ Công thương Singapore cho thấy nền kinh tế đã hồi phục so với các giai đoạn tồi tệ trong năm 2020. Sự hồi phục này phần lớn nhờ tốc độ triển khai tiêm chủng. Lĩnh vực sản xuất tăng 7,5% trong quí 3 vừa rồi so với cùng kỳ năm trước, dịch vụ tăng 5,5% và xây dựng tăng đến 57,9%. “Đặc biệt, các ngành điện tử và cơ khí chính xác vẫn tăng trưởng mạnh, do nhu cầu toàn cầu đối với chất bán dẫn và thiết bị chế tạo chất bán dẫn”, thông cáo của Bộ Công thương nói.
Về tăng trưởng quý, nền kinh tế trong quí 3 đã tăng 0,8% so với quí 2 trước đó.
Nhưng các đợt bùng phát của chủng Delta và đợt siết chặt giãn cách trong tháng 9 rồi có thể là gánh nặng đối với nền kinh tế trong các tháng cuối năm.
Mặc cho tỷ lệ tiêm phủ trên 80%, Singapore vẫn ghi nhận hơn 3.700 ca nhiễm hôm 9-10 dù số ca này có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Đà tăng trưởng bên ngoài vẫn đang giảm tốc, một phần do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ tăng trưởng chậm lại trong hai tháng liên tiếp vào tháng 8 rồi.
Bộ Công thương hồi tháng 8 dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm nay là 6-7%, tăng mạnh so với mức suy giảm 5,4% trong năm ngoái. Chính phủ dự kiến sẽ cập nhập dự báo tăng trưởng cả năm trong tháng 11 tới.
Bản Tin Thị Trường
1/ Sáng ngày 14/10, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện đang ở mức 57,45 – 58,15 triệu đồng/lượng, tăng 50 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.788,2 USD/ounce, tăng 28,2 USD, tương đương 1,6% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021
3/ Mới đây, EDF Renewables đã công bố đầu tư vào nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Energy, công ty thành viên của VinaCapital. Được biết, giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ, tuy nhiên SkyX Solar cho biết, với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, trong 2-3 năm tới, công ty dự kiến đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp. Theo Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. EDF Renewables hoạt động chủ yếu ở châu Âu, Bắc Mỹ và đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực mới nổi.
4/ C.P Vietnam đã chi gần 500 tỷ đồng để mua vào 16,56% vốn Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), chính thức trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Sau giao dịch này, Tập đoàn PAN giảm sở hữu tại Sao Ta xuống 24,68 triệu cổ phiếu, tương đương 41,95% vốn cổ phần và không còn là công ty mẹ. Tuy nhiên, nhóm cổ đông Tập đoàn PAN vẫn gián tiếp nắm quyền chi phối Sao Ta khi một công ty con khác là Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng đang sở hữu 13,75% vốn tại Sao Ta.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi, Sao Ta nằm trong hệ sinh thái nông nghiệp của Tập đoàn PAN – thuộc sở hữu của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI. Trong 9 tháng đầu năm nay, Sao Ta đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77% kế hoạch năm.
5/ Theo báo cáo Khảo sát việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS), 4,3 triệu người Mỹ đã bỏ việc vào tháng 8 năm nay, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2000. Theo đó, khoảng 2,9% lực lượng lao động của Mỹ đã nghỉ việc trong tháng 8, tăng từ 2,7% trong tháng 7. Cụ thể, số lao động nghỉ việc đã tăng 242.000 người so với tháng 7, do ngày càng nhiều người Mỹ yêu cầu được trả lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn và sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Con số này đánh dấu tỷ lệ bỏ việc cao nhất kể từ khi báo cáo bắt đầu phát hành vào cuối năm 2000. Các lĩnh vực có người nghỉ việc tăng gồm lưu trú và ăn uống, thương mại bán buôn, giáo dục công lập. Trong khi đó, các công ty tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng.
6/ Theo Bloomberg, Công ty thực phẩm Foshan Haitian Flavouring & Food, nhà sản xuất có doanh thu nước tương lớn nhất Trung Quốc, sẽ nâng giá nước tương, dầu hào và một số mặt hàng khác khoảng 3-7% từ ngày 25/10, vì chi phí đầu vào như nguyên liệu thô, vận chuyển và năng lượng liên tục tăng trong thời gian qua. Theo Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc, giá sản xuất tại Trung Quốc tăng 9,5% trong tháng 8/2021 so với một năm trước, chủ yếu vì giá cả hàng hóa tăng cao. Trong bối cảnh này, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm kìm hãm giá cả tăng nhanh, ví dụ như củng cố nguồn cung và hạn chế tình trạng tích trữ hàng hóa.
7/ Theo Tổng cục Hải Quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã đạt kỷ lục mới trong tháng 9, với 305,7 tỷ USD, tăng trưởng 28,1% và vượt dự báo trước đó của các nhà kinh tế là 21,5%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu giảm tốc còn 17,6%, thấp hơn mức dự báo trước đó là 20,9%. Kết quả, thặng dư thương mại của nước này là 66,8 tỷ USD. Tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu trong nước suy yếu và suy thoái bất động sản đè nặng lên nền kinh tế. Được biết, xuất khẩu là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch, bù đắp cho sức mua nội địa còn yếu, nhưng các nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí vận chuyển hàng hóa cao, giá nguyên liệu thô tăng,…
8/ Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ thay đổi các quy tắc ghi dán nhãn mác thực phẩm để ngăn chặn nạn mật ong giả từ Trung Quốc. Theo đó, động thái này vừa được loan đi sau khi người nuôi ong trên toàn khối EU phàn nàn rằng, họ phải chật vật bởi nạn mật ong pha tạp xi-rô đường rẻ tiền nhập khẩu. Được biết, mật ong là một trong những mặt hàng nông sản dễ bị pha tạp nhất trên thế giới và những người nuôi ong ở EU từ lâu đã phàn nàn về việc bị cắt giảm sản lượng mật ong quy mô công nghiệp. Nguyên nhân bắt nguồn từ mật ong giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc tuồn vào khối này. Thị trường EU hiện tiêu thụ tới 40% sản lượng mật ong nhưng vẫn phụ thuộc vào những người nuôi ong bên ngoài khối.
9/ Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nơi ghi nhận nhiều hoạt động khai thác tiền điện tử bitcoin nhiều nhất sau khi chính phủ nước này tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động trên. Theo đó, các hoạt động khai thác bitcoin tại Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong 4 tháng tính đến cuối tháng 8/2021, giúp tăng thị phần mà nền kinh tế Mỹ nắm giữ lên 35,4%. Trong khi đó, vị trí thứ hai thuộc về Kazakhstan, cũng ghi nhận hoạt động khai thác bitcoin tăng hơn gấp đôi với thị phần tăng lên 18,1%, và Nga ở vị trí thứ ba với mức thị phần 11%. Được biết, từ tháng 6/2021, Trung Quốc đã cấm mọi hoạt động khai thác bitcoin trong bối cảnh giới chức nước này trong thời gian dài đã quan ngại về mối liên hệ giữa các loại tiền điện từ và hoạt động rửa tiền.
10/ Theo The Japan Times, từ tháng 10/2021 trở đi, chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 áp dụng tại Tokyo và 18 khu vực khác. Theo đó, Nhật Bản cũng sẽ từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và quy trình cách ly đối với du khách và lao động nước ngoài. Cụ thể, đối với các trường hợp đã tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong vòng 10 ngày, thay vì phải đi cách ly ở khách sạn và giảm 4 ngày so với quy định trước đó. Được biết, sau một thời gian dài áp dụng chính sách cấm nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Các đơn vị này hiện mong ngóng từng ngày để được tiếp nhận các nhóm lao động nước ngoài mới.