Hàng loạt các đại công ty công nghệ đã mở văn phòng tại Singapore, cạnh tranh với hãng công nghệ sở tại như Grab hoặc Sea đang mở rộng hoạt động. Các công ty phải chuyển sang hình thức tuyển dụng từ xa, không còn phụ thuộc nguồn nhân lực địa phương.

“Đại gia” công nghệ đổ về

Kể từ năm ngoái, những gã khổng lồ công nghệ như Zoom, Stripe, ByteDance, Tencent, Huawei và Alibaba đã mở văn phòng và trụ sở mới tại Singapore. Số lượng đăng tuyển dụng ngày càng nhiều. Chẳng hạn, trên trang web tuyển dụng của ByteDance, tính đến ngày 18.5, đã có 316 vị trí tuyển dụng tại Singapore, trong tổng số 1.151 vị trí trên toàn cầu.

Riêng dữ liệu từ LinkedIn cho thấy công ty này là nhà tuyển dụng hàng đầu trong ngành phần mềm và công nghệ thông tin ở Singapore tính đến tháng 2.2021. Kế đến là sàn thương mại điện tử Shopee của tập đoàn Sea và ứng dụng giao đồ ăn Foodpanda thuộc tập đoàn Delivery Hero.

Cổng thông tin tuyển dụng NodeFlair là nơi hỗ trợ Ant Financial, ByteDance và Shopee đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân viên. NodeFlair cho biết 730 vị trí liên quan đến công nghệ được tuyển dụng mỗi tuần cho các công việc như nhà phát triển full-stack, kỹ sư back-end, kỹ sư vận hành hệ thống và kỹ sư dữ liệu. Các công ty đã đăng tuyển dụng nhiều nhất là Apple, Rakuten, Binance, ByteDance, Facebook, Singtel và Shopee, JPMorgan Chase, và cơ quan chính quyền địa phương GovTech – đồng sáng lập Ethan Ang nói với DealStreetAsia.

Startup nội địa phải tìm nhân tài nước ngoài

Công ty lớn đã khó, thì với công ty nhỏ lại càng khó tìm được nhân viên phù hợp. Chuyên gia tuyển dụng Kian Chong Chan nói: “Tiếng tăm của thương hiệu sẽ thu hút người tìm việc,  đặc biệt là các kỹ sư mới ra trường và cấp trung. Những công ty lớn thường đưa ra mức lương khá cao”.

Báo cáo công bố hồi tháng 3 của quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures và trang web tuyển dụng Glints cho biết những “gã khổng lồ công nghệ” này có khả năng tài chính mạnh để đưa ra mức lương cao hơn thị trường. Đôi khi, các công ty để “séc trống” cho các ứng viên mà họ rất muốn tuyển dụng. Các vị trí kỹ thuật sẽ có mức lương cao hơn ít nhất 50% so với các vị trí phi kỹ thuật như bán hàng và tiếp thị.

Người lao động ở Singapore thường yêu cầu một gói lương bổng cao hơn nhiều so với đồng nghiệp ở các nước láng giềng. Ví dụ, một nhà phát triển phần mềm cấp thấp ở Singapore có thể kiếm được ít nhất 2.400 USD/ một tháng, nhiều hơn 4 lần so với ở Indonesia hoặc Việt Nam. Giám đốc tiếp thị Melisa Teoh cho biết, mức lương của các nhà phát triển tại Ấn Độ chỉ bằng 39% so với mức lương mà một nhân viên tương tự ở Singapore kiếm được. Công ty có thể sẽ tiếp tục tuyển dụng từ xa để “tiết kiệm chi phí”.

Leon Perera, giám đốc điều hành của hãng tư vấn Spire Research & Consulting, nói rằng các công ty khởi nghiệp địa phương không đủ khả năng “đốt tiền” để tuyển nhân sự thường chuyển hướng ra nước ngoài. “Dịch Covid khiến tuyển dụng và các khoản đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế này đã chậm lại nhiều. Các startup chuyển sang tuyển dụng từ xa là điều dễ hiểu”, Perera nói.

Đối với startup công nghệ giáo dục Hardskills, việc tuyển dụng từ xa không phải là lựa chọn hàng đầu của họ. Nhưng sự khan hiếm về tài năng, cùng với các quy định về giấy phép lao động khó khăn, đã buộc họ hướng ngoại để tìm kiếm nhân viên. Nhà đồng sáng lập Shoba Purushothaman cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng tuyển dụng ở Singapore trước đây, nhưng không tìm được nhân viên phù hợp với mức lương chúng tôi có thể chi. Công ty hiện đã thuê thêm 8 nhân viên nữa vào cuối năm nay khi mở rộng quy mô ở châu Á. Nhà điều hành này nói công ty hy vọng sẽ thuê được ít nhất thêm 3 người ở Singapore, nhưng cô không cảm thấy khả thi.

Làm việc từ xa sẽ “lỗi mốt”?

Mọi người cũng đã thích nghi với sự phức tạp của việc kết nối từ xa, chẳng hạn như quản lý xung đột hay mâu thuẫn qua e-mail hoặc gọi video làm việc trong bối cảnh đại dịch. Đồng sáng lập của Impress.ai, Sudhanshu Ahuja, cho biết làm việc từ xa cũng có những lợi ích của nó. “Nếu chúng tôi muốn sản phẩm của mình toàn cầu hóa… thì chúng tôi cần người có suy nghĩ khác với những người đã thành lập công ty. Nếu bạn có tất cả nhân viên từ cùng một nền văn hóa và lớn lên trong cùng một môi trường, thì bạn sẽ không thể có sự đa dạng về ý tưởng”, ông nói. Công ty của Ahuja, chuyên cung cấp phần mềm tuyển dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), hiện có 25 nhân viên công nghệ ở Ấn Độ và 4 nhân viên tại Singapore.

Tuy nhiên, các công ty có thể sẽ không muốn tiếp tục thực hiện các mô hình làm việc từ xa sau khi đại dịch kết thúc. Lawrence Loh, giáo sư kinh tế học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Làm việc từ xa giống như một bổ trợ, giải pháp thay thế và không thể nào trở thành nền tảng chính của doanh nghiệp. Tại nơi làm việc, bạn cần tình đồng nghiệp thân thiết để mọi người có thể làm việc bền bỉ và kiên trì”. Ông cũng nói thêm rằng có những vấn đề về tổ chức đi kèm với làm việc từ xa như an ninh mạng, tính bảo mật và quản lý năng suất làm việc của nhân viên.

Visa làm việc đã trở nên ngày càng khó xin hơn, đặc biệt là sau khi Singapore tăng mức lương tối thiểu hàng tháng đối với cấp bậc điều hành và quản lý. Đây là biện pháp hạn chế lao động nước ngoài, nhưng thị trường lao động Singpore vẫn cần nhân tài nước ngoài.

Thu hút dòng chảy nhân tài

Để giảm bớt tình trạng khan hiếm nhân tài, chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng cho những người tìm việc làm tại địa phương. Trong năm qua, lượng người nghỉ việc tăng gấp 2,5 lần so với năm trước đó. Dữ liệu chính phủ cho thấy: Số lượng tuyển sinh vào các khóa học công nghệ thông tin tại các trường đại học địa phương cũng đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 4.900 người vào năm 2016 lên gần 8.400 vào năm 2019.

Chính phủ đã đưa ra chương trình Tech.Pass với tiêu chí mức lương tối thiểu 15.000 USD nhằm thu hút các chuyên gia trong ngành. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể sẽ không thu hút đủ các chuyên gia công nghệ mà Singapore cần.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Sáng kiến Quốc gia thông minh, Vivian Balakrishnan, cho biết Singapore chỉ đào tạo được 2.800 sinh viên tốt nghiệp ngành thông tin và truyền thông hàng năm nhưng cần tới 60.000 chuyên gia công nghệ trong vòng ba năm tới.

Các loại visa như Tech.Pass vẫn không giúp ích được gì nhiều cho các công ty khởi nghiệp trong việc thuê những nhân viên mà họ cần, do các tiêu chí khắt khe. Các ứng viên cho công việc cần kiếm được ít nhất 20.000 SGD (15.000 USD) mỗi tháng hoặc giữ vai trò lãnh đạo trong một công ty công nghệ với mức định giá tối thiểu là 500 triệu USD hoặc ít nhất 30 triệu USD vốn tài trợ.

Tuy nhiên, mô hình làm việc từ xa vẫn sẽ không đe dọa được vị thế của Singapore, một trung tâm tài chính với luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khắt khe và khả năng kết nối với phần còn lại của thế giới.

Nhưng Jixin Foo, đồng quản lý của quỹ đầu tư GGV Capital, nhận định rằng Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á cần phải xây dựng nền tảng nhân tài riêng, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư. Ông cho biết: “Grab, Gojek và Sea đã dựa vào đòn bẩy nhân tài từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ để bay bổng”. Nhưng ông lạc quan rằng khi Đông Nam Á đạt được vị thế “cường quốc công nghệ”, dòng chảy nhân tài sẽ đổ về đây. 

Lê Trần Trọng Hiếu (Theo TGHN)

Tam mã xứ vạn đảo, tứ mã xứ ta