Ông Alan Broughton thăm một khu vườn ứng dụng kiến thức kinh tế tuần hoàn – nông nghiệp hữu cơ – ở huyện Phong Điền (Cty Abavina), TP Cần Thơ. Ảnh: N.B.
Alan Broughton là nhà nghiên cứu về nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ ở phía Đông bang Victoria, Úc, ông hỗ trợ đào tạo về nông nghiệp hữu cơ và tư vấn nghiên cứu cho Mekong Organics, một tổ chức tự nguyện do TS Nguyễn Văn Kiền và các nhà khoa học, trang trại hữu cơ sáng lập.
– Thưa ông, theo đuổi sản xuất hữu cơ có lợi gì? Sản xuất hữu cơ xưa và nay khác nhau như thế nào?
– Có 3 lý do chúng ta nên theo đuổi sản xuất hữu cơ: 1/ Vì môi trường, 2/ Là vì sức khỏe. Và cuối cùng, là vấn đề giá xăng tăng, giá phân bón tăng thì chuyển đổi canh tác hữu cơ sẽ giúp chúng ta tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có một cách hợp lý hơn.
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, không chỉ đảm bảo sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp đối với sức khỏe con người mà còn là phương thức sản xuất an toàn cho môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Sản xuất hữu cơ xưa và nay về căn bản thì không khác nhau nhưng phương thức có sự thay đổi. Ngày nay, cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, người làm nông nghiệp hữu cơ có thể chủ động hơn rất nhiều, khái niệm hữu cơ cũng được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tổng hợp hơn. Ví dụ, chúng ta có thể cắt cành, tạo tán, tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn để làm chúng tuần hoàn. Sử dụng công nghệ, các thiết bị để đo dinh dưỡng trong đất, xem đất còn thiếu gì, làm sao để cân bằng được hệ sinh thái,…Ở Úc, chúng tôi cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây cỏ giống địa phương (họ cúc). Ở Việt Nam thì tùy nơi có những loại cây có thể cố định đạm, giữ ẩm, cân bằng dinh dưỡng như các loại cây họ đậu, cây xuyến chi,…
Ở Úc, tôi cũng sản xuất hữu cơ và được chứng nhận bởi NASAA. Chúng tôi theo đuổi NNHC nhiều năm, tất cả đều xem môi trường là bạn. Nghĩa là tôn trọng môi trường, tôn trọng tự nhiên, đề cao sức khỏe con người. Đỉnh cao của NNHC không phải là thu nhập, lợi nhuận mà là sức khỏe.
Tôi làm việc trong Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Úc (OAA) từ năm 1985 đến nay ở nhiều vai trò khác nhau như biên tập viên, giảng viên và hiện tại đang là phó chủ tịch của OAA tại East Gippsland, bang Victori, Australia. Tôi viết chương trình và giảng dạy trong 15 năm cho những học viên học nhận chứng chỉ về NNHC của Úc. Tôi làm việc tại Australian Landscape Trust (một tổ chức được thành lập vào năm 1996 với mục đích nhằm thúc đẩy việc hợp tác giữa người giữ đất, nhà sinh thái học và cộng đồng xung quanh trong việc sử dụng đất một cách bền vững) suốt 9 năm cho đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian này tôi nghiên cứu về nuôi bò hữu cơ, cách quản lý chăn thả, và cách chăm sóc đất.Tôi đã viết trên 100 bài báo và đóng góp vào việc xuất bản những cuốn sách về nông nghiệp sinh thái và những vấn đề xuất hiện ở vùng quê.
– Ở các nước, nơi ông phổ biến kiến thức mới vềhữu cơ, nhận thức của họ về NNHC như thế nào?
– Tôi đến những trang trại hữu cơ ở Cuba, Thái Lan, Tanzania, Uganda, Italy và Hàn Quốc. Họ nhận thức ba giá trị cốt lõi của NNHC: 1/ Sức khỏe của con người; 2/ Hệ thống canh tác, chăm sóc, các nguồn hữu cơ được tái sử dụng một cách triệt để; 3/ Giá trị liên quan tới đạo đức, giá trị nhân văn.
Người làm nông nghiệp hữu cơ có nhận thức rất tốt về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho đất và đa dạng sinh học. NNHC là con đường tất yếu và định hướng trong đào tạo là học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thống của nhà nông từ khắp nơi trên thế giới, kết hợp chúng với những hiểu biết, những kiến thức mới dựa trên nền tảng khoa học hữu cơ.
– Người ta nói cách con người ứng xử với thiên nhiên như hiện nay là manh động và liều lĩnh, và mọi thứ đang phải trả giá, ông có lời khuyên nào về sự chọn lựa lối sống thuận thảo với thiên nhiên?
– Ở những nước phát triển, tỷ lệ bệnh (hen suyễn, thần kinh, dậy thì sớm…) và đã có nghiên cứu liên quan tới chuỗi thức ăn, thực phẩm là những gì dễ nhìn thấy nhất.Ở Việt Nam tôi chưa có nhiều số liệu, kết quả nghiên cứu số nhưng tôi nghĩ rằng cũng không ngoại lệ.Tôi cảm thấy lo lắng cho thế hệ sau này nếu chúng ta không thay đổi. Sản xuất hữu cơ đặc biệt coi trọng bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, duy trì và nâng cao sức khỏe của con người trong tất cả các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng.
Nhiều nơi ở Úc quy mô rất nhỏ (1 ha cũng có) nhưng biết cách tổ chức thì Việt Nam cũng hoàn toàn làm được. Hiện nay, nhiều nơi thúc đẩy nhu cầu thực phẩm từ thực vật, thịt thay thế… Khi đứng trước một công nghệ nào đó, mình đặt vấn đề lựa chọn cái nào là phù hợp? Giá cả, công nghệ nào, quy mô người sản xuất đến đâu? Và hơn hết là khả năng, năng lực của người tiếp cận nó. Đừng ngại thay đổi, vấn đề là thực phẩm mà mình ăn vào đúng nghĩa thực phẩm, còn thực phẩm mà khi ăn vào là phân, thuốc hóa chất thì không là thực phẩm nữa rồi.
– Nước Úc đã thay đổi thế nào khi theo đuổi NNHC, những bài học có thể chia sẻ với Việt Nam?
– Từ năm 1990 tới nay, năng suất và thị trường nông nghiệp hữu cơ ở Úc tăng trưởng bình quân 10%/năm. Có khoảng 2.000 người sản xuất hữu cơ ở Úc. Nông dân làm nông nghiệp hữu cơ tại Úc đều có ít diện tích canh tác, thường chỉ sở hữu vài ha đến vài chục ha đất (trừ diện tích của những người nuôi bò có khi sỡ hữu tới 1 triệu ha), trong khi người canh tác theo phương pháp hóa chất có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha.
Nông dân canh tác với quy mô lớn thường theo các tiêu chuẩn như NASAA, ACO, USDA/NOP, EU, JAS… còn nông dân ít đất khi tham gia canh tác hữu cơ có thể lựa chọn mô hình chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS. Ngoài ra, một số nông dân không lấy chứng nhận, lực lượng này được gọi là “nông dân sinh học”, “nông dân tái tạo” hay “nông dân sinh thái”. Việt Nam có thể tham khảo cách làm của Úc là kết nối nông dân tham gia các hội nghề nghiệp… Ở Úc nông dân cũng tự làm chứ cũng không trông chờ vào Chương trình của Chính phủ. Họ có hội nông nghiệp hữu cơ ở các bang, hội cấp địa phương và quốc gia. Đây là đơn vị rất quan trọng trong việc đào tạo cho nông dân kiến thức sản xuất, kết nối thị trường và tiếp cận chính sách. Chúng tôi còn có bộ phận chứng nhận hữu cơ độc lập tạo điều kiện nông dân tham gia và được tư vấn các loại chứng nhận hữu cơ trong nước và các chuẩn quốc tế. Nông dân liên kết, các kiến thức, kết quả được chia sẻ với nhau.
Phần lớn các lực lượng như nhân sự trong các công ty phân bón, thuốc thực vật vốn được đào tạo để phục vụ cho nền sản xuất hóa học, họ cần mở rộng tư duy, đọc nhiều sách, tài liệu… Kho dữ liệu về NNHC trên thế giới không thiếu nhưng nông dân Việt Nam khó tiếp cận do rào cản ngôn ngữ. Hiện có nhiều cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tại thị trường Úc, nơi có nhiều và ngày càng xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm hữu cơ, và mức tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cũng ngày càng tăng nhưng sức sản xuất tại Úc không đủ cung cấp. Ví dụ như trà, cà phê, dừa, trái cây, rau củ, tôm, cá, gạo, sản phẩm ngũ cốc, gia vị…
Việt Nam cũng có những nhóm như Mekong Organics, nông dân cũng có nội lực chứ không phải không, nhưng người Việt có hạn chế là ít chịu chia sẻ.

Ở Việt Nam còn hạn chế khác là thế hệ kế thừa. Ở Úc chú trọng thế hệ kế thừa, có thể không phải là con cái trong gia đình mà là tìm được người phù hợp, muốn theo đuổi nông nghiệp hữu cơ. Tôi may mắn vì 3 đứa con, từ nhỏ được dẫn đi ra vườn, để chúng sống trong môi trường đó. Bây giờ mỗi đứa có một mảnh vườn, vừa đi làm vừa canh tác, chọn lối sống thuận thảo với thiên nhiên.

Ngọc Bích thực hiện (theo TGHN)