Trên 1ha, tổng chi phí sản xuất điểm trình diễn SRP thấp hơn 3,15 triệu đồng, năng suất cao hơn gần 800kg lúa và lợi nhuận cao hơn 8,4 triệu đồng so với điểm đối chứng.

Hội Nông dân An Giang muốn xây dựng vùng trồng nếp Phú Tân theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform – nền tảng lúa bền vững), do tiêu chuẩn này chú trọng các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường và có công ty đỡ đầu.

SRP ra đời từ diễn đàn Lúa gạo bền vững thuộc chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), gồm tám vấn đề và 46 tiêu chí, được đo lường theo chỉ số từ 1 – 100. Năm 2016, mô hình đầu tiên được triển khai tại An Giang, sau khi gạo của công ty CP Dịch vụ bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang đạt được tiêu chuẩn này.

Công ty tiếp tục xây dụng thí điểm SRP ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng tập trung vào việc giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc BVTV, thay thế dần bằng các chế phẩm sinh học, tuân thủ thời gian cách ly và giữ sạch môi trường từ đồng lúa đến nơi ở.

Lần đầu tiên tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng SRP trong vụ thu đông 2017 tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách do Oxfam tài trợ, viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng phối hợp thực hiện.

Tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trong các lớp thuộc dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam” (GRAISEA) cũng do Oxfam tài trợ cho thấy: trên 1ha, tổng chi phí sản xuất điểm trình diễn thấp hơn 3,15 triệu đồng, năng suất cao hơn gần 800kg lúa và lợi nhuận cao hơn 8,4 triệu đồng so với điểm đối chứng.

Nhiều cán bộ nông nghiệp nói, điểm đặc biệt của lớp học SRP là cả vợ chồng cùng tham gia, phụ nữ đã có tiếng nói trong phát triển kinh tế hộ, nông dân biết bảo vệ nguồn nước, biết tự phòng hộ lao động. Các tiêu chí của SRP không quá khó để nông dân thực hiện và họ cũng không phải trả tiền chứng nhận như các bộ tiêu chuẩn khác.

GIZ, một tổ chức phát triển quốc tế của Đức, đảm nhận việc xây dựng kế hoạch, nội dung và phương pháp triển khai toàn cầu cho SRP đã có những thay đổi thích ứng trước những góp ý của các tổ chức đánh giá – chứng nhận. GIZ cho rằng 41 tiêu chí khẳng định “hành vi tốt” chưa đủ, mà cần bên thứ ba đánh giá độc lập công nhận đạt chuẩn.

SRP được xây dựng mô hình và số hộ nông dân áp dụng thành công cao nhất (khoảng 254 hộ, diện tích gieo trồng lúc cao nhất là 780,7ha) tập trung trong mô hình do công ty Dịch vụ BVTV An Giang khởi xướng. Bắt đầu từ vụ hè thu 2018, tập đoàn Lộc Trời (LTG) xây dựng cánh đồng lúa đạt chuẩn SRP với trên 3.518 hộ tham gia, quy mô 10.836ha. LTG hợp tác với tập đoàn Phoenix có trụ sở chính tại Dubai, sẽ tổ chức sản xuất 10.000ha lúa SRP dựa trên năng lực của 10.000 hộ nông dân ở ĐBSCL trong năm nay.

Từng là nhà cung cấp thuốc BVTV lớn nhất Việt Nam, có thể xem đây là nấc thang quan trọng để – trước mắt thay đổi dấu ấn LTG, lâu dài là chỉnh sửa hình ảnh lúa gạo từng “ngập sâu” trong dòng chảy nông dược.


SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế – xã hội, môi trường và tám vấn đề bảo đảm sản xuất lúa gạo bền vững như: quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, bộ tiêu chí coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động, người tiêu dùng… Diễn đàn lúa gạo bền vững SRP thường niên lần thứ 8, được tổ chức tại Siem Reap (Campuchia) từ ngày 22 – 24/1/2019. Phiên bản mới SRP được công bố sau bốn năm thực nghiệm phiên bản 1, tiêu chí đánh giá từ 46 còn 41. Diễn đàn có 31 thành viên chính thức tham gia.


Khánh An (TGTT)