(Cafenews)-Chuyên thu gom đồ cũ rồi bán lại cho các cửa hàng đồ cũ (second-hand) khác thông qua đấu giá, startup Sou của Nhật vừa niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) và hiện có vốn hóa hơn 200 triệu USD.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh ngành công nghiệp buôn đồ xa xỉ đã qua sử dụng (second-hand) phát triển mạnh tại Nhật Bản, việc xây dựng kho hàng lại gặp nhiều khó khăn, thì mô hình của Sou nhanh chóng tìm được thị trường và phát triển mạnh.
Năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2017, công ty Sou thu về lợi nhuận tới 1,14 tỷ Yên (tương đương 11 triệu USD) trên tổng doanh thu 22,7 tỷ Yên (hơn 210 triệu USD), tăng 31% so với năm trước.
Công ty này đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Tokyo vào cuối tuần trước và hiện có vốn hóa khoảng 24,5 tỷ Yên (hơn 220 triệu USD), theo SMBC Nikko Securities.
Theo một báo cáo của chính phủ Nhật Bản, thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng của nước này được định giá gần 200 tỷ Yên (gần 1,9 tỷ USD). Trong đó, thống trị là các website như trang đấu giá của Yahoo Japan hay Mercari Inc. – startup tỷ USD đầu tiên của Nhật, hay thậm chí cả eBay Inc mới quay lại thị trường.
Nhờ nhu cầu hàng xa xỉ cũ lớn, Sou, có trụ sở tại Tokyo, vẫn tìm được thị trường nhờ việc tập trung tìm giải pháp giúp khách hàng dễ dàng bán lại những món đồ xa xỉ như túi xách, đồng hồ hay trang sức của mình.
“Chúng tôi là chuyên gia trong việc thẩm định và mua lại hàng xa xỉ, nhưng chúng tôi không bán chúng”, người sáng lập Sou – Shinsuke Sakimoto cho biết. “Chúng tôi theo mô hình B-to-B (từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp) thông qua các cuộc đấu giá để bán các sản phẩm này cho cửa hàng khác trong thời gian ngắn”.
Hiện tại, Sou có mạng lưới 57 cửa hàng thu mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng trên khắp Nhật Bản. Đây là những cửa hàng có thiết kế đẹp và hấp dẫn, cho phép khách hàng tới đây bán lại đồ cũ trong không khí thoải mái nhất.
Sau khi thực hiện IPO, công ty có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng tại Nhật và dự định mở rộng ra thị trường châu Á.
Sou không phụ thuộc nhiều vào công nghệ hay ứng dụng di động mà chỉ có một website. Theo Sakimoto, tăng trưởng của công ty là nhờ “khả năng thu hút khách hàng, mua đồ cũ của họ và sau đó nhanh chóng bán đi”.
Hoài Thu
Theo VnEconomy