Không chỉ có nhiều đội đoạt giải cao, các startup Bến Tre còn để lại nhiều xúc cảm và dấu ấn tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 với đội ngũ thí sinh dự thi tại vòng chung kết hùng hậu và đầy khát khao sáng tạo.
Dự án “Du lịch C2T” của Bến Tre đã giành giải nhất cá nhân cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4, vừa công bố vào chiều 28/10 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Cùng lọt vào vòng chung kết, ngoài Du lịch C2T của Bến Tre còn có 6 dự án khác tranh tài với 27 dự án đến từ các tỉnh, thành trong khắp cả nước. Các startup của Bến Tre đã đến với cuộc thi với tâm huyết mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết cao và hơn hết là “sứ mệnh” của người trẻ khát khao sáng tạo, bứt phá, tạo ra các giá trị mới làm thay đổi quê hương.
Khơi dậy khát vọng
Trình bày về mỗi dự án khởi nghiệp, mỗi thí sinh của Bến Tre đều mang đến cảm xúc mạnh mẽ để có thể thuyết phục được ban giám khảo “khó tính” của cuộc thi, với 11 người là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nhân nổi tiếng trong nước và của khu vực.
Nhưng, điều quan trọng để có thể thuyết phục ban giám khảo, thì có lẽ không phải cảm xúc mà là sự vận dụng, phát triển hợp lý các tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ.
Cụ thể là xây dựng giải pháp chiến lược khả thi để biến các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của mỗi địa phương trở thành hàng hóa có giá trị nâng tầm, đa dạng và phong phú.
Hàng hóa, sản phẩm dịch vụ phải ngày càng tiến đến mục tiêu chuẩn chất, đảm bảo hội đủ các tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước để mang thương hiệu, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam tiến sâu vào thị trường thế giới.
Nói về dự án Du lịch phát triển tài nguyên bản địa – Dự án C2T, anh Võ Văn Phong cho biết, anh thấy rõ và luôn xác định mục tiêu lớn nhất của mình là phải tạo ra sự khác biệt cho du lịch Bến Tre so với các tỉnh lân cận và đồng bằng sông Cửu Long. Ý tưởng này xuất phát từ trăn trở về các loại hình, mô hình, sản phẩm của Bến Tre đang bị trùng lặp trong thời gian qua.
“Để làm được điều này, tôi đã tận dụng thế mạnh của Bến Tre là cây dừa, nơi có nhiều dừa nhất ở Việt Nam để làm du lịch. Hầu hết các tour đều có trải nghiệm đi bộ dưới tán dừa, chèo xuồng, ghe dưới sông để thưởng thức cảnh hai bên sông rợp bóng dừa xanh. Đặc biệt là giúp du khách có cảm nhận thực tế được tự tay hái dừa, chặt dừa và uống từng ngụm nước dừa xiêm ngọt lịm vừa hái xuống trong mỗi vườn dừa của người nông dân. Ở đây, du khách có thể nhìn thấy, cảm nhận trực tiếp văn hóa cộng đồng của xứ dừa, đăc biệt là tính hiếu khách, thân thiện, gần gũi mà chất phát của họ. Phương châm làm du lịch của anh là “đón khách đến như đón người thân trở về”.
Cùng tham gia chuỗi làm du lịch của anh là có thanh niên, phụ nữ, các cơ sở sản xuất tại địa phương và hộ dân trong vùng cùng tham gia, cùng chia sẻ lợi nhuận.
Không chỉ C2T các dự án khác của Bến Tre cũng gây ấn tượng mạnh. Như dự án đạt giải á quân cuộc thi, dự án “Bảo tồn nhân rộng phát triển thương mại hóa Sa Sâm Việt” của anh Phù Tường Nguyên Dũng đã mang đến sự bất ngờ cho ban giám khảo bởi những khám phá, làm nên giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nơi huyện biển đầy nắng, gió và cát.
Đó là giá trị thảo dược trong rau sâm – một loài rau mọc dại và có nhiều ở các xã ven biển. Khoa học cũng đã chứng minh trong rau sâm có chứa hàm lượng Saponin – chất có tác dụng ngăn ngừa lão hóa và ngăn ngừ ung thư rất cao, cao hơn so với sâm Ngọc Linh và nhiều loại sâm quý hiếm khác.
Gần đây, anh đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM để tiếp tục nghiên cứu về sản phẩm. Anh đã ứng dụng công nghệ sản xuất bột theo công nghệ Nhật Bản. Tín hiệu ban đầu đã nhận được sự hài lòng rất cao từ 3 ngàn phiếu khảo sát khách hàng.
Hay với dự án đạt giải ba tại cuộc thi – dự án “Nón xơ dừa” của Nguyễn Phúc Sang cũng gợi mở cho ban giám khảo nhiều ý tưởng mới về tận dụng nguyên liệu xơ dừa để sản xuất các sản phẩm nghiêng về phục vụ thời trang có giá trị rất cao.
Sang cho biết, xuất phát từ trăn trở làm sao giải quyết vấn đề tồn đọng của nguyên liệu xơ dừa ở Bến Tre, đang là sinh viên năm ba nhưng Sang đã nghĩ ra câu chuyện làm chiếc nón xơ dừa độc lạ dành cho khách du lịch.
Dịp này, ban giám khảo cũng đã có những định hướng và hứa sẽ hỗ trợ Sang tiếp tục phát triển nón xơ dừa thành công trong lĩnh vực thời trang của Việt Nam. Sản phẩm này hoàn toàn có đủ tiềm năng để trở thành sản phẩm độc đáo của Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung khi giới thiệu ra nước ngoài.
Tiếp sức, nâng tầm dự án
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit, giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Khát vọng của thí sinh đã truyền được cảm hứng, cảm xúc cho ban giám khảo và cả các thí sinh khác cùng tham gia”.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, điều này cũng tạo nên sự hứng thú muốn được đầu tư thật sự hay kết nối nhiều hơn cho các dự án để với kỳ vọng, niềm tin các dự án sẽ chạm đến thành công cao trong tương lai.
“Bởi những người đi trước như chúng tôi rất cần có người trẻ có tâm huyết với nông sản sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng để kết nối và hợp tác” – ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Định hướng cho các dự án triển vọng mùa thi năm nay, bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, cho biết, mặc dù các dự án đã rất tỏa sáng, vượt lên chiến thắng hơn 30 dự án cùng tranh tài nhưng trong mỗi dự án vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, các chủ dự án phải không ngừng học hỏi, rèn luyện và kết nối, hợp tác để được tiếp tục hoàn thiện, phát triển và thành công.
Có thể nói, các dự án giành giải cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2018, cấp toàn quốc, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Phát triển doanh nghiệp – BSA tổ chức là một minh chứng cho nỗ lực của người dân và các cấp lãnh đạo Bến Tre trong hơn hai năm qua là đúng đắn. Trong đó, không thể không kể đến công lao vun đắp, hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp trực tiếp của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh.
Nhiên Luận