Theo người trồng cà phê ở Đắk Lắk, để tái canh hiệu quả thì cần nguồn giống đảm bảo, tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật.

(Cafenews)- Theo người trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), để tái canh hiệu quả thì cần nguồn giống đảm bảo, tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật.

Những năm gần đây, người trồng cà phê ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chặt bỏ diện tích già cỗi, kém hiệu quả để tái canh. Sau gần 4 năm thực hiện, hầu hết các vườn cây đều cho năng suất từ 3,5-4 tấn cà phê nhân/ha, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Hơn 20 năm qua, với hơn 1 ha đất rẫy, ông Ngô Văn Ngọc ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột chỉ tập trung trồng chuyên canh cà phê. Mấy năm gần đây, do vườn cây già cỗi nên năng suất chỉ đạt trung bình chưa tới 2 tấn cà phê nhân, nhiều cây cà phê lâu năm thường xuất hiện các loại sâu bệnh hại. Gia đình đã mạnh dạn chặt bỏ và tiến hành tái canh toàn bộ diện tích. Sau gần 4 năm thực hiện, vụ thu bói năm ngoái đã được hơn 3 tấn cà phê nhân, năm nay có thể đạt trên 4 tấn.

Theo ông Ngọc, mấu chốt của việc tái canh cà phê là nguồn giống phải đảm bảo. Ngoài ra, cần tuân thủ đúng quy trình chăm sóc thì cà phê sẽ cho năng suất cao, có khả năng chống chọi tốt với các loại sâu bệnh.

Về kỹ thuật canh tác, ông Ngọc chia sẻ: “Trong quá trình tái canh tôi chủ yếu sử dụng phương pháp cấy ghép, trồng giống TR-4. Quá trình chăm sóc, gia đình cũng thực hiện đầy đủ các phương pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục. Ngay đầu mùa mưa, chúng tôi dùng phân chuồng hoai mục trộn với phân hữu cơ vi sinh và phân hóa học để bón. Gia đình thường bón bón 3 lần trong mùa mưa, một lần vào mùa khô. Liều lượng thường thường bón từ 0,5-0,7 kg cho một gốc.”

Tương tự, vào cuối năm 2014, anh Y Tháp Niê ở thôn 1, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cũng mạnh dạn phá bỏ hơn 6 sào cà phê già cỗi để tiến hành tái canh. Anh Y Tháp cho biết, năm ngoái, diện tích này đã cho thu bói được gần 2 tấn cà phê nhân, và năm nay dự kiến có thể đạt trên 2 tấn rưỡi. Để vườn cà phê tái canh hiệu quả, gia đình phải tuân thủ rất chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật từ khâu xử lý đất cho đến tạo tán, tỉa cành.

“Trồng tái canh phải đào gốc khoảng cách 3m để cây thoáng và ít sâu bệnh. Thời gian tưới thì vào cuối tháng 2, khoảng cách 25-30 ngày/đợt. Khi nào mình thu hoạch xong thì cắt các cành héo, cành khô không phát triển được rồi gom lại đốt. Vào mùa mưa, trước khi bón phân thì phải làm sạch cỏ để cây phát triển tốt”, anh Y Tháp Niê lưu ý.

Ea Tu là xã có diện tích cà phê lớn nhất của thành phố Buôn Ma Thuột với gần 1.500 ha. Theo ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Tu, khoảng 50% diện tích này được trồng từ trước năm 1990, nhiều vườn cây già cỗi sản lượng chỉ đạt chưa tới 2 tấn cà phê nhân/ha. Nhiều hộ trồng cà phê bị thua lỗ.

Trước thực tế này, ngay từ cuối năm 2014, UBND xã đã hỗ trợ người nông dân tiến hành tái canh nhiều diện tích cà phê. Trong đó, chú trọng vào việc giúp người dân thực hiện nhanh các thủ tục vay vốn ngân hàng; phối hợp với Tổng công ty cà phê Việt Nam, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn lựa mua các loại giống cà phê năng suất cao…

Đến thời điểm này, do tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật nên hầu hết các diện tích được tái canh đều cho năng suất cao từ 3,5–4 tấn cà phê nhân/ha. Ông An cho biết, từ nay đến hết năm 2025, UBND xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân tái canh toàn bộ diện tích cà phê già cỗi còn lại.

“Khi xã triển khai các đề án tái canh cà phê, hỗ trợ các giống cà phê bền vững năng suất cao thì bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Họ tích cực tham gia tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời, họ hưởng ứng rất cao sẵn sàng chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi. Trong thời gian từ nay đến năm 2025, đối với toàn xã, chúng tôi sẽ xây dựng thêm đề án để hỗ trợ nông hộ triển khai thực hiện chuyển đối tái canh hết diện tích cà phê già cỗi còn lại”, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Tu cho hay.

Theo VOV