Cánh đồng ngày nào giờ biến thành con sông đá hộc.
Tối 20/9, nhóm cứu trợ của Trung tâm BSA và Hội DN HVNCLC theo ủy quyền của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, nghỉ chân ở Bản Vược – đầu mối giao thông, từ đây có thể đi vào các xã của Bát Xát theo hai cung đường khác nhau.
Sáng 21/9, Bát Xát âm u, nhìn lên núi rừng thì mây mù bao phủ, không thể đoán biết được mưa gió sẽ bất chợt thế nào. Sau một hồi suy tính từ các thông tin có được, nhóm quyết định bắt xe  đi Tịnh Trường, cách đó khoảng 30 – 40 cây số. Xã may mắn không có người chết, nhưng thông tin ban đầu là mưa lũ đã tàn phá kinh hoàng.
Và đúng thật, kinh hoàng là từ duy nhất để miêu tả khi xe vừa vào đến khu vực Tùng Chỉn. Cả một cánh đồng trung du xanh mướt lúa ngô hôm nào giờ đã trở thành con “sông đá”, khốc liệt và rợn người.
Cô Xuân, 73 tuổi, nhà sống ven con sông đá, kể ngắn gọn: “Hôm đó, khoảng 10 giờ sáng ngày 10/9, sau những âm thanh hú rít ghê rợn – lần đầu tiên trong đời cô nghe thấy – là nước ầm ầm đổ về, cuốn phăng tất cả. Để bây giờ, như các cháu thấy, nơi này còn hơn cả bãi chiến trường”.
Con sông đá giờ đây dài 8 cây số, rộng có nơi đến 1 – 2 cây số. Không còn bất cứ dấu hiệu nào của sự sống, vì lớp đất thịt đã bị nạo sạch. Kèm theo đó là toàn bộ diện tích ngô, lúa vụ thu đông đang thì con gái hứa hẹn một mùa bội thu – đã bị cuốn phăng – biến mất hoàn toàn. Bao nhiêu hộ dân, bao nhiêu gia đình nhờ cánh đồng ruộng mật này mà sinh sống ổn định, hiền hòa bao đời nay, giờ trở nên ngơ ngác.
“Sinh thời”, cánh đồng này chạy dọc các thôn, chính giữa có con suối nhỏ tên Nà Lặc, đầu suối có thác nhỏ tên Rồng được người làng nâng niu gọi là tiên cảnh. Đó là trước đây, còn bây giờ thì tất cả đã thành bình địa. Lũ dữ không chỉ cuốn trôi cả cánh đồng, mà còn cuốn phăng nhiều căn nhà của người dân thôn bản.

Dân làng ngơ ngác nơi cánh đồng đá hộc.

Tẩu Thu Phương, sinh năm 1993, người ở thôn Tùng Chỉn 3, nói trong nước mắt: “Mất hết rồi các chú ạ. Mất cả căn nhà là nơi trú ngụ của ba mẹ con, mất cả miếng đất ruộng gần một ha. Giờ ba mẹ con đi ở nhờ nhà người thân, tới đây không biết lấy gì để trồng trọt mà kiếm cái ăn”.
Phương kể hôm đó, trước tình hình khẩn cấp, cô chỉ kịp đưa hai đứa con chạy lũ, không kịp mang theo bất cứ thứ gì, ngày cả một bộ quần áo cũng không.
Phương có chồng, nhưng chẳng may chồng Phương đã mất cách đây 6 năm do tai nạn. Từ đó, Phương một mình làm ruộng nuôi con và phụ chăm sóc cha mình.
Bi kịch là mới đây, cha của Phương bị phát hiện ung thư. Trước lũ, cô đã vay mượn tổng cộng 45 triệu đồng, cùng cói 3 chỉ vàng dành dụm được sau bao mùa ngô lúa, với ý định sẽ gom hết lại, rồi đưa ba xuống phố để trị bệnh. Nhưng không ngờ, lũ về đột ngột đã cuốn phăng tất cả: tiền, vàng, xe máy… và tất cả những gì gọi là tài sản trong nhà.
Trơ trọi, chới với, chơi vơi… đó là cảm giác của Phương lúc này.

Tẩu Thu Phương mất cả nhà cửa, ruộng vườn.

Giống như Phương, nhiều hộ dân khác ở khu vực này cũng rơi vào cảnh trắng tay, trắng đến mức không còn cả miếng đất để cắm một cây ngô.
Trước những hoàn cảnh đáng thương này, nhóm đã chia sẻ từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm thông qua Hội DN HVNCLC và BSA, trao đến 14 hộ bị mất nhà quanh khu vực, mỗi hộ từ 7 – 10 triệu đồng tùy trường hợp.
Như vậy, chuyến cứu trợ theo ủy quyền của các nhà hảo tâm và theo phân công của cơ quan xin tạm dừng tại đây, sau 2 đợt với 4 ngày đêm ở Bát Xát, Lào Cai – một trong những huyện địa đầu của tổ quốc.
Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm, nhóm đã chuyển đến tận tay những người dân là nạn nhân của thiên tai tại những nơi mà nhóm có thể đến được.
Xe gạo gần 10 tấn của doanh nghiệp Tài Ký gửi hỗ trợ đồng bào vùng lũ sẽ được chuyển đến Mặt trận Tổ quốc huyện Bát Xát để chuyển đến các thôn bản cần nhất, theo cân đối và điều phối của địa phương.
Xin cảm ơn cả nhà đã quan tâm, theo dõi, động viên.
Đặc biệt cám ơn các doanh nghiệp, các cô chú anh chị đã chung tay, “của ít lòng nhiều”, chia sẻ với đồng bào mình trong lúc khó khăn này!
Theo Lê Anh Đủ/BSA Media