Một mẫu máy bay lên thẳng của Vertical Aerospace đang bay thử nghiệm giữa London và Brighton ở Anh. Ảnh: The Telegraph

Tiêu điểm:

“Taxi bay” sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời đô thị sau đại dịch

Loại máy chạy bằng điện có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng (eVTOL) sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời các thành phố lớn trên thế giới, có thể là năm 2024. Một số hãng hàng không đã rộng tay rót tiền đầu tư cho đội bay eVTOL bởi đây là thị trường tiềm năng mới khi mảng hàng không truyền thống chưa kịp khôi phục sau dịch và các quy định trên toàn cầu về hạn chế khí thải.

Startup phát triển máy bay điện Vertical Aerospace ở Anh tuần rồi cho biết đã nhận được đơn hàng đặt mua hơn 1.000 máy bay eVTOL có tổng trị giá lên đến 4 tỷ USD từ hãng American Airlines của Mỹ, Virgin Atlantic Airways của Anh và hãng cho thuê máy bay Avolon Holdings ở Ireland.

VA-X4 là sản phẩm mới của Vertical Aerospace sẽ được bay thử nghiệm lần đầu vào cuối năm nay. Chiếc taxi bay này có thể một phi công và bốn khách, bay với tốc độ đến 320km/h trong tầm bay 160km.

“Tôi tin rằng đây là sự khởi đầu mới trong bước phát triển lớn tiếp theo của phương tiện giao thông đô thị bằng đường không”, theo lời Giám đốc điều hành Domhnal Slattery của tập đoàn Avolon Holdings vốn đang đầu tư 15 triệu USD vào Vertical Aerospace.

Avolon Holdings đã đặt mua 310 chiếc máy bay VA-X4 và được quyền chọn mua thêm 190 chiếc nữa với tổng trị giá 2 tỷ USD. American Airlines thông báo sẽ đầu tư 25 triệu USD và sẽ mua đến 250 chiếc VA-X4 với điều kiện máy bay phải được các cơ quan quản lý cấp phép bay, cũng như các tiêu chuẩn quan trọng khác.  

Hãng American Airlines tin rằng những chiếc máy bay điện có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng giống trực thăng này sẽ giúp đưa và đón khách đến các sân bay ở các thành phố đông dân, thường xuyên tắc nghẽn giao thông.

Trong tuần rồi, startup Archer Aviation, có trụ sở ở bang California, Mỹ cũng công bố mẫu máy bay điện tự hành hai chỗ ngồi có tên gọi Maker. Hãng này cũng nhận được khoản đầu tư 20 triệu USD từ United Airlines.Hồi tháng 3, Archer Aviation đã giới thiệu mẫu Maker có một phi công và 5 hành khách và đang bay thử nghiệm để có thể xin cấp giấy phép thương mại.

United Airlines đã cam kết mua đến 200 chiếc Maker nếu máy bay này đáp ứng các yêu cầu về hoạt động và tính hiệu quả. Maker có tầm hoạt động 96km và có thể bay với tốc độ 240 km/h khi đưa vào khai thác thương mại trong năm 2024 như tuyên bố của hãng chế tạo máy bay.

Mới đây, Eve Urban Air Mobility, đơn vị phát triển eVTOL của hãng sản xuất máy bay Embraer (Brazil) cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Halo Aviation, nhà cung cấp dịch vụ trực thăng hoạt động ở Mỹ, Anh và Công ty Helisul Aviation, nhà cung cấp dịch vụ trực thăng ở Brazil. Theo đó, Halo Aviation đặt mua trước 200 chiếc máy bay eVTOL của Eve Urban Air Mobility, còn đơn hàng của Helisul Aviation là 50 chiếc.

Taxi bay được thiết kế để vận chuyển chỉ vài hành khách trong các chặng bay ngắn tối đa khoảng 160km. Ưu điểm của loại máy bay này là không gây tiếng ồn lớn, vận hành linh hoạt và không phát thải khí carbon nhờ sử dụng nhiều cánh quạt nhỏ chạy bằng điện. Taxi bay được kỳ vọng thu hút các hàng khách giàu có, những người  có thể muốn tránh cảnh kẹt xe khi đi đến sân bay hoặc đi nghỉ ngơi ở vùng ngoại ô vào dịp cuối tuần.

CEO Domhnal Slattery của Avolon Holdings nói rằng các hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới như Airbus và Boeing sẽ đối mặt với thách thức lớn từ các startup đang nhỏ bé này. Bởi nếu các startup có thể nâng tầm bay lên khoảng 400 – 500 dặm (650 – 800km) thì thị phần của các loại máy bay thân hẹp một lối đi của hai gã khổng lồ này đang có thể bị đe dọa.

Nhưng hiện vẫn chưa có taxi bay nào được cấp giấy phép khai thác thương mại. Cơ quan an toàn hàng không Liên hiệp châu Âu (EASA) dự kiến sẽ cấp phép cho loại máy bay mới sớm nhất là vào năm 2024. Hồi đầu tháng 5 vừa rồi, Giám đốc EASA Patrick Ky hy vọng eVTOL ban đầu sẽ được phép vận chuyển hàng hóa và sau đó mới là hành khách.

Thiết kế mô phỏng của “taxi bay”. Ảnh: Telegraph

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện vẫn đang ở ngưỡng 56,55 – 57,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá ngày hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.859,8 USD/ounce, giảm 18 USD, tương đương 0,96% so với chốt phiên trước. Tính từ đầu tháng và đầu năm đến nay, giá vàng giảm tuy nhiên triển vọng tương lai của giá vàng vẫn được đánh giá rất tích cực.

2/ Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương hôm 15/6 cho biết rằng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn một triệu liều vaccine từ Covax Facility. Dự kiến trong quý 3, khoảng 2 triệu liều vaccine Bộ Y tế mua từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC có thể về nước, ngoài ra còn có 3 triệu liều của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian vaccine chuyển về Việt Nam có thể thay đổi. Tính đến nay, Việt Nam nhận được gần 3 triệu liều vaccine để tiến hành tiêm chủng. Cũng trong sáng 15/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo nước này sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sản xuất tại Nhật Bản cho Việt Nam. Máy bay chở vaccine dự kiến sẽ đến Việt Nam trong ngày 16/6.

3/ Trước bối cảnh giãn cách xã hội trong 14 ngày tới, ngành thương mại TP.HCM sẽ tiếp tục linh hoạt kịch bản ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội và bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Tính đến nay, hạ tầng thương mại, phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hệ thống điểm bán đa dạng mô hình kinh doanh với khoảng 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn chiếm tỷ lệ cao về các điểm bán hàng với siêu thị chiếm 80%, trung tâm thương mại chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%.

Trong đợt giãn xách xã hội vừa qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cả kênh phân phối hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống đã không chủ quan, bám sát thị trường. Ảnh: TTXVN

4/ Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cùng 14 ngân hàng khác đã cho ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã QR theo hình thức trực tuyến.  Được biết, VietQR là nhận diện thương hiệu chung dành cho các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới Napas và các ngân hàng thành viên, các trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán trong và ngoài nước. VietQR tuân thủ tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. và bộ tiêu chuẩn cơ sở cho mã QR do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

5/ Trong một bài viết trên trang mạng biv.com của tuần báo Business in Vancouver, Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) đã nhận định rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Canada trong những thập kỷ tới. Theo đó, điều này được thể hiện rõ qua những cam kết của Canada và Việt Nam về thương mại đa phương thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các cơ hội mới như khả năng tiến tới một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Canada và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kể từ năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, với giá trị trao đổi thương mại hai chiều đạt kỷ lục 11,2 tỷ CAD (tương đương 9,2 tỷ USD) trong năm 2020.

6/ Hãng xe siêu sang Lamborghini cho biết đã gần như bán hết lượng xe dành cho cả năm 2021 khi nỗi lo về đại dịch Covid-19 dịu xuống, kích thích người tiêu dùng “xả” túi tiền sau nhiều tháng ở trong nhà. Thương hiệu siêu xe của Italia được cho là sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay khi đã bán hết sạch lượng xe dành cho khoảng 10 tháng. Theo đó, bất chấp việc phải đóng cửa trong 2 tháng vì đại dịch Covid-19, Lamborghini ghi nhận năm 2020 là năm kinh doanh tốt thứ 2 trong lịch sử của hãng, với lượng giao hàng tăng mạnh gần 25% lên cao kỷ lục trong quý I. Mặc dù người mua tiếp tục săn đón những chiếc xe hiệu suất cao như Aventador, nhưng Lamborghini đang bắt tay vào quá trình điện hóa sản phẩm. Hãng xe này đã chi số tiền kỷ lục 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) để phát triển các phiên bản plug-in hybrid cho mỗi mẫu xe tính tới năm 2024.

7/ LG Electronics Inc. (Hàn Quốc) đã thông báo rằng một trong các nhà nghiên cứu chính của công ty sẽ đứng đầu một nhóm làm việc trong liên minh công nghệ di động Bắc Mỹ về phát triển công nghệ 6G, với tên gọi là Next G Alliance. Next G Alliance do Liên minh vì các giải pháp viễn thông (ATIS) của Mỹ thành lập tháng 10/2020 nhằm thúc đẩy sự đi đầu của công nghệ di động trong mạng 6G. Mạng viễn thông thế hệ mới 6G sẽ mang lại tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cao hơn so với mạng 5G và có thể mang lại khái niệm Hệ sinh thái Internet Vạn vật, nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. Theo LG, công nghệ 6G được cho là sẽ được thương mại hóa vào năm 2029, với các cuộc đàm phán về việc chuẩn hóa sẽ bắt đầu vào năm 2025.

8/ Trong năm 2020, Vương quốc Anh đã sản xuất 1,7 triệu tấn thịt gà, tăng 28% so với một thập kỷ trước. Hệ quả là giá gà tại quốc gia này đang rất rẻ. Cụ thể, giá bán lẻ thịt gà giảm gần 25% kể từ năm 2014, có nghĩa là một con gà trong siêu thị của Anh trung bình có giá thấp hơn một lít bia. Hơn một phần tư số gà của Vương quốc Anh có nguồn gốc từ ba hạt Hereford, Shropshire và Powys, khiến ba hạt này nằm ở trung tâm của một ngành công nghiệp đang bùng nổ và liên tục được nuôi thâm canh. Tại Herefordshire và Shropshire, các cơ sở gia cầm đã tăng gần gấp đôi về quy mô và hơn gấp ba lần lên 1.150, với 38 triệu con gia cầm, trong khoảng thời gian hai thập kỷ.

Thịt gà là loại thịt phổ biến nhất của Vương quốc Anh, với 20 triệu con gia cầm bị giết thịt mỗi tuần. Ảnh: Rex.

9/ Vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Australia cho biết Vương quốc Anh và Australia đã nhất trí về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Australia. Được biết, FTA này dự kiến sẽ cắt giảm thuế đối với các sản phẩm như rượu whisky Scotch, quần áo, ô tô cũng như các sản phẩm nông nghiệp, vốn đã gây ra phản ứng dữ dội từ ngành nông nghiệp của Anh. Việc hoàn tất FTA với Australia dự kiến sẽ thúc đẩy quy mô kinh tế Anh tăng thêm 0,02% trong vòng 15 năm. Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 20 của Anh trên toàn cầu. Trong năm 2020, trao đổi thương mại với Australia chiếm 1,2% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Anh. Các mục tiêu đàm phán thương mại tiếp theo của Anh là FTA với New Zealand và Mỹ.

10/ Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh), giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc đã tăng thêm 0,7% lên mức 220,77 USD/tấn trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/5. Việc sản lượng thép tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, đạt mức cao kỷ lục cùng việc thiếu hụt nguồn cung quặng sắt đã đẩy giá quặng sắt lên mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây. Hơn thế nữa, Nguồn cung quặng sắt trên thế giới đang giảm xuống sau khi tập toàn Vale SA buộc phải tạm ngưng hoạt động khai thác tại mỏ Timbopeba và một phần của mỏ Alegria thuộc bang Minas Gerais (Brazil) khi một đập tại hồ chứa chất thải có nguy cơ vỡ. Điều này khiến sản lượng khai thác của tập đoàn này giảm khoảng 40.000 tấn/ngày. Vale SA hiện là tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bảo vệ mình khỏi dịch bệnh và mưa lạnh với áo mưa choàng của Sơn Thủy