Sáng 24/2, chuyến bay mang những liều vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Tiêu điểm:

Thách thức kế tiếp của Việt Nam sau khi đảm bảo nguồn cung vaccine Covid

Lô hàng 117.000 liều vaccine AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất sáng 24-2. Số vaccine này nằm trong đợt hàng phân phối cho Việt Nam và Thái Lan của hãng AstraZeneca.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng số vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên này sẽ được sử dụng cho lực lượng tuyến đầu tại các tỉnh đang bùng phát dịch ở miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Trong cuộc họp thường trực của Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đủ 90 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm 2021. Ông cũng cho biết số vaccine này từ bốn nguồn: 30 triệu liều vaccine từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 30 triệu liều từ Pfizer và 60 triệu liều Sputnik V của Nga.

Như vậy, thách thức lớn nhất của Việt Nam lúc này không còn là nguồn vaccine nữa. Đó sẽ là việc tiến hành các chiến dịch tiêm chủng đại trà, quản trị và số hóa các dữ liệu về tiêm vaccine ngừa Covid-19 và kết quả xét nghiệm Covid-19. Đây không chỉ là thách thức của Việt Nam mà là của thế giới.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đang thúc giục 290 các hãng hàng không thành viên tham gia nền tảng số TravelPass mà IATA đang xây dựng. Nền tảng này bao gồm các thông tin về tiêm chủng vaccine – như thời điểm tiêm vaccine, nơi sản xuất, hãng dược, cùng kết quả các lần xét nghiệm Covid-19. TravelPass sẽ giúp các hãng hàng không bớt phiền hà và các cơ quan xuất nhập cảnh làm việc suôn sẻ.

Nhưng khá bất ngờ là IATA cho biết một đất nước phát triển đã từ chối các văn bản số này mà nhất định khăng khăng đòi các tờ giấy xét nghiệm và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Đó chính là Hàn Quốc!

Lực lượng cảnh sát EU (Europol) đã phá vỡ một đường dây chuyên làm giấy xét nghiệm giả ở sân bay Charles de Gaulle. Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và nhiều nước khác cũng phát hiện nhiều trường hợp làm giả giấy xét nghiệm và giấy tiêm chủng.

Số hóa hệ thống dữ liệu này sẽ làm các chuyến bay trong nước và quốc tế thêm an toàn – IATA nhận định.

Và đây chính là thách thức của Việt Nam khi phải số hóa dữ liệu của ít nhất 75 triệu dân – tương ứng với số liều vaccine đã đặt là 150 triệu. Các giấy tờ này sẽ giúp người Việt đã tiêm chủng có thể đi du lịch thế giới. Nhưng hiện chỉ có 10 nước cho phép người đã tiêm vaccine được phép nhập cảnh mà không phải cách ly, trong đó có Thái Lan, tiểu bang Hawaii của Hoa Kỳ (dự kiến là ngày 1/5/2021) và một số nước châu Âu khác (một vài nước đã cho phép nhập cảnh với người đã tiêm vaccine từ giữa tháng 1).

Và số hóa nguồn dữ liệu trên còn là một thị trường mênh mông ít người đụng tới. Thị trường công nghệ số hóa dữ liệu y tế trên thế giới đạt giá trị 31,5 tỷ USD trong năm 2018 và đang tăng trưởng với tỷ lệ 6% mỗi năm – theo đài CNBC.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng đang ở mức 56,05 – 56,55 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra, chênh lệch hai đầu là 500.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.812,3 USD/ounce, tăng 1,8 USD/ounce, tương đương 0,1% so với chốt phiên trước.

2/ Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so với năm 2019. Như vậy, đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vượt mốc 300 triệu USD. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản lượng sữa năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 1.702,4 triệu lít, tăng 1% so với năm 2019. Sản lượng sữa bột ước đạt 131,6 nghìn tấn, tăng 9,1% so với năm trước. Trong năm 2020, ngành sữa đạt tổng doanh thu 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019 nhờ nguồn cung nguyên liệu sữa trong nước dồi dào, nhu cầu tiêu thụ sữa có xu hướng tăng, các doanh nghiệp sữa duy trì được hệ thống phân phối truyền thống và kịp thời thúc đẩy mạnh phân phối qua các kênh hiện đại.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vượt mốc 300 triệu USD.

3/ Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN,  Indonesia xếp ở vị trí thứ 3, Malaysia ở bậc 5, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 11, Philippines ở vị trí thứ 21, Campuchia 41. IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 2,4% và cho rằng thành công này của Việt Nam là do kịp thời ngăn chặn Covid 19. Mặc dù vậy, theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn thiếu kỹ năng và kiến thức để sản xuất hàng hoá có giá trị cao nhất. Việc thiếu các nhà cung cấp linh kiện trong nước cũng buộc Việt Nam phải . nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc.

4/ Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262 ngàn tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Mặc dù giá gạo xuất khẩu đầu năm 2021 tăng 3,4% so với tháng 12 năm 2020, tuy nhiên khối lượng xuất đi 2 tháng đầu năm đã giảm đến 34%.Hiện tại, có nhiều thương lái Trung Quốc tìm đến các doanh nghiệp gạo ở miền Tây để mua gạo xuất khẩu về nước họ cũng như xuất khẩu đi các nước khác. Tuy nhiên, do diện tích lúa đến kỳ thu hoạch chưa nhiều, giá lúa gạo còn tương đối cao nên chưa chốt được hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi… tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.

5/ Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/02/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 74,8% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy là sau hai tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm dần. Hơn thế, đáng chú ý là vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Hai tháng đầu năm nay, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1,64 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

6/ Đại diện của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đã cho biết rằng, sáng hôm nay, 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm phục vụ cho nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay. Lô hàng này nằm trong hợp đồng đã ký từ tháng 11 năm ngoái giữa AstraZeneca và VNVC. Vaccine được Bộ Y tế tạo điều kiện nhập khẩn cấp, trong bối cảnh Covid-19 đang lây nhiễm 13 tỉnh thành. Số vaccine này sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca. VNVC là công ty đầu tiên có vaccine Covid-19 và là đơn vị duy nhất được AstraZeneca lựa chọn phân phối vaccine với số lượng lớn tại Việt Nam. Công ty này vừa qua cũng đã đặt mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca trong năm 2021.

6/ Ngân hàng HSBC đã tuyên bố rằng họ sẽ đẩy mạnh việc chuyển hướng sang châu Á bất chấp quan hệ kém thuận lợi giữa Trung Quốc và phương Tây sau khi báo cáo lợi nhuận năm 2020 giảm 30% so với năm trước đó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo chiến lược này, HSBC sẽ đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào việc đẩy mạnh hoạt động trên khắp châu Á, đặc biệt tập trung vào việc quản lý tài sản ở khu vực ngày càng thịnh vượng này. Ngân hàng đề cập cụ thể đến các thị trường ở Đông Nam Á như Singapore, cũng như Trung Quốc và khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc và cả Trung Đông. 90% lợi nhuận của HSBC được tạo ra tại châu Á, với Trung Quốc và Hong Kong là động lực tăng trưởng chính.

7/ Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip và các sản phẩm chiến lược quan trọng khác, giúp nền kinh tế Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, sắc lệnh yêu cầu phát triển một chiếc lược chuỗi cung ứng quốc gia và dự kiến đưa ra các khuyến nghị cho mạng lưới cung ứng ít chịu ảnh hưởng bởi thảm họa và lệnh trừng phạt của những quốc gia không thân thiện. Mỹ dự kiến sẽ bắt tay với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip, các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Australia, về khai thác đất hiếm. Các đối tác có thể sẽ được yêu cầu cắt giảm làm ăn với Trung Quốc.

8/ Cục Đường bộ bang Kedah (Malaysia) vừa thông báo rằng họ đã thu được tổng cộng 2,1 triệu Ringit (khoảng 494.000 USD) từ đấu giá loạt biển số có dòng chữ KFC, trùng với nhãn hiệu chuỗi cửa hàng gà rán nổi tiếng của Mỹ. Có tổng cộng 3.188 người tham gia đấu giá, mức giá trúng cao nhất là 52.000 Ringit (12.800 USD) cho tấm bảng số có dòng chữ “KFC 7”. Tất cả các cuộc đấu giá biển số đều được thực hiện thông qua hệ thống đấu giá trực tuyến, gọi là JPJ eBid. Người đấu giá thành công phải đăng ký biển số để gắn lên xe trong vòng 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá. Những biển số không có người mua đấu giá sẽ được phát hành để mua công khai với mức giá rẻ chỉ từ 10 USD.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA