Sự bất ổn quanh kết quả cuộc bầu cử của Thái Lan đang đe dọa kéo tụt đà phục hồi của kinh tế nước này sau cuộc đảo chính năm 2014.
Thái Lan hôm 24/3 tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 8 năm. Dù vậy, việc công bố kết quả đã nhiều lần bị hoãn lại trong vài ngày qua. Phải đến ngày 9/5, kết quả chính thức mới được đưa ra. Thậm chí, cuộc bầu cử còn bị nghi ngờ vì có nhiều điểm bất thường. Dựa theo kết quả sơ bộ, Pheu Thai, đảng đối lập lớn nhất bị lật đổ khỏi chính phủ trong cuộc đảo chính năm 2014, giành được nhiều ghế nghị sĩ nhất trong quốc hội.
Giới phân tích cho rằng bất ổn quyền lực kéo dài có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan – vốn đang khá vững chắc trong ngắn hạn. Thái Lan hiện có dự trữ ngoại hối ở mức đáng ghen tỵ so với các nước mới nổi. Bãi biển và cuộc sống về đêm ở đây vẫn khiến khách du lịch khắp nơi kéo đến. Xuất khẩu sang các nền kinh tế khác trong khu vực năm ngoái cũng tăng trưởng tốt, dù thương mại với Trung Quốc đang đi xuống, do kinh tế Trung Quốc chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Dù vậy, đây chỉ là những điểm sáng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, Bloomberg cho rằng chính phủ mới của Thái Lan sẽ phải giải quyết các thách thức mang tính nền tảng. Năng suất lao động giảm, dân số già đi nhanh đang đẩy Thái Lan đến nguy cơ già trước khi giàu. Đầu tư suy giảm cũng cho thấy sức hấp dẫn của Thái Lan đang thấp hơn nhiều nước cùng nhóm. Tăng trưởng kinh tế cũng đang mắc kẹt quanh 3,1% từ đầu năm 2014 – không đủ kéo nước này ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Kể cả các thế mạnh của nền kinh tế này cũng đang phản tác dụng. Cán cân thanh toán thặng dư khiến đồng baht tăng giá, làm giảm lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu của Thái Lan. Đồng baht năm nay đã tăng 2,9% so với đôla Mỹ, mạnh nhất trong nhóm đồng tiền châu Á.
Để tăng tốc cho nền kinh tế và giảm thiểu tác động từ già hóa dân số, các nhà kinh tế học cho rằng chính phủ Thái Lan cần đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng, không chỉ ở các thành phố lớn như Bangkok. Kể cả nếu Thái Lan chỉ khôi phục các dự án đang đình trệ, nhà đầu tư ngoại cũng sẽ tin rằng mọi thứ ở đây vẫn đang bình thường và dự án hành lang giao thông 54 tỷ USD dọc bờ biển phía Đông vẫn là ưu tiên.
“Chúng tôi cần thấy nhiều hoạt động hơn nữa” tại các dự án, Felix Lam – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas tại Hong Kong cho biết.
Thực hiện các dự án này sẽ vực dậy tổng chi cho đầu tư tại Thái Lan. Con số này hiện vào khoảng 24% GDP, thấp hơn so với trung bình các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (29% GDP). Ngoài xây dựng, chính phủ Thái Lan cũng phải cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế để đảm bảo “người Thái thực sự cảm thấy đang sống trong một xã hội trung lưu”, Birgit Hansl – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Thái Lan cho biết.
Dân số già cũng đang là rủi ro lớn với nền kinh tế này. Ngân hàng Trung ương Thái Lan trích số liệu từ WB cho biết Thái Lan sẽ là nước đang phát triển đầu tiên trở thành “nước có dân số già” năm 2022. Khi đó, ít nhất 14% dân số nước này sẽ từ 65 tuổi trở lên.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ vay mua nhà cho người già và có chính sách khuyến khích các công ty thuê lao động trên 60 tuổi. Tuy vậy, việc này nằm ngoài thẩm quyền của họ và cần phải được chính phủ mới thực thi.
Ngân hàng trung ương có thể giải quyết một thách thức cấu trúc lớn khác của nền kinh tế. Đó là nợ hộ gia đình đang ở mức tương đối cao. Cơ quan này đã nâng lãi suất từ cuối năm ngoái và sẽ siết quy định cho vay mua nhà từ tháng 4 năm nay.
Dù vậy, nhìn chung, Thái Lan vẫn cần giải quyết bất ổn chính trị hiện tại để nhà đầu tư thêm yên tâm. “Chính phủ liên minh càng ổn định, kinh tế Thái Lan càng hưởng tác động tốt”, Kattiya Indaravijaya – Giám đốc Kasikornbank cho biết trên Bloomberg. Các đảng phái chính trị có chính sách kinh tế tương tự nhau, “vì thế, dù đảng nào cầm quyền, sự kết hợp chính sách kinh tế cũng thế mà thôi”, bà kết luận.
Theo VnE/Bloomberg