Bangkok bị phong tỏa từ ngày 9/7 đến 2/8. Trong thời gian này, các trạm xét nghiệm mọc lên khắp thành phố. Chính quyền cũng đưa 200 đội quân nhân đến tận nhà dân để lấy mẫu. Ảnh: Reuters

Tiêu điểm:

Thái Lan tặng hạt giống xuyên tâm liên cho doanh nghiệp và người dân chống dịch

Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) gửi 100.000 hạt giống xuyên tâm liên đến các doanh nghiệp thành viên, khuyến khích trồng dược liệu để chữa trị cho công nhân nhiễm Covid. Bộ Nội thương ra khuyến cáo về hình phạt nặng với đầu cơ “chanh, sả, gừng”. Cuộc chiến chống Covid ở nước láng giềng Thái Lan lộ rõ những lỗ hổng quản trị.

Xuyên tâm liên trong tiếng Thái là fa thalai jone hay kariyat, có tên khoa học là Andrographis paniculata. Dường như đã bị lãng quên ở nhiều nước châu Á sau một thời gian dài, nay loại dược thảo bị bỏ quên này được người Thái đưa trở về dòng chính sự của đất nước khi số ca nhiễm Covid tăng kỷ lục chưa từng thấy.

Một nghiên cứu của Bộ Dược phẩm thay thế và truyền thống Thái Lan phát hiện rằng loại cây này có thể trị các triệu chứng nhẹ ở bệnh nhân nhiễm Covid. Loại cây này có thể hỗ trợ công nhân ít nhiều bởi nhiều người trong số họ chưa được tiêm vaccine giữa lúc số ca lây nhiễm hàng ngày tăng vọt – Phó Chủ tịch FTI Sakchai Unchittikul phát biểu. Vị này đồng thời là Chủ tịch của Học viện các ngành công nghiệp liên quan đến nông nghiệp.

“Khoảng 12.000 xí nghiệp là thành viên của FTI dự kiến sẽ nhận được hạt giống xuyên tâm liên trong tuần này. Nhiều nơi đã chuẩn bị đất để trồng loại dược thảo này”, ông Sakchai phát biểu với Bangkok Post.

Liên đoàn FTI sẽ tặng hạt giống xuyên tâm liên theo số lượng khác nhau – 50, 100 và 200 hạt – tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các hướng dẫn trồng và chăm sóc loại cây này cũng được kèm theo.

“Dược liệu có thể được thu hoạch trong 110-120 ngày. Loại cây này chỉ cần thời gian ngắn để tăng trưởng”, ông Sakchai nói.

Ông cũng hy vọng việc phân phối hạt giống là một cách hữu hiệu giúp các xí nghiệp chống lại sự lây nhiễm Covid-19 và hỗ trợ các nỗ lực điều trị bệnh nhân nhiễm Covid của chính phủ.

Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn được người dân nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Trung Quốc sử dụng trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm nhẹ nhiều thế kỷ qua. Hiện người dân Thái Lan đang đổ xô tìm kiếm nguồn dược thảo thiên nhiên vốn bị lãng quên nhiều thập niên qua khi thuốc kháng sinh trở nên phổ biến hơn trong thập niên 1970-1980. Meatha Simavara, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghiệp dược thảo Thái Lan, nói rằng nhu cầu dùng xuyên tâm liên hiện nay đã tăng gấp ba lần so với đợt bùng phát dịch lần đầu năm 2020.

“Thái Lan sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt xuyên tâm liên trong vòng 1-2 tháng tới. Câu lạc bộ của chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ có có nhiều chế phẩm từ cây thuốc này trong vòng 3-4 tháng tới, tức sau mùa thu hoạch dược liệu kế tiếp”, ông Meatha nói.

Trước đó, hôm 17/7 Bộ trưởng Tư pháp Somsak Thepsutin công bố với báo chí rằng: Cục Cải huấn đã thử dùng xuyên tâm liên để trị các triệu chứng không nghiêm trọng ở 3.000 tù nhân bị nhiễm Covid-19 ở trại giam Chiang Mai. Kết quả, hầu hết đã khỏi bệnh sau khi chỉ dùng duy nhất loại dược liệu truyền thống này.

Cùng với xuyên tâm liên, các loại dược liệu truyền thống đang được người Thái săn lùng để tăng cường sức khỏe trong mùa dịch. Giá các loại gừng trắng non, gừng vàng, củ riềng, lá chanh kaffir và sả đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Bộ Nội thương hôm 20/7 đã cảnh thương lái đầu cơ nâng giá các loại dược liệu trên có nguy cơ bị phạt đến 7 năm tù và bị phạt tiền 140.000 baht, hơn 98 triệu đồng, hoặc tổng hợp cả hai hình phạt.

Chợ truyền thống ở tỉnh Nonthaburi. Gừng, riềng, sả và lá chanh đang bán chạy ở Thái Lan như là phương thuốc dân gian hiệu quả để trị Covid-19. Ảnh: Bangkok Post

Tuy nhiên, việc xuyên tâm liên được đề cao và khuyến cáo phạt tù phạt tiền cao với “đầu cơ dược liệu truyền thống” đang bộc lộ những điểm yếu chí tử của quản trị nhà nước ở xứ chùa vàng.

Dịch Covid đang tàn phá mạnh mẽ các tỉnh thành Thái Lan. Số ca nhiễm đang tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần – với trung bình hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày trong 7 ngày qua so với con số trung bình 5.000 – 6.000 ca của hai tuần trước đó. Dự báo, số ca có thể đạt 30.000 ca sau vài tuần nữa.

Tình trạng khẩn cấp, giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng đã được gia hạn đến ngày 2/8 với Bangkok và 13 tỉnh thành báo động đỏ. Chính quyền đang tính đến kế hoạch “phong thành Vũ Hán” với siêu đô thị Bangkok và bổn tỉnh phụ cận phải bất động, “nội bất xuất ngoại bất nhập” như Vũ Hán trong vòng ít nhất hai tháng để giảm lây nhiễm.

Tình trạng thiếu hụt vaccine cũng trở nên trầm trọng hơn khi chính phủ Thái Lan thiếu tầm nhìn xa, thất bại trong việc hoạch định mua sắm vaccine. Tức là, chính phủ đã không lượng giá được tình hình và có kế hoạch thật sự hiệu quả khi hữu sự.

AstraZeneca chỉ có thể cung cấp tối đa 5-6 triệu liều vaccine, trong khi chính phủ nghĩ rằng sẽ được 10 triệu liều từ hãng này và cáo buộc hãng “lấp liếm” trong đàm phán. Thái Lan cũng không tham gia vào chương trình chia sẻ vaccine COVAX do WHO và các nước đồng tài trợ. Ngay cả khi nhận ra thiếu hụt vaccine vào tháng 1 năm nay, các quan chức vẫn bình chân như vại. Mãi đến tháng 3 và tháng 4, họ mới đề cập đến việc mua vaccine Pfizer, nhưng rồi đến tháng 7 này việc hoàn tất hợp đồng với hãng dược Mỹ mới được bàn thảo và ký kết.

“Đây có lẽ là thất bại lớn nhất của chính phủ trong công cuộc chống dịch hiện nay khi họ không biết mình phải làm gì để có thể đương đầu với đối thủ vô hình. Năng lực của quan chức và khả năng quản trị chính sách là lỗ hổng không thể lấp vào lúc này”, Bangkok Post nhận định.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang định ở mức 56,8 – 57,45 triệu đồng/lượng, giảm 100.000  đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.805,8 USD/ounce, giảm 6,8 USD, tương đương 0,38% so với chốt phiên trước.

2/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5% đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm 3,7 tỷ USD, cá tra 1,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu trong 5 năm qua có sự trồi sụt do biến động nhu cầu, cạnh tranh trên thị trường thế giới và những rào cản lớn như thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra tại thị trường Mỹ, thẻ vàng IUU của EU… Tuy trồi sụt nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. VASEP dự tính trong giai đoạn 2021-2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trung bình 7%/năm và tới năm 2025 đạt 12 tỷ USD. Trong đó, tôm đạt 5,5 tỷ USD, cá tra đạt 2,3 tỷ USD và hải sản đạt 4,2 tỷ USD.

3/ Theo Tổng cục Hải quan, tính chung, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu điều đạt 273.537 tấn, trị giá 1,647 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại,  nhập khẩu 1.710.517 tấn điều thô, trị giá 2,609 tỷ USD, tăng 168% về lượng và tăng 227,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong nửa đầu năm 2021 ngành điều nhập siêu gần 1 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu sau 31 năm xuất khẩu. Nửa đầu năm 2021, Campuchia hiện đang là thị trường chủ yếu cung cấp điều thô cho Việt Nam, chiếm 59,20% tổng lượng và chiếm 65,09% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong nửa đầu năm 2021 ngành điều nhập siêu gần 1 tỷ USD. Ảnh: CongThuong

4/ Ngày 21/7, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021. Theo đó, Sở Khoa học & Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 25 hợp tác xã của huyện Sông Mã; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất, tiêu thụ nhãn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo thống kê, năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt hơn 19.200 ha, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu.

5/ Bộ Công Thương vừa thông báo đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của Công ty Tiki Global Pte. Ltd. và Công ty Cổ phần Ti Ki, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki. Theo đó, pháp nhân Tiki Global sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Tiki sau khi sàn thương mại điện tử Việt Nam phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ. Như vậy, sau khi hoàn thành giao dịch, Tiki Global sẽ trở thành chủ sở hữu trực tiếp của Tiki. Tiki Global thành lập vào ngày 19/5 tại Singapore theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Pháp nhân này chưa có bất cứ hoạt động nào tại Việt Nam. Trong cơ cấu cổ đông của Tiki, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu tới 49,4% cổ phần. Cổ đông ngoại lớn nhất là đại gia ngành thương mại điện tử của Trung Quốc JD.com với 18,2% cổ phần.

6/ Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm nay và năm sau, với mức tăng trưởng cho năm 2021 ở mức 6,5%, giảm nhẹ do với dự báo 6,7% được Ngân hàng đưa ra trước đó. Dự báo cho năm 2022 tiếp tục được duy trì ở mức 7,3% dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Standard Chartered cũng đã hạ dự báo tỷ giá USD-VND xuống 22.900 vào cuối Quý 3 (từ mức 23.100) và 22.850 vào cuối năm nay (từ mức 23.000) và duy trì dự báo tỷ giá USD-VND ở mức 22.500 vào cuối năm 2022. Cán cân thanh toán quốc tế mang đến sự hỗ trợ tích cực cho đồng VND, nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và dòng vốn FDI ròng ở mức cao.

7/ Hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ thông báo Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình. Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó hỗn hợp kháng thể trong thuốc giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong. Được biết, thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển, có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta.

8/ Chương trình nghiên cứu đổi mới trị giá 95,5 tỷ euro, tương đương 112,4 tỷ USD mang tên “Horizon Europe” vừa được EU mời chào các quốc gia ASEAN tham gia hợp tác phát triển. Theo đó, chương trình này nhằm để các nhà nghiên cứu tại các nước ASEAN và EU gặp gỡ, trao đổi các đề tài nghiên cứu, cũng như chuẩn bị tốt cho việc đệ trình các đề xuất để sớm nhận được nguồn tài trợ. Chương trình được hình thành nhằm giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc cũng như thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của EU. Được biết, các khoản tài trợ sẽ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực và trong phạm vi các nước ASEAN, nguồn tài trợ này sẵn sàng dành cho các đề xuất hợp tác từ Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU đến năm 2030. Đồ họa: VGP

9/ Tập đoàn công nghệ Mỹ Apple thông báo sẽ hoãn việc đưa nhân viên trở lại văn phòng ít nhất là một tháng cho đến tháng 10/2021, khi số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ở Mỹ và các nước khác. Trước đó, vào tháng 6/2021, Apple đã yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng ít nhất ba ngày một tuần kể từ đầu tháng 9/2021, trong khi hầu hết công ty công nghệ lớn khác đều đang cho phép nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng ủng hộ điều này. Một bộ phận nhân viên Apple đã quyết định nghỉ việc nếu công ty không cho họ làm việc tại nhà. Được biết, nhiều công ty công nghệ, bao gồm Twitter Inc và Salesforce.com Inc, cũng đã chọn các mô hình làm việc từ xa một phần hoặc toàn bộ.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA