Tiêu điểm:

Thể thao điện tử bước lên bục chiến thắng trong dịch Covid-19

Thế vận hội mùa hè Tokyo Olympics 2020 bị dời đến tháng 7 sắp tới sẽ diễn ra ở các sân vận động hay nhà thi đấu không có khán giả. Các môn thể thao vua, như bóng đá hay tennis, trên toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề như hủy bỏ hoặc có lượng người xem hạn chế. Thế nhưng, thể thao điện tử hay còn gọi là eSports lại là “kẻ chiến thắng”, hưởng lợi nhiều nhất từ dịch Covid-19.

Sự bùng phát của dịch Covid đầu năm ngoái đã thay đổi thế giới một cách đáng kể, mọi mặt trong cuộc sống, làm việc, giải trí và thể thao.

Các nền kinh tế sụp đổ ở nhiều quốc gia, một số nơi phải phong tỏa dẫn đến lượng lớn người dân thất nghiệp, buộc phải rời bỏ văn phòng và bắt đầu làm việc tại gia. Hơn thế nữa, những hạn chế liên quan đến khả năng tự do đi lại hoặc đến những nơi công cộng đã khiến phần lớn người dân trên toàn cầu bị mắc kẹt trong nhà.

Dịch Covid-19 đã đưa thể thao điện tử phát triển đáng kể lên một tầm cao mới vì nhiều lý do. Chơi game hay trò chơi điện tử giúp mọi người thoát khỏi thực tế đáng buồn hiện tại và cuộc sống hàng ngày của họ. Mọi người muốn kết nối với những game thủ khác có cùng sở thích để chơi game và trò chuyện trong thời gian giãn cách… Tựu trung, eSports đã cung cấp một kênh, một thế giao tiếp cho những “người cô đơn” ở nhà. Việc theo dõi các chương eSports được livestream là hình thức giải trí hiếm hoi của nhiều người bị mắc kẹt ở nhà, không thể ra ngoài.

Chỉ tính riêng mảng thi đấu chuyên nghiệp, ngành eSports được ước tính sẽ trị giá gần 1,8 tỷ USD vào năm 2022. Theo WCYB, môn thể thao này đã và đang thu hút một lượng lớn khán giả, với 600 triệu người theo dõi trên toàn cầu. Forbes báo cáo rằng số lượng các vận động viên Esports chuyên nghiệp đã tăng hơn 40% mỗi năm kể từ năm 1998.

Trong những tháng đầu tiên sau khi hàng loạt quốc gia ban bố lệnh giãn cách, lượng người xem trên Twitch, nền tảng stream eSports hàng đầu thế giới, đã đạt con số khổng lồ. Theo The Verge, tháng 5/2020, lượng người xem trên Twitch đã tăng đến 120% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,645 tỷ giờ xem trong tháng. Đà phát triển của Twitch được dự đoán vẫn sẽ chưa dừng lại và còn vược bật hơn nữa trong năm 2021.

Các nhà phát triển và phát hành game cũng gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Chẳng hạn, theo báo cáo SuperData’s Year in Review, mặc cho Covid-19 bùng phát, nhưng Liên minh huyền thoại đã tạo ra doanh thu 1,75 tỷ USD cho nhà phát triển Riot Games vào năm 2020, cao hơn so với các năm về trước. Do mọi người ở nhà và chơi game nhiều, một số tựa game có lượng người chơi tăng đáng kể CS:Go hay Free Fire (thuộc hãng Garena trực thuộc gã khổng lồ công nghệ Sea ở Singapore). Một số công ty games cũng đã đánh bắt được xu hướng này và phát hành các trò chơi để thu lợi.

Sự bùng nổ của eSports khiến các hãng thiết bị trò chơi điện tử như Sony lo sợ. PlayStation 5 của Sony tung ra giữa năm 2020 có thể chơi trên smartphone 5G như là cách chuyển mình của “ông già” trong làng trò chơi điện tử.

Việt Nam có vai vế riêng trên thị trường eSports với lượng người chơi đến 26 triệu người và thuộc top 30 lớn nhất toàn cầu.

Trang eSports Earnings đã xếp Việt Nam đứng thứ 26 trong số 100 quốc gia có thu nhập cao nhất từ lĩnh vực thể thao điện tử. Năm 2020, Việt Nam đã thu về được khoảng 1 triệu USD tiền thưởng qua chiến thắng của 453 vận động viên, mặc dù đã bỏ lỡ một số giải đấu quốc tế do đại dịch Covid-19. Nhiều game thủ chơi chuyên nghiệp ở TP.HCM có mức thu nhập trung bình 20 triệu đồng. Cá biệt có những vận động viên đạt mức 4.000 – 5.000 USD mỗi tháng.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hiện đang hợp tác với 5 liên đoàn thể thao quốc tế và các nhà phát hành trò chơi để tổ chức thế vận hội ảo. Loạt trận Olympic ảo diễn ra từ ngày 13/5 đến ngày 23/6 sắp tới như phần nào bù đắp nỗi thiếu hụt hay mất mát của các sân vân động, nhà thi đấu trống rỗng ở Tokyo trong hai tháng tới. Các trò chơi kỹ thuật số đã được thiết kế nhằm mục đích huy động những người đam mê thể thao ảo, thể thao điện tử và trò chơi.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện mức 55,95 – 56,3 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 350.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.874 USD/ounce, giảm 6,7 USD/ounce, tương đương 0,36% giá trị so với chốt phiên trước. Như vậy đây là phiên giảm đầu tiên trong 4 phiên gần đây của kim loại quý này.

2/ Hôm 25/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam đã kết thỏa thuận kéo dài dự án Thông tin viễn thám và bảo hiểm cây trồng tại các nền kinh tế mới nổi (RIICE) do Thụy Sỹ tài trợ. Dự án này sẽ giúp Bộ NN&PTNT và các sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ viễn thám vào theo dõi và quản lý rủi ro trong sản xuất lúa. Đồng thời, RIICE cũng sẽ giúp xây dựng và mở rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Theo thỏa thuận, dự án sẽ kéo dài đến cuối năm 2021. Được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2012, RIICE cung cấp các loại bản đồ và số liệu phục vụ theo dõi và bảo hiểm lúa. Hiện nay, RIICE đang được thực hiện tại 7 tỉnh ở Việt Nam, hoàn toàn có thể nhân rộng ra cả nước với một khoản đầu tư bổ sung không đáng kể.

3/ Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist đã ghi nhận khoản lỗ 87,1 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi năm liền kề trước đó lãi hơn 63 tỷ đồng. Lữ hành Saigontourist hiện được đánh giá là đơn vị lữ hành hàng đầu và duy nhất tại Việt Nam kinh doanh hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực du lịch quốc tế, du lịch nước ngoài, du lịch trong nước. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty này năm 2020 sụt giảm mạnh, phần vì tác động từ đại dịch. Đầu năm nay, khi biến chủng mới của Covid-19 chưa xuất hiện tại Việt Nam như hiện nay, ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc Saigontourist Group đánh giá triển vọng du lịch 2021 vẫn là một ẩn số. Ông đã đưa ra lý giải về nguy cơ phát triển của biến thể mới, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng/du khách.

4/ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) đã kết luận về vấn đề phá giá đến từ mặt hàng lốp xe hơi nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Bộ này đã kết luận rằng các mặt hàng lốp xe và lốp xe tải nhẹ có nguồn gốc từ Việt Nam được định giá không đúng với giá trị thực bởi trợ cấp không bình đẳng.  Theo Reuters, báo cáo của DOC đã chỉ ra lốp xe đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã bán thấp hơn giá thị trường tại Mỹ.  Báo cáo của DOC cũng cho biết, phía Mỹ đã kết luận về mức bán phá gia của lốp xe Việt là 22%. Về nguyên nhân, lốp xe hơi Việt Nam đang nhận được tỷ lệ trợ cấp từ 6,23% đến 7,89% cho chênh lệch quy đổi USD sang VNĐ. Theo kết luận từ phía Mỹ, việc quy đổi này có tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của VNĐ, dẫn đến việc các sản phẩm xuất khẩu sang nước này thấp hơn giá trị thật.

5/ Nhiều công ty đào tiền mã hóa ở Trung Quốc trong đó có HashCow và BTC đã ngừng hoạt động tại Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh áp dụng biện pháp siết chặt hoạt động đào và kinh doanh tiền mã hóa, động thái này của giới chức Trung Quốc lập tức ảnh hưởng xấu đến các loại tiền mã hóa trong bối cảnh quan điểm chỉ trích loại tiền mã hóa này dâng cao trên toàn cầu. Giá bitcoin hiện đã chịu tác động nặng nề sau động thái từ Trung Quốc và hiện giờ thấp hơn 50% so với mức đỉnh thiết lập gần nhất. Được biết, Đây là lần đầu tiên Quốc vụ viện Trung Quốc có động thái trực tiếp nhắm đến hoạt động đào tiền mã hóa. Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 70% hoạt động đào tiền ảo của thế giới.

6/ Theo danh sách vừa được Forbes Real-Time công bố người giàu nhất thế giới hiện nay đã có sự đổi ngôi, với người giàu nhất thế giới hiện tại là ông Bernard Arnault, Chủ tịch Tập đoàn Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH). Trong những ngày qua, khối tài sản của ông đã tăng thêm 710 triệu và đạt 186,3 tỷ USD, điều này cho phép ông vượt qua người sáng lập Amazon Jeff Bezos, người tụt xuống vị trí thứ 2 với 186 tỷ USD. Vị trí thứ ba trong danh sách vẫn do ông chủ Tesla và SpaceX, tỷ phú Elon Musk chiếm giữ. Theo Forbes, Bernard Arnault được lợi nhờ doanh số bán các mặt hàng xa xỉ của LVMH tăng mạnh ở Trung Quốc cùng nhiều khu vực ở châu Á. Trước đó, Bernard Arnault lọt top 10 những người giàu nhất thế giới vào giữa năm 2005 với khối tài sản 13 tỷ USD.

7/ Theo Nikkei, Philippines sẽ nghiên cứu về việc trộn lẫn vaccine Sinovac của Trung Quốc với các vaccine Covid-19 khác trước tình hình nguồn cung không ổn định. Được biết, nghiên cứu này do chính phủ tài trợ và sẽ kéo dài trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022. Ngoài Sinovac, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 6 loại vaccine Covid-19 khác gồm các hãng Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson của Mỹ, AstraZeneca của Anh, Bharat Biotech của Ấn Độ và Viện Gamaleya của Nga. Philippinesh hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19 thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Manila đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn một nửa nền dân số 100 triệu người trong năm nay, song đang vấp phải trở ngại là tâm lý e dè không muốn tiêm hoặc kén chọn vaccine của người dân.

8/ Một cặp dưa lưới Yubari được bán với giá 2,7 triệu yên (khoảng 572 triệu đồng) trong phiên đấu giá đầu tiên của mùa này tại một chợ bán sỉ ở thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido của Nhật Bản. Đây là cặp dưa có giá cao nhất trong số tất cả các cặp dưa lưới Yubari được đưa ra đấu giá tại Chợ bán sỉ Trung tâm Sappro hôm 24/5. Nó đắt gấp 22 lần cặp dưa có giá tối đa 120.000 yên được ghi nhận trong phiên đấu giá đầu tiên của năm ngoái. Dưa lưới Yubari là 1 loại món ngon theo mùa. Phiên đấu giá đầu tiên cho loại dưa này tại chợ bán sỉ Sapporo cho thấy mùa hè năm nay đến sớm tại Hokkaido. Hiện có khoảng 466 trái dưa từ TP. Yubari được đem ra đấu giá trong mùa này.

Cặp dưa lưới Yubari được đấu giá 2,7 triệu yên tại TP Sapporo. Ảnh: Japan Times

9/ Hãng TASS đưa tin Cơ quan giám sát truyền thông của Nga (Roskomnadzor) đã cho Google thời hạn 24 giờ để xóa những gì họ xem là nội dung bị cấm, đồng thời cảnh báo Moskva có thể áp đặt biện pháp trừng phạt giảm tốc độ đường truyền đối với nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm này. Roskomnadzor cho biết đã thực hiện 26.000 cuộc gọi tới Google yêu cầu xóa bỏ những thông tin trái phép, trong đó có các video về bạo lực và sử dụng ma túy và nếu Google không có biện pháp hạn chế truy cập các thông tin bị cấm này trong 24 giờ, họ có thể sẽ bị phạt từ 800.000 tới 4 triệu ruble. Được biết, nếu Google tiếp tục vi phạm quy định của Nga, hãng này có thể sẽ bị phạt ở mức tương đương 10% doanh thu của công ty. Trước đó Cơ quan giám sát truyền thông Nga cũng đã áp dụng các biện pháp để làm chậm tốc độ đường truyền của Twitter, do hãng từ chối gỡ bỏ thông tin bị cấm ở Nga.

10/ Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là “chủ nợ” lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm liên tiếp, bất chấp việc đồng yen tăng giá so với đồng USD đã làm giảm giá trị tài sản ròng của Nhật Bản ở nước ngoài. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tài sản ròng của nước này ở nước ngoài, do chính phủ, các công ty và nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, ước tính khoảng 356.970 tỷ yen (3.300 tỷ USD), giảm 0,01% so với tài khóa 2019. Đây cũng là lần đầu tiên từ năm 2017 đến nay, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản sụt giảm. Tính trên toàn thế giới, trong tài khóa 2020, Đức đứng vị trí thứ hai, tiếp theo là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc. Được biết, Mỹ hiện là nước nắm giữ các khoản nợ ròng ở nước ngoài lớn nhất, với 1,460 triệu tỷ yen (13.400 tỷ USD).

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Sagrifood giảm giá sốc Thịt heo VietGAP mừng “ngày hội công nhân Sagri”