Mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã qua vụ thu hoạch cà phê nhưng lực cầu vẫn yếu, và thị trường cà phê vẫn trong tình trạng ảm đạm, khiến giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên trong tuần đến ngày 1/4/2019 mất thêm 800 đồng/kg so với tuần trước đó.

Sáng ngày 2/4 giá cà phê nhân xô một số tỉnh Tây Nguyên mất đà lao dốc thêm 800 đồng/kg chạm mức thấp mới 30.800 – 31.700 đồng/kg. Tại cảng Tp.HCM, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở 1.343 USD/tấn (FOB), trừ lùi ở mức 75 USD/tấn.

Thị trường cà phê trong nước có giá cao nhất chốt ở 31.700 đồng/kg tại Đắk Lắk, 31.200 đồng/kg tại Gia Lai và Đắk Nông, thấp nhất ở 30.800 đồng/kg tại Lâm Đồng.

Như vậy, trong nửa cuối tháng 3, giá cà phê đã sụt giảm đến 2.400đ/kg, và kết quả xuất khẩu cà phê trong quý 1/2019 cũng không khả quan, cả khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm nay đều giảm mạnh.

Tại hội nghị quốc tế cà phê, đại diện nông dân cho biết người trồng cà phê toàn cầu đang bị đói nghèo bởi giá trên thị trường quốc tế thấp cho niên vụ hiện tại, cảnh báo tương lai ngành cà phê đang gặp rủi ro. Giá cà phê kỳ hạn đang ở gần đáy 13 năm, giao dịch tại 93,45 cent Mỹ/lb trong ngày 27/3/2019, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất tại hầu khắp các quốc gia.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3/2019 xuất khẩu cà phê ước đạt 166 tấn, tương đương 298 triệu USD, tăng 39% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2019. Tính chung 3 tháng đầu năm, ước xuất khẩu 483 tấn cà phê, tương đương 840 triệu USD, giảm 15,3% về lượng và giảm 23,8% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 3/2019 đạt 1.738 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 2/2019, nhưng giảm 9,7% so với tháng 3/2018. Tính trung bình 3 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt 1.739 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm sụt giảm là do sự kháng giá tại thị trường nội địa hơn là do liên quan đến nguồn cung.

Các nước khối EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chiếm trên 44,4% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 140.813 tấn, tương đương 231,74 triệu USD, tăng 4,4% về lượng nhưng giảm 7,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Đứng thứ 2 sau EU là thị trường Hoa Kỳ. Năm 2018 nhập khẩu cà phê của nước này đạt 1,582 triệu tấn, trị giá 5,591 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với năm 2017. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hoa Kỳ năm 2018 đạt mức 3.533 USD/tấn, giảm 7,2% so với năm 2017.

Trong năm 2018, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Hoa Kỳ chiếm 13,3%, thấp hơn so với 14,4% của năm 2017. Ngược lại, thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng nhập khẩu Hoa Kỳ chiếm 23,1%, tăng so với 22,1% thị phần năm 2017; Colombia chiếm 21,3%, tăng so với 21% thị phần năm 2017.

Qua số liệu phân tích trên cho thấy, Hoa Kỳ đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường, như: Brazil, Guatemala, Mexico và Canada, nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, ngành cà phê Việt Nam cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời tìm ra điểm mạnh cần phát huy và hạn chế để khắc phục thì mới có khả năng giữ thị phần tại thị trường tiềm năng lớn này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hiện Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau EU, dự báo năm 2019 nước này sẽ nhập khẩu khoảng 26,5 triệu bao, tăng 2,1 triệu bao so với năm 2018. Cà phê là đồ uống được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ và có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.

Theo Quang Trí/VnEconomy