Tập trung chủ lực vào phát triển nhóm sản phẩm văn phòng phẩm, trải qua hành trình 40 năm, một xưởng sản xuất bút bi nhỏ nay Thiên Long đã trở thành thương hiệu “quốc dân” với hàng triệu sản phẩm đồng hành cùng biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam trên con đường chinh phục sức mạnh tri thức.
Cây bút bi đầu tiên của thế giới được ra đời vào tháng 10 năm 1888 bởi John Loud, Hoa Kỳ. Nhưng gần một thế kỉ sau, chúng ta mới có một cây bút bi “made in Việt Nam” bởi ông Cô Gia Thọ – nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn.
Cây bút bi đầu tiên do Thiên Long sản xuất cũng là cây bút bi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam được ra đời vào năm 1981. Khi ấy, bút bi hầu hết được nhập từ Thái Lan, với số lượng khá ít ỏi và khan hiếm, đến nỗi một số người phải bơm mực vào để dùng đi dùng lại. Ông Cô Gia Thọ lúc đó là một người buôn bán bút, đã đau đáu về việc tự sản xuất những cây bút bi tại Việt Nam, mang đến nguồn cung dồi dào hơn cho mọi người. Và cây bút bi “made in Việt Nam” đầu tiên đã ra đời trong một cơ sở sản xuất nhỏ đặt tại Quận 6, Sài Gòn.
Tại thời điểm đó, các khái niệm về “nhà phân phối” hay “nhà bán lẻ” chưa hình thành và rất mơ hồ, với khao khát mở rộng thị trường khắp cả nước, công ty đã chủ động từng bước chào bán cho các tiểu thương ở chợ sỉ để hàng hóa đi xa hơn như chợ Bình tây, chợ Kim Biên, Chợ Phùng Hưng. Tuy nhiên, không phải chợ nào cũng ủng hộ hàng Việt Nam, có những tiểu thương tại chợ văn phòng phẩm Lê Lơi – chợ sỉ văn phòng phẩm lớn nhất Sài Gòn lúc bây giờ – thường chuộng bán hàng ngoại nhập hơn. Biết rằng không thể phụ thuộc vào các chợ, ông Thọ cùng những cộng sự đầu tiên đã tự mình mang sản phẩm bút bi “made in Vietnam” đi đến khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung và ngược lên phía Bắc.
Đến năm 1997 thì thương hiệu này đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường bút bi, trở thành cái tên thân thuộc của bao thế hệ học trò. Những chiếc bút bi xanh, đen, đỏ với dải trắng ở giữa luôn có trong cặp các cô, cậu học sinh khắp cả nước, trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc về thời “áo trắng học trò”.
Phương Nga – cô bạn 9X đời đầu bồi hồi nhắc lại: “Ngày đó học cấp 2, sách có thể quên nhưng mọi giá phải đem theo bút Thiên Long. Mẹ thường mua cả một hộp to rồi chia cho cả 3 chị em xài dần. Hôm nào mà được dùng bút mới là sướng cả ngày. Mình nhớ khi đó mình còn làm dấu hoặc viết tên lên để đỡ “lạc trôi”. Giờ đi làm, ít có dịp dùng viết như xưa, nhưng lâu lâu vào nhà sách thấy những cây bút thân quen tự nhiên vui lắm, bổng nhiên nhớ tuổi thơ ghê!”
Tập đoàn Thiên Long 40 năm hành trình gắn bó tri thức Việt Nam - Ảnh 5.
Tròn 4 thập kỉ phát triển, Tập đoàn vẫn bền bỉ với mảng văn phòng phẩm dù cho những tác động của xã hội, thị trường đã thay đổi phần lớn cách con người tiếp nhận thông tin và tri thức.
Như ông Gia Thọ từng chia sẻ triết lý kinh doanh của ban giám đốc tập đoàn “Phải trân trọng và trở thành một “kẻ mạnh” trong một lĩnh vực, rồi hãy nghĩ đến việc lấn sân sang ngành khác”.
Tập đoàn Thiên Long 40 năm hành trình gắn bó tri thức Việt Nam - Ảnh 6.
Từ năm 2000, với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số cùng hàng loạt phương tiện trao đổi và ghi nhận thông tin mới như điện thoại, máy tính, hay đến bây giờ là máy tính bảng, laptop, Tập đoàn vẫn vững vàng trước sự chọn lựa của mình. Một trong những nguyên nhân giúp thương hiệu bút bi một thời vượt qua sự thay đổi của thời cuộc chính là lòng quyết tâm vững chí của ban lãnh đạo và sự năng động sáng tạo của một tập thể.
Nhằm gia tăng sức cạnh tranh, công ty chủ đông kết nối với các chuyên gia trong khu vực, mời họ về Việt Nam hợp tác và trao đổi công nghệ sản xuất bút bi tiên tiến nhất. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, ban lãnh đạo đã nhận định không thể xoay quanh mảng bút viết mà cần mở rộng nhóm sản phẩm hơn. Và chiến lược thăm dò thị trường với các sản phẩm mới ngoài bút viết từ năm 2008 cũng được đánh giá cao về sự thận trọng nhằm tìm được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng thế hệ mới. Nhờ vậy, các sản phẩm văn phòng phẩm ngoài bút của thương hiệu Việt được ra mắt sau này đã nhanh chóng nhận được sự yêu thích của không chỉ nhóm nhân viên văn phòng mà còn được sự ưu ái tin dùng từ thế hệ học trò mới.
Cho đến hiện tại, thương hiệu này đã có thêm hàng ngàn sản phẩm, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng từ học sinh, giới văn phòng đến doanh nhân. Đặc biệt các sản phẩm trong nhóm văn phòng phẩm ghi nhận mức tăng trưởng bền vững trong suốt hơn 1 thập kỉ qua từ khi trở thành một công ty đại chúng, trở thành thương hiệu văn phòng phẩm số 1 tại Việt Nam với 60% thị phần trong nước và liên tục mở rộng các thị trường xuất khẩu. Ghi nhận đến hết 2019, các sản phẩm đã có mặt tại 66 quốc gia trên toàn thế giới.
Có thể thấy, dù phải trải qua hai lần sóng lớn với khủng hoảng kinh tế 2008 và đại dịch COVID-19 hiện tại, doanh nghiệp có giá trị hàng nghìn tỉ đồng này vẫn bền bỉ với ngành văn phòng phẩm, không theo đuổi xu thế đa ngành.
Tập đoàn Thiên Long 40 năm hành trình gắn bó tri thức Việt Nam - Ảnh 8.
“Chúng tôi ý thức được rằng, “tri thức” không chỉ là sức mạnh của mỗi cá nhân mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc” – ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT chia sẻ vể động lực của tập đoàn trong suốt hành trình tiếp lửa tri thức Việt suốt 4 thập kỉ qua.
Từ ngày thành lập cho đến hôm nay, Tập đoàn luôn tin vào sức mạnh của tri thức và sức trẻ của thanh niên. Chính vì thế, bên cạnh hoạt động kinh doanh, tập đoàn cũng đặt hết tâm huyết vào những chương trình xã hội tiếp lửa tri thức. Điển hình nhất chính là chương trình “Tiếp sức mùa thi” trong suốt 20 năm qua, cùng Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên tiếp lửa cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà trên cả nước; triển khai 58.618 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của 1.018.231 thanh niên, sinh viên tình nguyện; tổng nguồn lực huy động được là gần 200 tỉ đồng.
Anh Lê Xuân Dũng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2021 chia sẻ: “Xuất phát là một hoạt động hỗ trợ thí sinh đi thi đại học, qua từng giai đoạn, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội. Từ các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các đơn vị chức năng đến người dân tại các địa phương đều mở rộng vòng tay giúp đỡ sĩ tử vượt qua kỳ thi quan trọng được thuận lợi, thể hiện sức lan tỏa về giá trị nhân văn của chương trình bằng những hành động thiết thực từ tấm lòng thơm thảo của người dân thành phố. Đây cũng là môi trường để sinh viên rèn luyện bản thân, nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng, là nơi kết nối rất nhiều trái tim tình nguyện, nối dài từ chương trình Tiếp sức mùa thi đến các hoạt động tình nguyện khác của thanh niên”.
Tập đoàn Thiên Long 40 năm hành trình gắn bó tri thức Việt Nam - Ảnh 11.

Theo TTO